+
Aa
-
like
comment

Khi người đứng đầu Chính phủ trực tiếp tham gia xử lý ngân hàng yếu kém

Huy Hoàng - 18/04/2023 14:46

Sau những năm tăng trưởng nóng, nhiều tổ chức tín dụng đã vướng không ít sai phạm, khiến các khoản nợ xấu không đáng có phát sinh, đặc biệt là hướng dòng tín dụng ngắn hạn vào các lĩnh vực dài hạn. Do đó, Quyết định 213/QĐ-TTg đã được Chính phủ ban hành với mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn liền với nợ xấu…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.

Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ làm Trưởng ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Các Phó trưởng ban gồm: Phó Thủ tướng Lê Minh Khái (Phó trưởng ban thường trực); Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. Các thành viên là lãnh đạo một số bộ, ban, ngành.

Trước tiên có thể thấy rằng, quá trình cơ cấu có sự tham gia của Chính phủ sẽ tốt hơn, do Chính phủ là bên tiếp xúc trực tiếp với tình hình kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư hạ tầng (sân bay, đường sắt tốc độ cao), … đây là những ngành tạo ra động lực rất lớn cho tương lai đất nước. Do đó khi có Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ đưa ra được những chỉ đạo/chính sách phù hợp, kịp thời, giúp hệ thống tín dụng “biết đường” mà hướng dòng chảy tín dụng vào nhóm ngành nào có lợi cho sự phát triển của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, sự tham gia của Chính phủ còn giúp chính sách tín dụng có thể bắt kịp với chính sách chống đầu cơ, thổi giá, từ đó tránh tạo thêm nợ xấu ở một vài nhóm ngành. Ngoài ra, dưới sự chỉ đạo của người điều hành nền kinh tế, dòng tín dụng khi được điều hướng vào những ngành phát triển thực chất cũng hạn chế được tối đa nguy cơ phát sinh thêm nợ xấu. Nói chung, để tín dụng vào “đúng ngành, đúng việc”, không tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế trong bối cảnh vĩ mô đang rất xấu thì rất cần thêm một tay từ Chính phủ, bên cạnh vai trò từ NHNN.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng bày tỏ mong muốn qua quá trình cơ cấu lần này sẽ giảm được số lượng các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng yếu kém, đặc biệt là không để phát sinh những ngân hàng yếu kém mới. Đồng thời lên dây cót, tìm phương hướng, giải pháp xử lý những vấn đề, khó khăn trong xử lý nợ xấu. Từ đó mới có thể hướng tới việc giúp hoạt động dịch vụ ngân hàng trong việc hỗ trợ nền kinh tế và xã hội tốt hơn, theo một cách toàn diện.

Như vậy, có thể thấy lĩnh vực tín dụng đang đứng trước một giai đoạn cải tổ lớn, sau những năm tăng trưởng nóng, làm phát sinh những tổ chức tín dụng yếu kém tạo gánh nặng cho cả hệ thống, thì việc cơ cấu lại là cần thiết. Đây là một hoạt động bình thường và vẫn có thể lặp lại trong tương lai, do Việt Nam là nước đang phát triển sẽ còn đối mặt với nhiều thử thách mới, thế nên cần cải tổ hệ thống qua mỗi chu kỳ kinh tế, từ đó mới luôn lành mạnh hóa được dòng tín dụng cho đất nước. Ngoài ra, nếu mục tiêu không để phát sinh thêm ngân hàng yếu kém được duy trì thực hiện sẽ là càng tốt vì nó sẽ giảm được tối đa nguy cơ nợ xấu trong quá trình kinh tế vươn lên.

Hiện nay có sự tham của Chính phủ cũng sẽ giúp đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại hệ thống tín dụng. Điều này đặc biệt quan trọng vì nó sẽ giúp ngành ngân hàng chống chọi tốt hơn biến động bên ngoài đang ngày càng dữ dội hơn. Vì tình hình quốc tế đang có dấu hiệu căng thẳng, khi nước Mỹ đang bị kẹt giữa lạm phát và nguy cơ khủng hoảng ngành ngân hàng, làm dấy lên nguy cơ nước này phải hạ cánh cứng, tức suy thoái sâu để lấy lại sự ổn định.

Thế nên đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại hệ thống tín dụng, như sáp nhập ngân hàng yếu kém, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu,… từ đó sẽ đảm bảo sự ổn định hệ thống tài chính đất nước trong lúc tình hình vĩ mô quá kém sắc như hiện nay.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều