+
Aa
-
like
comment

Khi kẻ “phàm phu tục tử” RFA muốn được “ăn táo”

An Diễm - 26/10/2021 16:32

Sống ở đời, người ta thường bảo nên biết mình là ai, mình biết gì và không biết gì, để từ đó tôn trọng người khác. Bàn luận về thứ mà mình không hiểu biết đã là việc không nên, “không biết còn cố tỏ ra nguy hiểm” thì chỉ là trò cười cho thiên hạ. Nhân đọc được bài của RFA về “quan trí Việt Nam” mới thấy độ “nguy hiểm” của trang mạng này còn cao hơn nhiều mức độ mà người ta tưởng.

Quan chức là những người có chức vụ từ cao đến rất cao trong xã hội, là những người có vị thế, là tầng lớp tinh hoa có học thức. Dù có muốn hay không, dù cố tỏ ra “nguy hiểm” hay ngu xuẩn thì RFA cũng phải thừa nhận như vậy. Ở một đất nước như Việt Nam, nơi có nền kinh tế xếp trong top 50 của thế giới với tốc độ tăng trưởng hàng năm luôn đạt mức cao thì trình độ của tầng lớp lãnh đạo xứng đáng được ghi nhận, dù có muốn bóp méo hay xuyên tạc như thế nào đi nữa. Bàn về “Quan trí” hay trí tuệ của quan chức vốn dĩ là một việc quá tầm hiểu biết của những kẻ phàm phu tục tử như RFA, nhưng thiết nghĩ cũng nên chỉ rõ cho họ biết thiếu sót của họ là gì.

Câu chuyện về quả táo của thiên tài Isaac Newton

Ai trong chúng ta cũng từng có lần nghe đến câu chuyện Nhà bác học Newton trong một lần ngồi dưới gốc cây, chứng kiến quả táo rơi và phát minh ra lý thuyết về trọng lực của Trái đất, một phát hiện quan trọng của loài người. Nếu là một người bình thường chứng kiến quả táo rơi thì anh ta sẽ nghĩ gì? Vì nhìn thấy quả táo, anh ta chắc hẳn sẽ nghĩ đến việc ăn thử nếu thấy quả táo còn tươi, mặc kệ nó hoặc tiện chân sút văng đi nếu nó đã hỏng. Hoặc anh ta sẽ nhìn lên cây để tìm thêm các quả táo khác, và sẽ bỏ đi khi xong việc. Rốt cục, tất cả câu chuyện chỉ là một quả táo rơi!

Nhưng Newton, với đầu óc thiên tài thì không như vậy, một người bạn của ông đã ghi chép lại những suy nghĩ của ông lúc đó như thế này:

“Tại sao nó không rớt sang bên, hay rớt lên trên cao? Mà cứ luôn phải rớt xuống tâm trái đất? Nhất định lí do là trái đất đã hút nó xuống. Phải có một sức mạnh hút kéo nào đó ở vật chất. Và tổng sức mạnh hút kéo trong vật chất của trái đất phải nằm ở tâm của trái đất, chứ không nằm ở bất kì chỗ nào khác của trái đất.

“Vì thế, quả táo này có rơi vuông góc hay tiến về phía tâm ấy hay không? Nếu vật chất theo cách đó hút lấy vật chất, thì nó phải tỉ lệ với lượng của nó. Do đó, quả táo hút lấy trái đất, đồng thời trái đất hút lấy quả táo”.

Và cứ như vậy, ông suy nghĩ thêm về lực hút giữa Mặt trời và các hành tinh, rồi dần dần phát minh ra Định luật vạn vật hấp dẫn!

Ở đây, ta nhận ra sự khác biệt giữa tư duy thông thường và tư duy tầm khái niệm ở những người có chuyên môn hiểu biết sâu. Một sự vật, sự việc hết sức bình thường đối với cả những người bình thường nhất, nhưng lại chứa trong đó những khái niệm, lý thuyết sâu sắc đột phá mà chỉ những người có đủ chuyên môn, tầm hiểu biết mới nhận ra được. Câu chuyện này không có ý so sánh các quan chức với một thiên tài như Newton, nhưng nó thể hiện một điều rõ ràng: Khi anh không có hiểu biết, tất cả những thứ anh nhìn thấy chỉ là một “quả táo” không hơn.

Gượng ép vặn vẹo phát biểu của những lãnh đạo cấp cao

RFA trích dẫn nguyên văn các câu nói của lãnh đạo cấp cao Việt Nam, rồi tỏ ra “sốc, phẫn nộ hay bật cười”. Chưa nói tới việc RFA hay người viết bài của RFA đã đủ tư cách để một lần được mời tham dự các cuộc họp của lãnh đạo Việt Nam hay chưa, nhưng việc họ chẳng hiểu gì thì đâu có gì lạ?

“Phàm phu tục tử” như RFA thì không có tư cách bình luận về chuyện vĩ mô.

Về câu nói của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Nói Biển Đông không phải chỉ là Biển Đông. Nói Biển Đông không phải chỉ quan hệ ta với Trung Quốc. Nói Biển Đông không phải toàn bộ vấn đề Biển Đông, nó chỉ có một cái chỗ quần đảo Hoàng Sa với lại quần đảo Trường Sa…”. Vì trong mắt một kẻ phàm phu tục tử như RFA chỉ có mỗi quả táo, nên họ đọc chữ “Biển Đông” rồi nghĩ Tổng bí thư đang mô tả việc đi tắm biển hay sao? Khi hiểu “Biển Đông”, “quan hệ ta với Trung Quốc”, “Hoàng Sa và Trường Sa” là những “khái niệm” sâu xa có ràng buộc chặt chẽ với nhau thì người có trí tuệ tối thiểu sẽ không còn thắc mắc gì nữa. Thật tiếc, ta không thể kỳ vọng những kẻ tại RFA có cái trí tuệ ấy, vì cái sự hiểu biết ngô nghê ấu trĩ nó càng kéo dài qua mỗi lần RFA trích dẫn câu nói của các vị lãnh đạo.

Câu nói của cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về tình đoàn kết bền vững bất chấp khoảng cách xa xôi của Việt Nam – Cuba, tình đoàn kết của dân tộc Việt Nam con Lạc cháu Hồng dẫu đã được diễn đạt bình dân hết sức dễ hiểu, mà RFA cũng không chịu hiểu. Hay RFA lại muốn thắc mắc theo kiểu con người làm sao đẻ được trứng?

Câu của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về trách nhiệm của người đứng đầu trong vụ Vinashin là quá rõ ràng, vì đó chỉ đơn thuần là câu chuyện kinh tế của một tập đoàn dù lớn nhưng cũng chỉ là một trong rất nhiều tập đoàn mà Thủ tướng đã quản lý. RFA muốn bắt bẻ gì đây?

Về câu nói của nguyên Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng lại liên quan đến chuyên môn về quản lý: “Hôm nay thấy sai một chút chỗ này xử lý, “cách chức đi, kỷ luật đi”, ngày mai thấy sai chỗ kia, “cách chức đi, kỷ luật đi”, lấy ai mà làm việc các đồng chí?” Nó có nghĩa là không thể đổ hết mọi lỗi sai cho cán bộ phụ trách để rồi cách chức, mà phải tìm ra những nguyên nhân sâu xa hơn, có thể là do thiếu Quy định hướng dẫn chẳng hạn. Chuyện vốn chẳng có gì to tát, như bất kỳ tổ chức nào cũng đều như vậy, và đương nhiên, RFA với “trí tuệ” của mình cho rằng đó là ngụy biện.

Câu nói thú vị nhất, được RFA “ưu ái” bình luận là câu của “cựu Thủ tướng, và hiện nay là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, giai đoạn đầu khi Việt Nam kiểm soát, khống chế dịch khá tốt trong lúc Mỹ và các nước châu Âu lao đao, đã hùng hồn tuyên bố ‘Nếu cột điện ở Mỹ biết đi thì sẽ về Việt Nam’.” Khi Việt Nam kiểm soát dịch tốt, còn Mỹ và châu Âu đang vật lộn trong dịch bệnh thì việc người ta muốn về Việt Nam tránh dịch có gì sai? Trên thực tế rất nhiều kiều bào ở Mỹ đã phải xếp hàng chờ đợi rất lâu mới có chuyến bay về Việt Nam, trong hoàn cảnh dịch bệnh căng thẳng tại Mỹ.

Tổng kết lại những “bình luận” của RFA về phát ngôn của các vị lãnh đạo, ta thấy một sự dốt nát đi kèm một tư duy kiểu “xôi thịt” được bộc lộ rõ ràng dẫu có muốn che dấu bằng đủ thứ ngôn từ dài dòng đi nữa.

Tư duy dốt nát đi kèm định kiến xấu xa

RFA không chỉ bộc lô tư duy và hiểu biết kém cỏi, họ còn luôn nhìn về Việt Nam với cặp kính đen đeo trên mắt mang định kiến xấu xa. Họ bóp méo cả câu nói của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về khơi thông nguồn lực trong dân để phát triển những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế nhưng đang khát vốn. Quốc hội bàn luận về việc phát triển nền kinh tế chung thì RFA chỉ chăm chăm nghĩ người ta “móc túi”, có tư duy nào hèn kém hơn thế?

Cũng bởi định kiến như vậy, họ phủ nhận hoàn toàn các chính sách của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch bệnh như: giãn cách xã hội, treo biển cảnh báo nhà có người đi từ vùng dịch…, những chính sách nhân văn từng đưa Việt Nam trở thành hình mẫu thành công toàn thế giới về chống dịch. Khi chính sách đưa ra để bảo vệ sức khỏe, sinh mạng của người dân bị họ bóp méo thành “độc đoán, hà khắc, sai lầm, góp phần làm hậu quả của đại dịch nặng nề hơn” thì chúng ta, những người có hiểu biết không còn gì để nói với họ nữa.

Hiểu biết nông cạn, định kiến hẹp hòi thì những bình luận của RFA về quan chức Việt Nam, về thể chế, về chính trị chỉ là trò cười không đáng nói đến nữa. Thật tiếc ta không thể khuyên nhủ họ: “Quả táo” mà họ thấy không chỉ là quả táo, đằng sau đó còn rất nhiều thứ họ cần biết, cần học hỏi trước khi đưa ra bất kỳ bình luận gì. Bởi họ là RFA, những kẻ dốt nát “không biết nhưng tỏ ra nguy hiểm”.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều