+
Aa
-
like
comment

Khi Đại học công lập và cấu trúc Đại học là “phản” dân chủ

07/07/2019 13:14

Đại học công flagship có là đại học vì sinh viên, vì sự thành công của sinh viên Mỹ hay không? Điều gì đang cản trở nó thực thi nghĩa vụ đáng lẽ nó phải làm?

Tôi muốn làm rõ trong bài này, đại học và cấu trúc đại học là đại học công và flagship ở Mỹ.

Đương nhiên, nếu nhìn rộng ra các mô hình đại học khác, chúng ta cũng sẽ thấy, bản chất đại học công là gì, nếu nó không đại diện cho lợi ích của số đông nhân dân, phục vụ nhân dân ở các tầng lớp và gia cảnh khác nhau.

cac-truong-dai-hoc-cong-lap-ha-noi
Khi Đại học công lập và cấu trúc Đại học là “phản” dân chủ

Lợi ích công [2], đại học công [3] nên là một biểu tượng của một xã hội vì nhân dân và theo đó, khi nào đại học công và cấu trúc, hoạt động của nó không vì những mục đích trên, nó là hình thức “phản dân chủ” rõ ràng nhất.

Trong bài viết này, tôi xin làm rõ, mặc dù đây là bài phê phán và phản biện trực tiếp cấu trúc đại học công theo mô hình bang hiện nay của Mỹ, chúng ta vẫn phải ghi nhận thực tế là đại học Mỹ vẫn đang là mô hình dẫn đầu thế giới về tất cả các mặt [4] và chỉ vì khủng hoảng kinh tế – xã hội, họ đang tụt hậu trên vị thế số 1 đó mà thôi.

Với 5 năm nghiên cứu chuyên sâu vào đại học và quốc tế đại học Mỹ, tôi nhận ra dù khác nhau về luật của từng bang, cấu trúc tổ chức đại học công flagship của Mỹ hầu hết dựa vào 5 tầng:

Tầng nền số 1 đa số là sinh viên và những học viên các loại khác nhau, bao gồm cả sinh viên quốc tế, sinh viên trao đổi, hay các học giả đến tham quan và gia đình.

Tầng 2 giáo sư, giảng viên và các nhân sự ở các vị trí khác nhau phục vụ cho hoạt động chính yếu của đại học công, gồm 3 mảng chính: giảng dạy – nghiên cứu – dịch vụ cộng đồng.

Tầng 3 các vị trí và nhân sự cho quản trị đại học gồm Chủ Tịch đại học, Hội đồng Quản Trị Trường, các các chức danh khác như Phó Chủ Tịch phụ trách các mảng về Tài Chính – Tuyển sinh – Học Thuật – Quan hệ đối ngoại.

Tầng 4 Cơ quan quản lý đại học và chất lượng của bang và Thống đốc Bang, người sẽ trực tiếp chỉ định Chủ Tịch Đại học và những đại diện của Bang trong Hội đồng quản lý trường.

Tầng 5 Bộ Giáo dục Mỹ và các tổ chức cấp liên bang như Quốc Hội ra các luật, chính sách về giáo dục đại học.

Cấu trúc này, nếu nhìn đến chi tiết một đại học công flagship tôi đã học, nó sẽ như sau:

Câu hỏi tôi luôn tự hỏi mình, đại học công flagship có là đại học vì sinh viên, vì sự thành công của sinh viên Mỹ hay không? Điều gì đang cản trở nó thực thi nghĩa vụ đáng lẽ nó phải làm? [5]

Trong hơn 30 năm kinh tế toàn cầu vừa qua, các nghiên cứu chỉ ra rằng, khi kinh tế suy thoái, dân chủ suy thoái [6].

Nhưng cá nhân tôi nghĩ, dân chủ nó không chỉ liên hệ với thực tế của tiền, cơm áo hàng ngày, nó liên quan đến cấu trúc và quy trình sản sinh ra quyền lực kiểm soát và thúc đẩy nhân sự xã hội mà nó đang quản trị, đặc biệt là qua giáo dục đại học, nơi sản sinh ra tầng lớp ưu tú cho lực lượng lao động xã hội và lãnh đạo tương lai của bất kỳ xã hội nào.

Chính vì vậy, có thể đây chỉ là ý kiến cá nhân, nhưng tôi muốn chia sẻ vài góc nhìn mà theo tôi hiểu, chúng ta đang xây dựng một mô hình đại học công không có nhiều tính “dân chủ” trong đấy lắm và nếu đó là lời giải thích có tính hợp lý của nó, chúng ta có thể hiểu rõ hơn, tại sao nhân dân đa số không được sống và phát triển thực sự trong một đời sống dân chủ, theo tuyên ngôn mà A. Lincoln đã từng nói, như một cam kết khắc vào đá của nước Mỹ với nhân dân của mình “Vì Dân, Do Dân, Của Dân”.

Sinh viên Mỹ

Trong thời kỳ từ 1950-1970, sinh viên Mỹ đa phần đi học với chi phí rất thấp, bởi hầu hết được ngân sách và các chương trình hỗ trợ tài chính chi trả [7].

Tuy nhiên, có lẽ sau chiến tranh Việt Nam, ngân sách rỗng và đối mặt với sự chia rẽ về chiến tranh, chính phủ và quốc hội quyết định cắt giảm ngân sách dành cho đại học công và theo đó kể từ 1990s đến nay tại đại học công ở Mỹ, sinh viên đa phần sẽ gánh tiền học của mình qua vay nợ, với mức đóng góp từ 25% – 50% tổng chi phí hoạt động của đại học công [7].

Tuy nhiên, mặc dù đóng góp khá lớn vào chi phí hoạt động của đại học công, như khá nhiều dịch vụ công khác và có lẽ, dịch vụ do tư nhân cung cấp nhưng vì tính chất đặc thù, thông tin bất đối xứng, hầu hết, sinh viên sẽ chỉ biết và đánh giá đúng được chất lượng dạy và học sau khi họ đã học xong rồi.

Điều này giống như việc sử dụng một dịch vụ mà yếu tố rủi ro trong hợp đồng xã hội về giáo dục đều thuộc về bên mua và là bên vay tiền dài hạn để mua.

Với tỷ lệ bỏ học và không tốt nghiệp đại học lên tới 65%, đây là câu hỏi thách thức lớn nhất cho việc, đại học công đã làm gì để giúp cho sinh viên của mình tốt nghiệp nhiều hơn, học có chất lượng lớn và họ không là nạn nhân để chỉ gánh nợ thay cho đại học và chính phủ tiền hoạt động của đại học?

Trong cấu trúc tổ chức sinh viên tại đại học, rất nhiều đại diện của sinh viên có mặt trong những hoạt động quản lý của trường.

Nhưng tiếc thay, họ không đại diện, không có tiếng nói và quyền bỏ phiếu phủ quyết hay chấp thuận những vấn đề cốt yếu trong quản trị một đại học công.

Ví dụ như, tiền học và các loại phí được quyết định mà không quan tâm đến ý kiến của sinh viên [8]; cấu trúc tính tiền học và chi phí quản trị đại học cũng không hề được công bố công khai, dẫn đến có những chuyện hài cười ra nước mắt ở Texas A&M, khi họ quyết định đầu tư tiền cho một sân thể thao lớn nhất nước Mỹ, mỗi sinh viên được gánh thêm gần $100 tiền xây dựng cơ sở vật chất trường, cùng với các hoạt động bán vé thể thao rầm rộ để tăng cường tinh thần vì đại học mình học, nhưng tiền hỗ trợ cho sinh viên nghiên cứu giáo dục đại học, thì từ $100 để tham gia hội thảo ngay tại Texas, nếu quỵt được, họ cũng đã quỵt.

Khi nhìn đến những thực tiễn diễn ra xung quanh các hoạt động của sinh viên và đại diện sinh viên trong hoạt động quản trị trường học tại A&M University hơn 3 năm, tôi nhận ra, nó chả khác gì với nhân dân và hệ thống quản trị xã hội, dù ở Mỹ hay ở bất kỳ đâu.

Chúng ta có quyền đóng thuế, nhưng tiêu như thế nào, tiêu ra sao, lại không do người đóng thuế quyết định, mà những đại diện nhân danh chúng ta thực hiện các quyết định của họ hoàn toàn dựa trên lợi ích họ muốn có, chứ không phải vì sinh viên hay nhân dân gì cả.

Giáo sư và Hội đồng Giáo sư tại Đại học

Đây là linh hồn quan trọng nhất của đại học, bởi giáo sư thế nào sẽ quyết định chất lượng đại học thế đó và nhất là cho sinh viên.

Tuy nhiên, như trong bài chia sẻ về đại học và giáo sư thời đại mới, Phillip Altbach có mô tả những thách thức về “hợp đồng giáo sư” [9] trong công cuộc cắt giảm chi phí đại học, mà theo đó mô hình thuê giảng viên theo giờ học, theo môn học, đang ngày càng phổ biến trong đại học Mỹ, dẫn đến nhiều hệ lụy cho chất lượng giáo dục đại học, nhất là cho đại học công và mảng nghiên cứu [9].

Tất cả đều do cắt giảm ngân sách, do các đại học mong muốn duy trì mức doanh thu và lợi ích thu được từ sinh viên lớn nhất có thể… giáo sư, giáo viên giảng dạy và nghiên cứu đã bị ảnh hưởng lớn và lâu dài về chất lượng, vai trò trong quản trị đại học [10].

Với hai bảng dưới đây tóm tắt về nhân sự theo năm, số lượng giảng viên và giáo sư cũng như đại diện cho giảng dạy nhưng từ lực lượng sinh viên sau đại học đại diện tại A&M University, College Station (Tx), chúng ta có lẽ sẽ hiểu nhiều hơn về cấu trúc đại diện cho da mầu, cho các tầng lớp thu nhập khác nhau và cho tiếng nói đại diện của giáo sư và nhân sự trong trường đại học điển hình về flagship tại Texas, US.

A&M University, College Station, Accountability, Staff. (Ảnh: tác giả cung cấp).
A&M University, College Station, Accountability, Faculty Headcount (Ảnh: tác giả cung cấp).

Điều quan ngại lớn nhất, không chỉ là Altbach nêu ra, mà hầu hết các giáo sư và đại diện cho các tổ chức chuyên nghiệp của giáo dục đại học, đó là vì cắt giảm ngân sách, chất lượng đại học đã suy giảm đáng kể.

Hầu hết sinh viên vào học đại học sẽ học với trợ lý giảng dạy (graduate assistant for teaching), mà để đảm bảo được sinh viên học gì như câu hỏi của Derek Bok nêu ra trong cuốn Đại học Mỹ (Higher Education in America), nó cần câu trả lời, không chỉ từ giáo sư hay trợ lý giảng dạy trả lời, nó cần cả nước Mỹ, từ Quốc hội Mỹ đến hệ thống chính trị bang và các đại học trả lời [11].

Tóm tắt lại, học và trở thành giáo sư hay giảng viên đại học tại Mỹ hiện nay là một thách thức, bởi việc sản xuất dư thừa kéo dài hơn 20 năm về số lượng PhD trong hầu hết các ngành [10] và mức lương, đời sống sinh hoạt học thuật và những sức ép về “làm nhiều hơn, trách nhiệm lớn hơn, các mức lương và phụ cấp ít hơn” đã không còn thu hút những người giỏi nhất ở lại đại học làm giảng dạy và nghiên cứu.

Bên cạnh đó, với tính chất thương mại hóa ngày càng nhiều về giáo dục đại học, giáo sư và uy tín nghiên cứu đã có thể “mua bán” thông qua các loại hình hợp tác với các tập đoàn hay các hệ thống quyền lực chính trị và tổ chức nghiên cứu think – tank [12].

