+
Aa
-
like
comment

Khi nào đại dịch Covid-19 chấm dứt?

15/07/2021 15:11

Cuộc chiến với kẻ thù vô hình Covid-19 có thể sẽ kéo dài, khi nhiều chuyên gia cảnh báo nCoV sẽ tiếp tục tồn tại bất chấp tiêm chủng.

“Với hàng triệu ca nhiễm trên toàn cầu, trong đó có nhiều ca nhiễm tăng mạnh ở những người tiêm vaccine, Covid-19 có thể sẽ là bệnh đặc hữu, cùng tồn tại với con người và tiếp tục lây lan bất chấp tiêm chủng. Theo tôi, nó sẽ trở thành một căn bệnh theo mùa như cúm“, tiến sĩ Vinod RMT Balasubramaniam, nhà virus học phân tử kiêm giảng viên cấp cao tại Trường Khoa học Y tế và Sức khỏe Jeffrey Cheah thuộc Đại học Monash, Malaysia, nói với VnExpress.

Covid-19 bắt đầu bùng phát ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc cuối năm 2019. Tới đầu tháng 3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch và kêu gọi các quốc gia quyết liệt đối phó. Hơn một năm qua, Covid-19 đã lan tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 187 triệu người nhiễm và hơn 4 triệu người tử vong.

Dù ở nhiều khu vực, số ca Covid-19 đã giảm mạnh so với lúc đỉnh điểm nhờ các biện pháp kiểm soát và tiêm vaccine, cuộc chiến chống lại kẻ thù vô hình của thế giới trong hơn một năm qua chưa thực sự thắng lợi. Nhiều chuyên gia y tế và chính phủ các nước tin rằng miễn dịch cộng đồng là con đường giúp thế giới thoát đại dịch.

“Chúng ta có thể đi tới hồi kết của đại dịch khi đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng cao và hầu hết mọi người đều miễn nhiễm. Tôi hy vọng phần lớn địa điểm trên thế giới sẽ đạt được điều này nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao. Ở một số nơi khác, nó có thể xảy ra sau khi phần đông dân số có khả năng miễn dịch tự nhiên”, Ben Cowling, giáo sư Trường Y tế Cộng đồng thuộc Đại học Hong Kong, nói.

Một điểm tiêm chủng ở thủ đô Bangkok, Thái Lan cuối tháng 5. Ảnh: AP.
Một điểm tiêm chủng ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, cuối tháng 5. Ảnh: AP.

Thế giới đang chạy đua tiêm chủng. Tới nay, hơn 3,4 tỷ liều vaccine đã được phân phối trên toàn cầu, với trung bình hơn 30 triệu liều được tiêm chủng mỗi ngày. Hơn 25% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19, theo Our World in Data.

Tiến sĩ Balasubramaniam không quá lạc quan miễn dịch cộng đồng có thể xóa sổ đại dịch. Ông cho rằng rất khó để đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng mà nhiều chuyên gia y tế và các chính phủ kỳ vọng, nhất là khi ngày càng xuất hiện nhiều biến thể nguy hiểm của nCoV. Ngoài ra, hiệu quả vaccine khác nhau trong thực tế cũng có thể là yếu tố ảnh hưởng đến mục tiêu này.

“Virus phần lớn có thể âm thầm lưu hành và chỉ bị phát hiện khi chúng lây sang những người chưa tiêm vaccine và gây bệnh. Nói cách khác, ngay cả việc tiêm chủng cho tất cả dân số thế giới cũng có thể không đủ để ngăn virus lây lan ở mức thấp”, Balasubramaniam nói.

Balasubramaniam có cơ sở để lo ngại về khả năng này. Nhiều quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng hàng đầu đang ghi nhận số ca nhiễm tăng trở lại. Anh đã thực hiện một trong những chương trình tiêm chủng nhanh nhất thế giới với 87% dân số được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 và 66% số dân đã tiêm đủ hai liều. Tuy nhiên, những ngày qua, Anh ghi nhận trung bình hơn 30.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, gấp hơn 20 lần so với đầu tháng 5, theo Reuters.

