+
Aa
-
like
comment

Khi nào xem Covid-19 là bệnh đặc hữu?

Diệu Hương - 11/03/2022 15:56

Hơn 2 năm chống chọi với Covid-19, những tổn thất về sức khỏe, sinh mạng, tài chính là vô cùng nặng nề. Do vậy kỳ vọng về một ngày đại dịch được ngăn chặn hoặc chí ít như một căn bệnh thông thường, ít nguy hiểm cho con người là ước mơ không của riêng ai.

Sau nhóm trẻ từ 12 tuổi, hiện Việt Nam đang chuẩn bị các bước để tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho nhóm trẻ từ 5-11 tuổi

Nhìn ra thế giới có thể thấy, sau 3 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều nước đang cố gắng “sống chung với Covid-19”. Điển hình như: Đầu tháng 2 vừa qua, Đan Mạch trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu chấm dứt mọi luật lệ liên quan đến virus SARS-CoV-2. Tiếp sau Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và nhiều quốc gia châu Âu cũng chuẩn bị công bố thoát khỏi đại dịch Covid-19 vào đầu tháng 4 này. Tây Ban Nha cũng nằm trong số các quốc gia kêu gọi cách tiếp cận xem Covid-19 là bệnh đặc hữu, có nghĩa là sẽ có các đợt bùng phát theo mùa nhẹ hơn mà nhân loại có thể sống chung như bệnh cúm. Tại châu Á, Bộ Y tế công cộng Thái Lan cho biết họ có kế hoạch tuyên bố Covid-19 là bệnh đặc hữu trong vòng 3 tháng tới.

Còn tại Việt Nam, dịch vẫn đang bùng phát mạnh. Một tháng trở lại đây, số ca F0 tăng liên tục, ngày sau cao hơn ngày trước hàng nghìn, thậm chí cả chục nghìn người. Tuy nhiên, Hà Nội và cả nước không đóng cửa. Bộ Y tế cho biết so với tháng trước số ca mắc Covid trong cộng đồng trên cả nước tăng gần 200% nhưng số tử vong giảm 47%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24,5, số ca nặng, nguy kịch giảm hơn 43%, hơn 90% F0 điều trị tại nhà.

Người dân đã thích ứng với dịch bệnh

Mới mấy tháng thôi mà tư duy về virus SARS-CoV-2 trong xã hội đã khác hoàn toàn. Từ chỗ hốt hoảng, bị động trong cách xử lý, chúng ta dần bình tĩnh đón nhận và chủ động các biện pháp ứng phó, tập trung nguồn lực cứu chữa cho nhóm bệnh nhân Covid-19 nặng, vừa tiết kiệm nguồn lực, vừa đảm bảo hiệu quả phòng, chống dịch. Kết quả này chắc chắn có được nhờ việc bao phủ vaccine trên diện rộng và những bài học kinh nghiệm rút ra từ những đợt phòng chống dịch thời gian vừa qua. Kết quả này chắc chắn có được trên nền tảng phủ vaccine diện rộng và những bài học rút ra từ đợt chống dịch ở TP.HCM trong quý 3 năm ngoái với nhiều hệ lụy tang thương.

Thế nhưng Covid-19 là bệnh mới xuất hiện với những rủi ro chưa thể đánh giá hết. Không ai dám chắc những thiệt hại do Covid-19 gây ra đã dừng lại với những gì thế giới đang ghi nhận cả về sinh mạng con người, cũng như các lĩnh vực chính trị, kinh tế xã hội khác.

Dù có nhiều cách định nghĩa nhưng chung quy “bệnh đặc hữu” được hiểu là bệnh xuất hiện thường xuyên, tốc độ lây lan dễ dự đoán, cho phép hệ thống y tế có điều kiện chuẩn bị, thích ứng, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng con người.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đi thị sát chống dịch

Mức độ nguy hiểm của đại dịch, an toàn sức khỏe, tính mạng con người trước sự tấn công của virus không đơn giản là việc thay đổi tên gọi dịch bệnh ấy, ít nhất là về mặt câu chữ. Mà nó phải là kết quả của việc cân nhắc kỹ lưỡng các điều kiện về năng lực ứng phó của hệ thống ý tế, gồm: sự hiện đại của trang thiết bị, trình độ chuyên môn của nguồn nhân lực, độ bền vững của hệ miễn dịch do vaccine mang lại cho cộng đồng và ý thức phòng, chống dịch của người dân.

Vì vậy, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cần được hiểu như một sự kỳ vọng. Điều đó chỉ được thực hiện sau quá trình đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh, tình trạng kháng thể bảo vệ trước virus Covid-19 trên phạm vi cả nước và nghiên cứu một cách khoa học, trách nhiệm, kinh nghiệm quốc tế, nhất là với nước có nhiều kinh nghiệm điều trị, hồi sức cấp cứu cũng như chủ động nguồn vaccine dồi dào, thuốc kháng virus hiệu lực cao. Nói cách khác, để Covid-19 từ “đại dịch” trở thành “bệnh đặc hữu” cần có thời gian để những khoảng chống phòng, chống dịch được lấp đầy. Bởi, dù gọi Covid-19 bằng cái tên gì, thì mục tiêu cao nhất của việc chống dịch vẫn là đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều