+
Aa
-
like
comment

Khi hình tượng người chiến sĩ CAND lên sân khấu truyền thống

14/07/2020 14:43

Tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về ‘Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân’ lần thứ 4, diễn ra từ ngày 16/7-4/8 tại Hà Nội, điều đặc biệt là có sự tham gia của nhiều đoàn với các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống như chèo, cải lương, dân ca kịch xứ Nghệ, dân ca Huế.

Với những đặc thù của nghệ thuật truyền thống là chất trữ tình, mềm mại, các đạo diễn đã khắc họa hình tượng người chiến sĩ CAND với những góc nhìn sâu sắc và không kém phần thuyết phục.

1.NSND Hồng Lựu, Trung tâm Bảo tồn di sản và dân ca xứ Nghệ, tham gia Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ CAND với hai vở kịch hát “Vụ án Am bụt mọc” và “Người thứ 13”. Trước đó, năm 2015, nhà hát đã từng dành HCV cho vở diễn “Người thi hành án tử”.

Chị chia sẻ: “Đề tài hình tượng người chiến sĩ CAND được coi là khô cứng, mang tính chính luận, trong khi dân ca Nghệ Tĩnh lại đậm chất trữ tình, đi vào nội tâm nhân vật. Nhiều người sẽ cho là khó dàn dựng, nhưng tôi không nghĩ thế. Chúng tôi khai thác thế mạnh của dân ca là chất trữ tình, biểu đạt nội tâm rất sâu sắc, vì thế hai vở diễn của chúng tôi không đi vào tình tiết vụ án hay những xung đột, mâu thuẫn mang tính cao trào. Chúng tôi khai thác những góc khuất phía sau, thế giới nội tâm của nhân vật để làm nổi bật vẻ đẹp của người chiến sĩ CAND.

Cảnh trong vở chèo “Vụ án Am bụt mọc” của Nhà hát nghệ thuật Thanh Hóa.

“Người thứ 13” của tác giả Lê Thu Hạnh; NSƯT Nguyễn An Ninh chuyển thể dân ca và đạo diễn. Kịch bản “Người thứ mười ba” lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật được tác giả Lê Thu Hạnh kết cấu thành câu chuyện kịch về hình tượng người chiến sỹ CAND trong chiến tranh cũng như trong cuộc sống hòa bình.

Câu chuyện kịch xoay quanh nhân vật Trung – người được phiên chế vào tiểu đội T4 – trở thành người thứ mười ba, đã nuôi dưỡng con của đồng đội bị hi sinh trong chiến tranh. Nuôi dưỡng một thế hệ kế tiếp cho đất nước nói chung và ngành Công an nói riêng. Năm nay kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống của lực lượng CAND, nên câu chuyện giáo dục truyền thống rất có ý nghĩa.

Các thế hệ CAND tiếp nối để xây dựng nên một thế hệ trẻ thượng tôn pháp luật. Tôi khai thác thế mạnh của dân ca là chất trữ tình, nên có những chỗ, kịch nói sẽ bị cứng nhắc giáo điều, khó lọt tai, nhưng dân ca lại làm mềm hóa, uyển chuyển, thấu tình đạt lý hơn.

Còn “Vụ án Am bụt mọc” kể về hành trình điều tra một vụ án, nhưng tôi đi vào khai thác những giằng xé nội tâm của nhân vật chứ không phải tình tiết vụ án. Qua đó, khán giả sẽ hiểu được những khó khăn vất vả của người chiến sĩ Công an trên mặt trận đấu tranh với cái ác trong thời đại mới. Chúng tôi cũng mời cố vấn nghiệp vụ Công an để đảm bảo tính chính xác và đúng đắn.

Tôi nghĩ, đặc thù thể loại dân ca xứ Nghệ là một lợi thế khi chúng tôi dàn dựng. Bởi chúng tôi đi vào thế giới nội tâm của nhân vật, khắc họa hình tượng người chiến sĩ CAND có chiều sâu. Họ cũng là những con người với những hỷ, nộ, ái, ố. Vì thế, câu chuyện của chúng tôi mang tính giáo dục nhưng không làm mất đi tính nghiêm minh của pháp luật”.

