Khi doanh nghiệp phải bán tài sản
Thông tin Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu ra trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9/5 về việc nhiều doanh nghiệp lớn đã “phải bán tài sản với giá chỉ bằng 50% giá trị thực có rất nhiều thứ đáng để suy ngẫm.
Điều đầu tiên cần ghi nhận, đây là một nhận định hết sức có trách nhiệm của cơ quan quản lý trong hoàn cảnh doanh nghiệp bị ảnh hưởng mạnh mẽ hậu Covid-19 và suy thoái toàn cầu. Thực tế thì chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận được sự ủng hộ của rất rất nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng khát vốn hiện nay. Nhưng điều này cũng đang phản ánh rất chân thực về thực trạng doanh nghiệp Việt, đa phần nhiều là quá non.
Có thể gặp đúng thời điểm sẽ phất lên rất nhanh nhưng khi đến một ngưỡng nhất định thì lại bị thụt lùi. Minh chứng rõ nhất là thời gian qua nhiều doanh nghiệp Việt rơi vào tay người Thái. Những cái tên Big C, Nguyễn Kim, Sabeco, Nhựa Bình Minh… vốn dĩ là niềm tự hào của người Việt nhưng nay lại trở thành con gà đẻ trứng vàng cho các đại gia Thái Lan. Chính vì thế, đây là thời điểm không thể thích hợp hơn để buộc nhiều doanh nghiệp Việt phải “tự lớn”.
Trước hết, cần phải lớn trong tư duy về trách nhiệm. Cần có tư duy rõ ràng rằng, chính doanh nghiệp chứ không ai khác, phải tự chịu trách nhiệm với các quyết định và hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Còn vai trò của nhà nước là tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi chứ không phải chịu trách nhiệm cho quyết định đóng hay mở cửa doanh nghiệp.
Thứ hai, tìm mọi cách để học hỏi và nâng cao khả năng quản trị. Điều đặc biệt nhất là cần phải hiểu giới hạn của mình ở đâu. Tất nhiên, làm kinh doanh là phải có tham vọng nhưng điều đó phải phù hợp với tình hình thực tế và nguồn lực của doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp, vốn có 1 nhưng đầu tư tràn lan đến 50. Minh chứng rõ nhất là lời kêu cứu của hàng loạt doanh nghiệp bất động sản thời gian vừa qua. Doanh nghiệp bất động sản ỷ lại vào vay vốn tín dụng ngân hàng, đảm bảo phát hành trái phiếu bằng cổ phiếu, bành trướng doanh nghiệp quá mức, xin quy hoạch, xây dựng tràn lan mặc dù trong tay không có hoặc có rất ít vốn. Để rồi chính họ tạo ra những cơn sốt ảo, đẩy giá lên mức không tưởng khiến người người nhà nhà đi buôn đất như chính Chủ tịch Quốc hội đã từng cảnh báo. Đến khi nhà nước vào cuộc, siết chặt quy định mua bán, siết chặt nguồn vốn thì lại xin được hỗ trợ, than thở trăm bề phải bán đổ bán tháo để cầm cự.
Trong khi thực tế, chủ động cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, quản trị dòng tiền, bán bớt tài sản để phù hợp với năng lực quản lý là bình thường trong nền kinh tế thị trường. Khi kinh tế khủng hoảng, suy thoái, việc doanh nghiệp thu gọn quy mô để tập trung vào thế mạnh của mình có thể lại là một quyết định sáng suốt, thực dụng. Trong một cuộc họp hồi tháng 11/2022, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng từng khuyến nghị, “trong bối cảnh khó khăn thanh khoản, lãnh đạo doanh nghiệp phải tính đến phương án bán các tài sản, không được để nhà đầu tư mất niềm tin”.
Thứ ba, cần phải tư duy vào việc tạo ra của cải từ sản xuất. Một đất nước phát triển bền vững thì phải từ sản xuất, tăng năng suất lao động, tăng sáng tạo để tạo ra giá trị thặng dư thật sự. Để từ đó, chọn đúng hướng đi, chuyển đổi nguồn lực vào những ngành hàng có hàm lượng khoa học công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch, xanh bền vững giúp kinh tế nước nhà hội nhập cạnh tranh với nền kinh tế khu vực và thế giới.
Tóm lại, như chính Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, ở đây không ai giải cứu ai mà mỗi doanh nghiệp phải tự giải cứu chính mình. Việc của cơ quan quản lý nhà nước là đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ, minh bạch, tạo môi trường cho các doanh nghiệp có vốn nước ngoài lẫn doanh nghiệp nội địa hoạt động bền vững, cạnh tranh bình đẳng. Còn Bộ Kế hoạch Đầu tư nên dành tâm sức giúp Chính phủ cắt bỏ các giấy phép con và những quy định tréo ngheo, khiến doanh nghiệp than trời. Như việc cấp giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy chẳng hạn.
Công Luân