“Hơn 20 quốc gia hiện có đường cong dịch gần như thẳng đứng. Chúng ta chưa an toàn”, Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của Chương trình Y tế Khẩn cấp WHO, nói.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cảnh báo nguy hiểm từ việc “một số nước có tỷ lệ tiêm chủng cao đang nới lỏng như thể đại dịch đã kết thúc”.

“Tôi cho rằng virus sẽ tiếp tục biến đổi để trở thành căn bệnh tương tự như cúm mùa và vẫn có thể gây tử vong cho những người có hàng rào bảo vệ yếu”, Balasubramaniam nói.

Tuy cho rằng vaccine không đủ để xóa sổ virus, Balasubramaniam vẫn tin rằng tiêm chủng là “chìa khóa để cuộc sống dần trở lại bình thường”, thêm rằng việc tiêm vaccine tăng cường hàng năm sẽ là cần thiết để bảo vệ con người trước các biến chủng mới.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ở Melbounre, Australia hồi đầu tháng 6. Ảnh: Sydney Morning Herald.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ở Melbourne, Australia hồi đầu tháng 6. Ảnh: Sydney Morning Herald.

Từng là một khu vực được đánh giá kiểm soát dịch tốt, châu Á thời gian qua cũng đối mặt với làn sóng ca nhiễm tăng mạnh, phần lớn do biến chủng gây ra. Giới chuyên gia cảnh báo nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, không nên vội vàng lựa chọn “sống chung với dịch”, giữa lúc biến chủng mới biến đổi khó lường và tỷ lệ tiêm chủng còn ở mức thấp.

“Việt Nam đã kiểm soát dịch rất tốt cho đến nay, khi là một trong số quốc gia có tỷ lệ nhiễm và tử vong thấp nhất trên thế giới. Nhưng tôi biết các ca bệnh đang gia tăng ở Việt Nam và tỷ lệ tiêm chủng vẫn tương đối thấp. Bây giờ chưa phải là lúc nghĩ đến việc sống chung với virus, cần phải tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội để kiểm soát lây nhiễm và ngăn chặn nguy cơ dịch bùng phát lớn”, giáo sư Cowling nói.

Hơn 4 triệu liều vaccine đã được tiêm chủng ở Việt Nam. Khoảng 271.000 người, chiếm 0,3% dân số, tiêm đủ liều. Việt Nam chính thức triển khai chiến dịch tiêm chủng Covid-19 ngày 10/7, kéo dài trong 9 tháng, mục tiêu bao phủ 70-80% dân số.

Để đạt mục tiêu này, tiến sĩ Balasubramaniam cho rằng Việt Nam cần tăng số lượng điểm tiêm chủng, đặc biệt là tại các khu vực bị ảnh hưởng Covid-19 nặng nề nhất. “Việt Nam cũng có thể thành lập các đơn vị tiêm chủng lưu động để đi đến các vùng nông thôn, khó tiếp cận. Tăng số lượng mũi tiêm hàng ngày là rất quan trọng để đạt được mục tiêu tiêm chủng”, ông nói.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng chỉ ra nguồn cung vaccine là một trong số vấn đề mà Việt Nam và nhiều nước khác phải đối mặt, trong nỗ lực duy trì xã hội hoàn toàn mở cửa và ngăn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

“Việc triển khai vaccine nhanh rất quan trọng, nhưng nhu cầu toàn cầu đang lớn hơn nhiều so với nguồn cung sẵn có. Các nước có thu nhập cao cần phải làm tốt hơn trong nỗ lực chia sẻ vaccine. Đây là một vấn đề toàn cầu và cần sự chung tay hợp tác để giải quyết nó”, Michael Head, nhà nghiên cứu cấp cao về y tế toàn cầu tại Đại học Southampton, Anh, nói.

Thanh Tâm

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều