+
Aa
-
like
comment

Khi người dân hiến kế bịt đường chạy chức, chạy quyền

Thế Khoa - 16/10/2019 09:14

Những ngày này, một trong những nội dung thời sự được dư luận hồ hởi đánh giá cao với nhiều kỳ vọng, đó là việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205 “về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền”. Nhiều người ví rằng, quy định này đã thổi một luồng gió mới, đã “điểm huyệt” trúng và gọi tên đúng nhiều yếu kém trong công tác cán bộ. Song nhìn đến cùng thì những nội dung trong Quy định được đề ra không có nghĩa là thực hiện theo quy trình này sẽ giải quyết, khắc phục được tất cả những hạn chế trong công tác cán bộ hiện nay.

Còn nhớ lời gợi mở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói về công tác lựa chọn cán bộ rằng vì sao có nhiều nghị quyết rất đúng, trúng nhưng việc thực hiện hiệu quả thấp? Vì sao quy trình thì đúng nhưng bố trí con người cụ thể lại sai? Vướng mắc chính là chỗ nào? Cơ chế giám sát quyền lực đã đủ chưa? Giải quyết và trả lời được những câu hỏi trên thì nút thắt trong công tác cán bộ mới thực sự được gỡ bỏ.

Thật ra việc chống chạy chức chạy quyền cũng không khó gì, chỉ có điều các cán bộ, những người thực thi có thực tâm muốn làm hay không mà thôi. Theo tôi để bịt đường chạy chức chạy quyền thì hãy cứ dựa vào dân và nhờ người dân là yên tâm nhất, không nên làm theo kiểu “đúng quy trình” như lâu nay. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi mà không ra.

Tôi nghĩ muốn chống tham nhũng thì phải trị chuyện chạy chức chạy quyền tận gốc. Mà trị tận gốc bao giờ cũng rất khó. Thế nhưng, khó không có nghĩa là không giải quyết được vấn đề. Trước đây, ông Phạm Minh Chính khi còn là Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh đã đưa ra mô hình chống chạy chức chạy quyền mà theo tôi là khá hay, đó là tổ chức thi các chức danh, đề bạt bất cứ chức nào cũng phải thi. Đây là việc làm rất hiệu quả để tìm người tài và chống được nạn đưa người nhà vào bộ máy nhà nước. Sau này nhiều địa phương, bộ, ngành cũng áp dụng mô hình thi tuyển này, nhưng tiếc thay là mô hình này sớm bị biến chất, nhiều nơi họ đã chọn trước kết quả, thi chỉ là hình thức cho có lệ khi mọi vị trí đã được sắp xếp cả rồi. Một sáng kiến hay đã bị cán bộ, những người thực thi lợi dụng kẻ hở, biến tấu để trục lợi, làm mất đi tính hiệu quả.

Vậy nên thiết nghĩ, phải nhanh chóng công khai, minh bạch các cuộc thi bằng cách truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình hoặc mạng xã hội, để toàn thể người dân có thể giám sát. Thậm chí có thể cho người dân tham gia đặt câu hỏi, đưa ra các tình huống cụ thể để các ứng cử viên xử lý. Đề thi cần đi vào những sự việc thời sự cụ thể hay những vấn đề dân sinh cấp bách cần giải quyết trong ngành và địa phương. Các vị trí khác ở Trung ương cũng vậy. Chỉ có làm như trên thì chúng ta mới tìm được người tài thực sự, bằng không với những cách làm cũ như hiện nay ta chỉ là thay lớp cán bộ dở này bằng lớp cán bộ khác có khi lại còn dở và tồi tệ hơn.

Việc chọn lựa cho được thủ lĩnh các bộ, ngành, người đứng đầu các tỉnh, thành rất hệ trọng. Đó chính là những cây cột chính, những chiếc xà vững vàng cho “ngôi nhà” đất nước. Nếu chọn nhầm cái cột, cái xà sẽ là nguy hại cho cả ngôi nhà lớn. Vậy nên thiết nghĩ trong việc ngăn chặn nạn chạy chức chạy quyền, ngoài các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát thì người có thể bịt được lỗ hổng này không ai khác chính là tai mắt của người dân. Dân công minh ắt sẽ chọn đúng người.

Thế Khoa

Bài mới
Đọc nhiều