2. Cũng tham gia liên hoan với kịch bản “Vụ án Am bụt mọc”, nhưng NSND Trương Hải Thọ, Đoàn nghệ thuật Thanh Hóa, lại dựng bằng thể loại chèo. Có thể nói, dựng một đề tài gần như là kịch chính luận nên chèo sẽ gặp những khó khăn nhưng cũng có cái hay riêng. Mỗi đạo diễn sẽ có cách của mình. NSND Trương Hải Thọ cho biết khi chọn “Vụ án Am bụt mọc”, anh trao đổi với tác giả chuyển thể sang chèo và thêm bớt một số nhân vật, tình tiết để giữ được đặc trưng riêng của thể loại.

Vì thế, anh không đi sâu vào khai thác vụ án, chèo cũng không đẩy được xung đột hay mâu thuẫn lên cao trào. Ngược lại, thế mạnh của chèo là trữ tình, sự châm biếm sâu cay, qua đó khắc họa được những tâm tư, tình cảm của người chiến sĩ Công an thời nay khi đối diện với tội ác.

“Tôi nghĩ, đôi khi cái tưởng như là yếu điểm lại là lợi thế khi chèo có thể khai thác nội tâm nhân vật một cách mềm mại, uyển chuyển, qua đó rút ra những bài học giáo dục mà không bị giáo điều, cứng nhắc theo kiểu hô hào. Có lẽ, đó là một lợi thế của sân khấu truyền thống khi đi vào mảng đề tài này.

Vì thế, tôi cũng mong rằng, Ban Giám khảo sẽ chú ý đến đặc trưng của thể loại khi đánh giá tác phẩm, vì sân khấu truyền thống rất khó để tạo tình huống kịch hay mâu thuẫn theo kiểu cao trào. Mọi tình tiết, mâu thuẫn ở chèo đều được diễn giải một cách từ từ, thậm chí được châm biếm, hay trào lộng theo kiểu rất chèo, người xem nếu yêu và hiểu chèo mới cảm được”.

Cảnh trong vở “Người thứ 13” của Nhà hát Dân ca xứ Nghệ.

3. Tham gia Liên hoan với vở cải lương “Bão ngầm”, dàn dựng theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đào Trung Hiếu, nhà văn Chu Lai chuyển thể kịch bản, soạn giả Ngọc Chi chuyển thể cải lương, Đạo diễn- NSND Hoàng Quỳnh Mai, Nhà hát Cải lương Việt Nam, chia sẻ rằng đưa kịch bản viết về vụ án lên sân khấu cải lương là một thách thức.

Với các đề tài về đấu tranh phòng chống tội phạm, về Cảnh sát hình sự, điện ảnh, kịch nói sẽ dễ khai thác hơn các loại hình kịch hát dân tộc, trong đó có cải lương. Sân khấu cải lương là sân khấu của trữ tình và bay bổng, lãng mạn. Làm thế nào để xử lý một câu chuyện về người chiến sĩ Công an mà lại vẫn giữ được sự trữ tình, bay bổng và lãng mạn là sự thách thức không nhỏ.

“Với “Bão ngầm”, nhà văn Đào Trung Hiếu, nhà văn Chu Lai không chỉ đơn thuần kể về các vụ án hình sự mà đào bới sâu những thân phận, tâm lý nhân vật, những cuộc đấu tranh nội tâm khốc liệt, từ đó bật ra những nỗi đau, bi kịch. Đó không phải là bi kịch khiến người ta rơi vào tăm tối, hoang mang mà góp phần tẩy rửa tâm hồn, giúp con người thánh thiện trở lại. Chính những tình huống, câu chuyện, bi kịch ấy là “đất” cho cải lương khai thác.

Vì thế, chúng tôi rất tự tin khi khai thác “Bão ngầm”, đưa hình tượng người chiến sĩ Công an lên sân khấu cải lương. Chúng tôi tin rằng, khán giả yêu mến nghệ thuật cải lương không chỉ có thêm một tác phẩm mới mà chúng ta sẽ có thêm một tác phẩm khắc họa rõ nét hình tượng người chiến sĩ Công an trên sân khấu, sâu lắng hơn. Ở đó không chỉ có những chiến công, kỳ tích mà là đời sống tâm hồn với không ít thách thức mà những người chiến sĩ Công an phải vượt qua chính mình, chính trái tim mình”, đạo diễn Quỳnh Mai nói.

4. Từ miền Nam, đoàn Nghệ thuật Long An tham dự Liên hoan với vở diễn “Giọt máu người yêu”. Đây cũng là vở đầu tay của đạo diễn trẻ Huỳnh Mơ. Chị chia sẻ: “Cách đây 30 năm, kịch bản “Đồng tiền đẫm máu” đã thành công vang dội, vì thế, khi dựng vở này, tôi đổi tên thành “Giọt máu người yêu”. Tôi chọn góc nhìn của một người trẻ và hiện đại để tiếp cận vở diễn.

Nhiều người băn khoăn, sân khấu cải lương làm sao có thể tái hiện hình tượng người chiến sĩ Công an một cách sinh động vì cải lương lãng mạn, trữ tình. Nhưng tôi chọn cách tiếp cận hiện đại, âm nhạc hiện đại, sân khấu tối giản mang tính ước lệ và trang phục cũng hiện đại. Lần đầu tiên tham gia cuộc thi này nên tôi cũng gặp những khó khăn nhất định về mặt nghiệp vụ Công an, phải nhờ các anh ở Công an tỉnh Long An tư vấn, hỗ trợ.

Câu chuyện này kể về một nữ Công an trong cuộc chiến với tội phạm, con của cô ấy bị bắt cóc khi cô đang tham gia vào một chuyên án lớn. Những mâu thuẫn giằng xé giữa tình mẫu tử thiêng liêng và trách nhiệm của một chiến sĩ CAND khiến cô phải đấu tranh rất nhiều. Ngày xưa, có thể câu chuyện sẽ được xử lý theo hướng, hy sinh tình mẫu tử vì công việc chung, nhưng ở đây, cô cảnh sát đã chọn cả hai, vừa hoàn thành công việc vừa cứu được con gái.

Một câu chuyện nhân văn, nhiều giằng xé nội tâm, đó chính là đất cho cải lương thể hiện. Tôi chọn cách kể chuyện bằng những lớp truyện khi cô cảnh sát lật từng trang của chuyên án, trong đó có một câu chuyện tình là điểm nhấn, chiếm thời lượng khá lớn. Tôi không đi vào khắc họa trực diện hình tượng người chiến sĩ Công an mà qua những câu chuyện đời thường, họ hiện lên thật mạnh mẽ, dũng cảm nhưng cũng vô cùng nhân ái, sâu sắc. Họ đẹp trong chính phần rất con người đó, chứ không bị ca ngợi một cách cứng nhắc và thiếu thuyết phục”.

5. Với số lượng 15/33 vở tham gia Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ CAND là chèo, kịch hát, cải lương cho thấy sức hấp dẫn của mảng đề tài này đối với sân khấu truyền thống. Các đạo diễn đã tận dụng thế mạnh của sân khấu truyền thống là chất trữ tình để dàn dựng những câu chuyện xúc động về sự hy sinh, dũng cảm và những mất mát của người chiến sĩ CAND trong cuộc đấu tranh phòng chống tội ác. Đó là những câu chuyện của nội tâm, của sự đấu tranh giằng xé giữa tình yêu, tình đồng đội, tình mẫu tử…

Họ, những người chiến sĩ CAND ấy đã phải vượt lên không chỉ hoàn cảnh để hoàn thành nhiệm vụ, mà điều quan trọng, họ phải vượt lên cả chính mình, chính trái tim mình. Cuộc chiến nội tâm đó thầm lặng nhưng không kém phần dữ đội. Đó cũng chính là một góc nhìn rất nhân văn, đời thường mà sân khấu truyền thống đã khai thác, làm phong phú thêm vẻ đẹp của hình tượng người chiến sĩ CAND trong thời đại mới.

Việt Hà/CSTC

Bài mới
Đọc nhiều