+
Aa
-
like
comment

Khi hạt lúa, củ khoai, bông hoa dại cũng thành một sản phẩm du lịch

20/11/2020 15:58

“Phát triển kinh tế trang trại, HTX nông nghiệp gắn với hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn ngày càng có tiềm năng phát triển lớn tại các địa phương. Tuy nhiên, hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn ở các trang trại, HTX thời gian qua chủ yếu mang tính tự phát, nhỏ lẻ và chưa được đầu tư đúng mức”.

Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Trần Thanh Nam tại Hội thảo “Thực trạng và tiềm năng phát triển mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn” được Bộ NNPTNT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại tỉnh Hòa Bình ngày 20/11.

Theo Bộ NNPTNT, tại một số địa phương hiện chỉ có một bộ phận nhỏ các trang trại nông nghiệp (từ 3 đến 5% tổng số trang trại nông nghiệp của địa phương).

Loại hình trang trại sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch xuất hiện ở nhiều nơi nhưng phổ biến là ở những vùng còn quỹ đất rộng như miệt vườn miền Đông, miền Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, vùng miền núi, trung du; hoặc ở vùng ven đô thị, vùng có nhiều địa điểm du lịch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm một khu du lịch sinh thái ở TP. Cần Thơ ngày 10/12/2019.

Hiện nay, các mô hình HTX phát triển du lịch rất đa dạng, trong đó, có 2 dạng mô hình HTX du lịch nông nghiệp, nông thôn là: HTX sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch và HTX phát triển du lịch cộng đồng, kết hợp nghỉ dưỡng (homestay).

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho rằng, hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn ở các trang trại, HTX thời gian qua chủ yếu mang tính tự phát, còn nhỏ lẻ và chưa được đầu tư đúng mức.

Theo ông Nam, hoạt động du lịch trong các trang trại, HTX nông nghiệp chủ yếu phát triển tự phát, không có quy hoạch nên chưa thu hút được nhiều khách du lịch. Mặt khác, lao động làm việc trong các trang trại, HTX nông nghiệp không được đào tạo, thiếu kiến thức và kỹ năng du lịch nông nghiệp.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về trang trại, HTX gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa được hoàn thiện.

Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), những năm gần đây, du lịch Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng nhanh.

Năm 2019, du lịch Việt Nam thu hút trên 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch đạt 755.000 tỷ đồng, tương đương 32,8 tỷ USD.

Đánh thức tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn: - Ảnh 2.
Hội thảo “Thực trạng và tiềm năng phát triển mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn” được Bộ NNPTNT và Bộ VHTTDL tổ chức tại tỉnh Hòa Bình ngày 20/11.

Năm 2020, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã lấy chủ đề “Du lịch và phát triển nông thôn” cho ngày du lịch thế giới 27/9.

Tổng cục Du lịch cũng khẳng định, đối với Việt Nam là đất nước nông nghiệp với hơn 67% dân số sinh sống tại khu vực nông thôn, tài nguyên cho phát triển du lịch Việt Nam từ khu vực nông nghiệp, nông thôn là rất lớn.

Theo đó, việc định hướng phát triển du lịch dựa trên khai thác giá trị nông nghiệp, nông thôn với các sản phẩm du lịch cộng đồng, mô hình liên kết chuỗi du lịch – nông nghiệp; hình thành các trang trại nghỉ dưỡng nông thôn chất lượng cao… sẽ đem lại lợi ích đồng thời cho cả hai ngành du lịch và nông nghiệp, góp phần phát triển nông thôn mới bền vững trong mối liên kết với khu vực đô thị.

Tỉnh Hà Giang được biết đến là địa phương có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch gắn với nông nghiệp.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, trong thời gian qua Hà Giang đã và đang khai thác nhiều loại hình du lịch như: du lịch địa chất, cộng đồng, sinh thái, hang động, tâm linh, du lịch gắn với nông nghiệp và dược liệu…

Đánh thức tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn: - Ảnh 3.
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì vào những ngày cuối tháng 9/2019. 

Trong đó phát triển du lịch nông nghiệp được xác định là một trong những hướng đi mới của Hà Giang. Phát triển nông nghiệp, làng nghề gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng trong thời gian qua đã được tỉnh Hà Giang quan tâm và đưa vào Nghị quyết chuyên đề tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Hiện nay, sản phẩm du lịch nông nghiệp, làng nghề chủ yếu khai thác dưới mô hình du lịch cộng đồng phục vụ khách du lịch muốn tìm hiểu thăm quan, khám phá, trải nghiệm.

Điển hình như tour tham quan mùa lúa chín trên những thửa ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, ngắm mùa hoa tam giác mạch, hoa đào, mận, lê là một trong những sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu của Hà Giang và được tìm hiểu văn hóa, phong tục, tập quán, nét sinh hoạt của các gia đình người dân tộc Hmong, Dao, Lô Lô, Pà Thẻn…

Ngay từ năm 2012, Hà Giang đã triển khai xây dựng các Làng văn hóa du lịch gắn với xây dựng NTM với các tiêu chí cụ thể, rõ ràng (Tuyên bố Panhou).

Đến năm 2017, đã có 16 làng đăng ký thực hiện theo Tuyên bố Panhou; hiện nay đã có 8 làng (tại 7 huyện) đã được UBND tỉnh công nhận đạt các tiêu chí, nhiều cộng đồng dân cư nông thôn đã thấy được vai trò của phát triển du lịch đối với đời sống kinh tế của địa phương và hưởng ứng với chủ trương phát triển du lịch cộng đồng.

Nhìn chung, sau 7 năm tiến hành xây dựng theo tiêu chí Panhou, du lịch văn hóa tại Hà Giang đã có nhiều đổi thay, mang đến diện mạo mới và làm thay đổi bộ mặt nông thôn một cách rõ rệt.

Mô hình trang trại, HTX nông nghiệp kết hợp du lịch ở nước ta có xu hướng phát triển những năm gần đây và đã có những tác động nhất định đến sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn nói chung và kinh tế hộ gia đình nói riêng.

Phát triển hoạt động du lịch trong các trang trại, HTX nông nghiệp là tăng sự đa dạng về sinh kế, thu nhập cho chủ trang trại và các thành viên HTX. Nhiều mô hình trang trại, HTX nông nghiệp kết hợp hoạt động sản xuất kinh doanh nông nghiệp với du lịch nông nghiệp, nông thôn cho thấy kết quả hoạt động rất hiệu quả nên cần được hỗ trợ đầu tư để nhân rộng.

Việc phát triển loại hình trang trại, HTX nông nghiệp kết hợp hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ thúc đẩy nông nghiệp sạch phát triển; đồng thời thu hút và tạo công ăn việc làm tại chỗ cho lao động địa phương; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Minh Ngọc/ DV

Bài mới
Đọc nhiều