+
Aa
-
like
comment

Khi nào được dùng công cụ hỗ trợ?

09/09/2020 08:32

Pháp luật quy định đối tượng nào được sử dụng công cụ hỗ trợ và sử dụng như thế nào, phạm vi sử dụng đến đâu thì không phạm luật?

Khi nào được dùng công cụ hỗ trợ? - Ảnh 1.
Hình ảnh ông Sướng dùng “công cụ hỗ trợ” đe dọa người đi đường Ảnh: cắt từ clip

Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Bắc Ninh đã bắt khẩn cấp ông Nguyễn Văn Sướng (52 tuổi, giám đốc một công ty bảo vệ ở Bắc Ninh) về hành vi đe dọa giết người, sau khi ông này rút súng đe dọa một tài xế xe tải.

Sự việc được chia sẻ nhanh chóng trên mạng xã hội, khiến dư luận tỏ ra bức xúc trước hành vi của ông Sướng. Vậy pháp luật quy định đối tượng nào được sử dụng công cụ hỗ trợ và sử dụng như thế nào thì không phạm luật?

Phải được phép sử dụng

Khoản 11, điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp.

Trong đó, súng bắn điện, súng bắn đạn nhựa, nổ, cao su, phương tiện xịt hơi cay, chất gây mê, chất gây ngứa… là công cụ hỗ trợ.

Vậy đối tượng nào được phép sử dụng công cụ hỗ trợ?

Theo luật sư Trần Bá Học – Đoàn luật sư TP.HCM, điều 7 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định người được giao sử dụng công cụ hỗ trợ phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt, đủ sức khỏe phù hợp với công việc được giao; không đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã được xóa án tích trong trường hợp bị kết tội theo bản án, quyết định của tòa án; đã qua đào tạo, huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Người được giao sử dụng công cụ hỗ trợ có trách nhiệm sử dụng đúng mục đích, đúng quy định, khi mang công cụ hỗ trợ phải mang theo giấy chứng nhận, giấy phép sử dụng, bảo quản đúng chế độ, đúng quy trình và phải bàn giao cho người có trách nhiệm quản lý, bảo quản theo đúng quy định sau khi kết thúc nhiệm vụ hoặc hết thời hạn được giao.

Theo luật sư Đỗ Ngọc Thanh – Đoàn luật sư TP.HCM, đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ được quy định cụ thể tại điều 55 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Trong đó, lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ là đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ.

Tuy nhiên, theo nghị định 79/2018 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì tất cả các đối tượng được giao sử dụng công cụ hỗ trợ bắt buộc phải qua đào tạo, huấn luyện và cấp phép.

Theo luật sư Thanh, việc quản lý sử dụng công cụ hỗ trợ đã được pháp luật quy định chặt chẽ, rõ ràng.

Cụ thể, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ phải lập hồ sơ, sổ sách theo dõi, khi sử dụng phải được người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cho phép và ghi vào hồ sơ, sổ sách theo dõi; sau khi sử dụng phải bàn giao cho người được giao quản lý kho, nơi cất giữ để bảo dưỡng, bảo quản và ký nhận vào sổ theo dõi.

Sử dụng đúng nơi, đúng chỗ

Một vấn đề đặt ra là phạm vi sử dụng công cụ hỗ trợ đến đâu thì không phạm luật.

Theo luật sư Trần Bá Học, người được giao công cụ hỗ trợ chỉ được sử dụng công cụ hỗ trợ trong một số trường hợp theo quy định tại điều 61 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Người được giao sử dụng công cụ hỗ trợ không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại khi việc sử dụng công cụ hỗ trợ đã tuân thủ quy định pháp luật.

Còn đối với trường hợp sử dụng công cụ hỗ trợ vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc lạm dụng việc sử dụng công cụ hỗ trợ để xâm phạm tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Luật sư Thanh nêu ví dụ khi tham gia ký kết hợp đồng bảo vệ với các tòa nhà, các khu vực thì cá nhân làm nhiệm vụ bảo vệ chỉ được sử dụng công cụ hỗ trợ trong phạm vi đó và việc sử dụng công cụ hỗ trợ liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ. Nếu việc sử dụng công cụ hỗ trợ ngoài phạm vi hoạt động của doanh nghiệp thì tùy theo tính chất mức độ sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Cụ thể, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể bị xử lý hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ.

Ngoài ra, nếu việc sử dụng công cụ hỗ trợ đe dọa tính mạng người khác, làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc này sẽ được thực hiện thì có thể bị xử lý về tội đe dọa giết người.

Muốn trang bị phải có điều kiện

Theo khoản 3, điều 9 của thông tư 17/2018, lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ được xem xét trang bị công cụ hỗ trợ.

Theo đó, các loại công cụ hỗ trợ được cấp phép sử dụng cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ bình thường gồm: dùi cui điện, dùi cui kim loại, dùi cui cao su, áo giáp, găng tay bắt dao.

Còn súng bắn điện, bắn đạn nổ, cao su, hơi cay, phương tiện xịt hơi cay… chỉ được xem xét trang bị cho lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tại cơ quan nhà nước, trên tàu hỏa, ngân hàng, bệnh viện…

TUYẾT MAI/TT

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều