+
Aa
-
like
comment

Khi nào công an được thu giữ, kiểm tra điện thoại của người dân?

29/05/2021 21:41

Luật sư cho biết chỉ người có thẩm quyền khi giải quyết vụ án hình sự hoặc vụ việc vi phạm hành chính mới được kiểm tra điện thoại của người dân.

Những ngày qua, dư luận xôn xao khi clip riêng tư của một cặp đôi lan truyền trên mạng xã hội. Nói với báo chí, cô gái liên quan đoạn video đó cho biết 2 ngày trước khi đoạn video xuất hiện trên mạng, cô cùng nhóm bạn tụ tập tại nhà. Hôm đó, họ bị công an mời về trụ sở rồi giữ điện thoại và yêu cầu cung cấp mật khẩu.

Cơ quan chức năng đang yêu xác minh thông tin trên và điều tra nguồn phát tán đoạn video. Theo dõi sự việc, nhiều người đặt câu hỏi về việc khi nào công an được thu giữ, kiểm tra dữ liệu điện thoại của người dân?

Lực lượng nào được thu giữ điện thoại?

Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) cho biết chỉ 2 lực lượng công an có quyền thu giữ điện thoại theo quy định pháp luật. Đó là lực lượng công an điều tra và công an có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Với lực lượng công an điều tra, ông Giáp phân tích theo Bộ luật tố tụng hình sự 2015, cơ quan điều tra có quyền ra lệnh thu giữ đồ vật, dữ liệu điện tử khi có căn cứ nhận định những đồ dùng, dữ liệu này có công cụ, phương tiện phạm tội hay tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án đang điều tra. Lệnh này phải được VKSND cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

Mọi trường hợp khám xét đều được lập thành biên bản theo quy định của pháp luật để giao cho chủ sở hữu đồ vật và đưa vào hồ sơ vụ án.

Với lực lượng công an có thẩm quyền xử phạt hành chính, người được quyền khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính theo Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 là thủ trưởng trực tiếp của người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc, cụ thể như trưởng công an phường, trưởng công an huyện, trưởng phòng CSGT, trưởng phòng cảnh sát trật tự…

Những người này được quyền kiểm tra điện thoại khi xác định điện thoại đó được dùng để vi phạm hành chính, nếu không khám ngay thì tang vật vi phạm hành chính sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy. Việc khám đồ vật phải có người chứng kiến và lập thành biên bản, giao cho chủ đồ vật một bản.

Dữ liệu điện thoại của người dân được bảo mật, chỉ một số cán bộ nhất định được tiếp cận, khám xét.
Dữ liệu điện thoại của người dân được bảo mật, chỉ một số cán bộ nhất định được tiếp cận, khám xét.

Ngoài những trường hợp nêu trên, công an không được quyền kiểm tra điện thoại của người dân. Và theo luật sư, ngay cả khi được quyền kiểm tra điện thoại, công an không được công khai, phát tán dữ liệu cá nhân của người dân lên mạng xã hội.

“Nếu bị công an yêu cầu cung cấp thông tin dữ liệu điện tử khi chưa biết mình có phạm tội hay không, người dân cần yêu cầu cán bộ xuất trình giấy tờ như lệnh khám xét, quyết định phê chuẩn của VKSND để tránh trường hợp cán bộ công an lạm quyền và tránh bị lộ lọt thông tin cá nhân”, luật sư Giáp tư vấn.

Cần làm rõ công an phường có kiểm tra điện thoại hay khôngLuật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng Văn phòng luật sư Giang Thanh) cũng cho rằng theo quy định của pháp luật, không ai được xâm phạm trái pháp luật điện thoại của người khác. Việc khám xét, thu giữ điện thoại và các phương tiện điện tử khác chỉ được thực hiện bởi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và phải tuân theo trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Ông Thanh nhận định cán bộ công an phường không phải người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cũng không được kiểm tra điện thoại trong các vụ việc vi phạm hành chính. Do đó, nếu cán bộ công an phường yêu cầu kiểm tra điện thoại, họ có dấu hiệu của việc lạm quyền trong thi hành công vụ.

Theo dõi sự việc, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp) cho rằng với thông tin cô gái chia sẻ với báo chí, cơ quan chức năng cần xác định có việc cán bộ công an phường khám điện thoại hay không? Mục đích của việc thu giữ, khám xét là gì? Có dấu hiệu lạm quyền hay xâm phạm bí mật đời tư cá nhân không?

Ông Cường cho rằng nếu người dân nghi ngờ cán bộ khám xét không đúng quy định, họ có quyền khiếu nại, tố cáo, thậm chí khởi kiện. Nếu được xác định có vi phạm, cán bộ có thể bị kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, tùy thuộc mức độ nghiêm trọng mà hành vi vi phạm gây ra.

Điều 326 Bộ luật hình sự 2015 quy định với tội danh Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, tùy thuộc các yếu tố như dung lượng clip bị phát tán, phương thức thực hiện hành vi hay lượng người tiếp cận clip, người vi phạm có thể bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc chấp hành mức án tối đa 15 năm tù.

Hoàng Linh

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều