Khi giáo viên sáng lên lớp, chiều dọn bùn
Khi ngày Nhà giáo Việt Nam đến rất gần, hàng trăm giáo viên vùng cao Quảng Trị vẫn đang phải gạt nước mắt, đứng dậy dọn bùn đất để đón học sinh trở lại trường sau lũ…
Không mong hoa, quà, chỉ mong trường lớp sạch
Trường mầm non, Trường tiểu học và THCS Hướng Việt (H.Hướng Hóa) hôm 16.11 đã trở lại hoạt động dạy học bình thường sau gần 1 tháng bị bùn đất vùi lấp. Trước đó, vào đêm 17 rạng sáng 18.10, lũ quét tràn về khiến trường 2 trường này ngập trong bùn từ 0,5 – 1,2 m. Sau lũ, xã Hướng Việt bị ngăn cách với trung tâm H.Hướng Hóa đến hơn 3 tuần. Đây là 2 ngôi trường cuối cùng của tỉnh Quảng Trị trở lại dạy học sau đợt mưa lũ tháng 10.2020.
Ngành giáo dục nhiều tỉnh vùng lũ không nhận hoa, quà ngày 20.11
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết Sở GD-ĐT có công văn gửi các đơn vị trực thuộc, các trường học của tỉnh, đề nghị không nhận hoa, quà dịp 20.11. Ông Tân giải thích năm nay ngành giáo dục tỉnh cũng như hoàn cảnh chung toàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn về dịch bệnh, thiên tai nên Sở có chủ trương này.
Tương tự, bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, đã có văn bản gửi Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ VN, các sở, ban ngành và các địa phương về việc không tổ chức tiếp khách, không nhận hoa chúc mừng tại cơ quan Sở GD-ĐT trong dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo VN. Lý do mà sở này đưa ra là để tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời để tiếp tục tập trung tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
Đình Toàn – Nguyễn Phúc
Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Hướng Việt Nguyễn Văn Tý cho biết tỷ lệ học sinh đến trường ở cấp tiểu học là 94,7%, THCS là 84,6%. Trước đó, giáo viên đã đến các thôn bản để vận động học sinh trở lại trường. Nhà trường lên kế hoạch dạy chéo buổi, một buổi học chính và một buổi học bù cho đến khi kịp chương trình. Trong khi đó, cán bộ, giáo viên vừa phải dạy học vừa tranh thủ khắc phục hậu quả mưa lũ, dọn dẹp bùn đất còn sót lại…
Thầy Lê Quang Nguyên (26 tuổi, giáo viên môn địa lý) cho biết anh trở lại trường cách đây hơn 2 tuần, bằng cách đi xe máy vòng ra Quảng Bình trên con đường sạt lở khủng khiếp, bởi đường chính từ TT.Khe Sanh vào bị tắc hoàn toàn. Anh lên đường khi vợ, cũng là giáo viên của trường, vừa sinh con đầu lòng được 12 ngày. “Vợ con đang ở đồng bằng, vẫn còn hai bên nội ngoại chăm sóc. Còn tôi và các đồng nghiệp khác phải lên với trường lớp vì các em học sinh đang chờ”, thầy Nguyên tâm sự.
Tuy nhiên, khi vào đến nơi, chứng kiến cảnh trường lớp tan hoang do bùn đất vùi lấp, thầy giáo trẻ biết rằng các học trò sẽ phải tiếp tục chờ ngày quay lại trường. Thầy cô giáo thì đương nhiên không có thời gian để… than vãn. Hết thảy 27 cán bộ, giáo viên tất bật xỏ ủng, cầm cuốc, cầm cào… bì bõm dọn dẹp. Sau đó, 300 đoàn viên, thanh niên tỉnh Quảng Trị cũng có mặt giúp dọn dẹp bùn đất.
Thầy giáo trẻ ấy nhắn cho tôi: Dịp 20.11 năm nay, các thầy cô giáo vùng sạt lở không mong đón nhận hoa và lời chúc, mà chỉ muốn trường lớp sạch sẽ để học sinh sớm đi học trở lại.
Điểm trường lẻ… không xa!
Ở miền núi Quảng Trị, sau mưa lũ, tất cả các điểm trường chính đã hoạt động trở lại, nhưng những điểm trường lẻ lại là câu chuyện khác. Để vào được những điểm trường xa xôi hẻo lánh này gieo chữ, các thầy cô đã phải liều mình vượt qua những con suối nước chảy cuồn cuộn hoặc len lỏi trên những con dốc chi chít điểm sạt lở đất.
Điểm trường mầm non Ra Ty (thuộc Trường mầm non Hướng Lộc, H.Hướng Hóa) là căn nhà cấp 4 mái lợp tôn nằm chênh vênh trên đỉnh đồi. Đây là phòng học duy nhất của gần 20 học sinh. Cô giáo Lê Thị Thúy An đã có 3 năm gắn bó ở điểm trường này, mùa mưa bão thì “bám” cả tuần. Hằng ngày, bữa ăn trưa phải nấu tại nhà bà con dân bản vì thức ăn đem theo đã hết. Tối đến, các thầy cô giáo cũng xin ngủ nhờ nhà phụ huynh vì trời rét mà phòng tại trường quá trống trải.
Thầy Hồ Sỹ Chẩm, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Hướng Lộc, cho biết: “Nhiều người lần đầu cuốc bộ vào Ra Ty thì bảo điểm trường xa. Ừ thì xa thật, nhưng đối với các thầy cô yêu trẻ, nó sẽ gần hơn. Ví như năm nay, mưa bão tơi bời, đường sá sạt lở, thế mà cô An, thầy Minh vẫn bươn bả vào, đảm bảo sĩ số, lo cho sự an toàn của các em và của chính bản thân mình”.
Còn ở điểm trường Hướng Choa (thuộc Trường tiểu học Hướng Phùng, H.Hướng Hóa), muốn vào được giáo viên phải “gầm rú” xe máy qua những bãi lầy khủng khiếp. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Mai Trọng cho biết giáo viên trong trường nói vui rằng muốn nâng cao tay lái thì vào… Hướng Choa. “Vượt qua 15 cây số đầy bùn đất và những con dốc dựng đứng là cả một thử thách. Có khi vào tới nơi, áo quần thầy cô như đắp thêm một lớp bùn, xe cộ tốt mấy cũng hư hỏng hết”, thầy Trọng nói. Nhưng họ, những giáo viên cắm bản ở Hướng Choa, sẵn sàng chấp nhận để mang cái chữ đến 58 học trò.
Ngày 20.11, ở những điểm trường lẻ cũng rất khác. Sẽ không có ban này ngành nọ đến chúc mừng, không có những phụ huynh dập dìu vào ra nói lời cảm ơn, thậm chí cũng không có nhiều đồng nghiệp để cùng ôn lại chuyện nghề. Ở đó, có chăng là những bông hoa dại học trò ngắt vội trên đường đến trường, mang đến tặng. Những bông hoa đó không nhiều sắc màu, không thơm nhưng tỏa hương theo một cách rất khác…
PV/TN