Điều này chỉ càng dẫn hệ thống giáo dục công đi vào bế tắc, khi tính trung thực về học thuật và độc lập về kết quả nghiên cứu không còn phụ thuộc vào ai đó làm nghiên cứu, mà chỉ để phục vụ cho “đơn đặt hàng” từ đâu và phục vụ lợi ích nào [12].

Theo đó, vai trò của giáo sư và hội đồng giáo sư (Senate of Faculty) [13] đang phải đánh giá lại, làm sao để họ có thể cân đối thẩm quyền và quản trị đại học theo đúng nghĩa “Chia sẻ quản trị” (shared governance) [13] như một truyền thống quản lý đại học từ bao lâu nay ở Mỹ.

Nhân sự cao cấp quản trị đại học công

Chủ Tịch Hội đồng Quản trị trường do Thống đốc bang bổ nhiệm và thường là có quan hệ qua lại lâu năm [14].

Thành viên Hội đồng quản trị trường được bổ nhiệm dựa trên thành tựu đóng góp của họ với xã hội, với hoạt động cộng đồng và phần nhiều do họ có lịch sử kêu gọi được tài trợ và đóng góp ngân sách cho trường [15].

Tính khách quan trong việc lựa chọn chủ tịch Hội đồng quản trị trường và thành viên là câu hỏi lớn, bởi với nhiều trường, họ hoạt động thực sự vì lợi ích của trường và sinh viên họ phục vụ (phi lợi nhuận).

Nhưng mặt khác, nếu quan sát kỹ những động thái bổ nhiệm hay chỉ định hội đồng này cùng với chủ tịch hội đồng xuất phát từ đại diện chính trị ở tầm cao nhất của bang, chúng ta hiểu rõ là trường đại học công thuộc “quản trị” ở góc độ nào đấy của chính quyền bang, dù luật pháp Mỹ không cho phép thống đốc can thiệp vào hoạt động học thuật và tổ chức nội bộ của đại học.

Lãnh đạo và sự mơ hồ (Ảnh: tác giả cung cấp).
Lãnh đạo và sự mơ hồ (Ảnh: tác giả cung cấp).

Tại sao Harvard không cứu nổi giáo dục Mỹ?

Điều này cũng để lý giải về “tự do học thuật” trong đại học Mỹ, bởi rất nhiều đại học công flagship của Mỹ nhận ngân sách lớn từ liên bang và bang để thực hiện các nghiên cứu dài hạn phục vụ cho chiến lược phát triển đất nước và quân đội [16].

Nhưng, câu hỏi đặt ra là tại sao chỉ ở một số đại học, hoặc tại sao nó chỉ để phục vụ cho những mục tiêu hay lợi ích của ai đó, chứ không chỉ thuần túy là nghiên cứu khoa học.

Khi tự do học thuật đã và đang được lèo lái bởi những lợi ích phân chia bởi đảng phái, lĩnh vực công nghiệp, nó cũng ảnh hưởng đến phiếu bầu chính trị cho thống đốc, cho chủ tịch hội đồng quản trị trường và nhất là thông qua đại học, các đảng phái và lợi ích công nghiệp tìm cách tác động lớn, nhằm thu hút sự quan tâm về phiếu bầu của cư tri trẻ trong đại học [17], mà ở Harvard có khái niệm “chiến tranh đảng phái tại các campus”.

Chủ tịch Đại học công: được tuyển chọn và ký hợp đồng lao động bởi Hội đồng quản trị đại học. Đây là người có vai trò quan trọng đại diện cho tinh thần và bộ mặt của đại học với sinh viên, giáo sư và công chúng.

Tuy nhiên, theo ACE nghiên cứu về Chủ tịch đại học Mỹ gần đây, 67% thời gian của Chủ tịch chỉ để do “tài chính và quản lý nhân sự cao cấp” xung quanh mình [18], hầu hết những vấn đề chính yếu trong đại học là chất lượng giáo dục và giảng viên lại do phó chủ tịch khác quản trị, mà điều này theo Derek Bok (Our underachieving colleges, Higher Education in America) là đi ngược lại xu thế cần có của một chủ tịch đại học cần làm: tập trung tối đa vào chất lượng đào tạo và nhân lực của đại học.

Nếu ai muốn hiểu rõ vai trò của Chủ tịch đại học và những ràng buộc chính trị – vị trí cố gắng làm “vai diễn cho tròn” trong hợp đồng để tìm kiếm chỗ làm việc mới, cuốn sách trên đây, Lãnh đạo và Độ Khả tín – Chủ Tịch Đại học Mỹ (Leadership and Ambiguity – The American College President).

Điều ấn tượng nhất của cuốn sách là phần kết: Chủ tịch Đại học và Những Ngớ ngẩn Trong quản trị. Tất cả chúng ta, dù là lãnh đạo hay ai cũng đều là con người cả, duy chỉ có sự thật, sinh viên, gia đình và xã hội sẽ phải gánh chịu tất cả hệ quả của những ngớ ngẩn trong hệ thống quản trị đại học, theo suốt cuộc đời của họ, với tư cách là người học và với tư cách người phải đi vay để trả nợ khi học những thứ ngớ ngẩn đó.

Cuốn Lãnh đạo và Độ Khả tín – Chủ Tịch Đại học Mỹ (Ảnh: tác giả cung cấp).
Cơ quan quản lý đại học và chất lượng đại học bang

Đây là những cơ quan độc lập và hoạt động với chức năng riêng, không phụ thuộc vào bất kỳ ai, trừ tổ chức thành lập ra họ, ví dụ như 6 tổ chức kiểm định chất lượng đại học vùng [19] của Mỹ, hay ở từng bang sẽ có Hội đồng Điều Phối Giáo dục Đại học bang [20].

Nếu đọc những gì họ viết trên website thì thấy thật thú vị làm sao, nhưng khi đã sống và đối mặt với những “thách thức” trong hệ thống phối hợp tay ba: đại học – cơ quan quản lý và cơ quan kiểm định chất lượng.

Chúng ta mới thấy, còn vô vàn chuyện trong đó cần được mổ xẻ và tìm cách cải thiện, nếu muốn nói đến xây dựng một hệ thống đại học công phù hợp với mục đích lớn nhất của nó: phụng sự cho sự thành công của sinh viên và xã hội Mỹ.

Do hoàn cảnh cá nhân, tôi được gặp gỡ với Hội đồng Điều phối Giáo dục Đại học bang Texas [21]. Có vài điều tôi nhận ra:

(i) Tính thiếu thực tiễn và cập nhật những giấy phép và thông tin hoạt động của các đại học trực thuộc họ quản lý, dẫn đến, khi sinh viên có tranh chấp hay khiếu nại về tổ chức và hoạt động của đại học, họ không có bất kỳ vai trò gì giúp cho đại học hay sinh viên có được thông tin pháp lý đầy đủ để giải quyết.

Ví dụ đơn giản nhất, định nghĩa về lớp học online ở đại học, trong bối cảnh 85% số giờ học online mới được coi là lớp online, trong khi hybrid online được quyền chạy từ 20-84% giờ học, trong khi với sinh viên quốc tế, chỉ được quyền học 1 lớp online/kỳ thì không có quy định rõ và cụ thể là online này là 100% online, 85% online như định nghĩa tại Texas hay hybrid online?

Chưa nói đến, cùng là sinh viên đi học, sinh viên quốc tế buộc phải đăng ký lớp học sớm nhất và trước khi vào lớp học ít nhất 3 tháng, trong khi với sinh viên Mỹ, họ có quyền đăng ký học chỉ trước khi vào lớp học 2 tuần.

Tất cả những hỏi ý kiến, dẫn chiếu đều đến những khoảng “trống” chưa có định nghĩa, chưa có quy định, thì thử hỏi sinh viên biết dựa vào đâu để trao đổi với trường và ai đó quản trị đại học?

Hay đúng hơn, trong bất kỳ trường hợp nào, trường cũng đúng và sinh viên thì không có đủ thông tin, tài liệu, luật pháp và cơ chế để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình?

(ii) Bởi đại học công của Mỹ hoạt động theo tự chủ rất cao. Việc giấy phép xin một đằng, tổ chức dạy và hoạt động một nẻo mà chả có ai nắm là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, khi có ai đó chỉ ra, đại học đang hoạt động không đúng với giấy phép họ đã đăng ký, Hội đồng Điều phối chỉ có trách nhiệm nhắc nhở và yêu cầu bổ sung hồ sơ hoạt động, trong khi đó là vi phạm nghiêm trọng của đại học với trách nhiệm minh bạch, công bằng và tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình với sinh viên và xã hội.

Vậy, nếu Hội Đồng điều phối quản lý giấy phép hoạt động của đại học, mà khi phát hiện ra sai phạm và không hề có bất kỳ hành động nào để bảo vệ quyền lợi của những người bị xâm phạm lợi ích vì sai phạm của đại học, vậy hóa ra cứ có gì trái phải, sinh viên phải đi kiện đại học của mình mới tìm được công bằng?

Và nếu đó là sinh viên quốc tế, như tôi có hỏi vô số lãnh đạo giáo dục Mỹ, tôi sang Mỹ để học hay để đi kiện, bởi bất kỳ hành động gì với cá nhân tôi cũng toàn sai phạm?

Ở đây, tôi muốn nói đến trách nhiệm quản trị đại học của chính quyền, đại diện cho người dân và xã hội, đã và đang lảng tránh trách nhiệm và vai trò của mình, trong khi tiền học đóng lại phải đầy đủ mới được đi học.

Với cơ quan kiểm định đại học Mỹ

Trong thời gian làm internship ở Phòng Quản trị Nhân sự và Pháp Chế đại học A&M, tôi có thời gian đọc và nghiên cứu 10 năm hoạt động kiểm định của hệ thống đại học này.

Tất cả mọi quy trình, mọi kiểm tra nội bộ, bên ngoài, đánh giá từ tầng lớp thấp nhất lên đến cao nhất, từ công việc đến sứ mệnh đại học, đều tốt cả, nếu nhìn đến quy trình và báo cáo. Nhưng thực tiễn có đẹp như vậy không?

Lấy một ví dụ nhỏ từ tuyển dụng giáo viên và giáo sư.

Theo quy trình tuyển dụng giảng viên và giáo sư tại đại học, đây là một trong những công việc quan trọng bậc nhất, chỉ sau mỗi tuyển sinh sinh viên. Những tiêu chuẩn, tiêu chí tuyển dụng, hội đồng tuyển dụng, đánh giá, phỏng vấn qua lại, rồi giảng thử…đủ cả.

Ấy nhưng, với ông chủ nhiệm chính khoa tôi học – Lãnh đạo Giáo dục Đại học và ông này dạy môn Luật Giáo dục Đại học, ông không hề có lý lịch về luật, về nghiên cứu luật giáo dục đại học hay kinh nghiệm gì về hành nghề luật giáo dục đại học. Thời gian lớn của ông là về nghiên cứu tôn giáo và ảnh hưởng của nó với đời sống Mỹ.

Khi tôi có thắc mắc về nghiên cứu thực tiễn của ông, ông có lý giải rằng đề tài nghiên cứu chỉ là một phần nhỏ bởi với quá trình làm việc 20 năm ở đại học, ông nắm được cụ thể hoạt động và luật pháp về đại học Mỹ như thế nào.

Thế nhưng, với 5 trang giấy câu hỏi về cấu trúc pháp lý của hệ thống đại học Mỹ tôi gửi đi, ông trả lời rằng, luật pháp ở Mỹ phức tạp đến độ không thể trả lời bằng văn bản.

Tôi hoàn toàn hiểu được sự phức tạp của luật pháp Mỹ, theo nghĩa phức tạp đến độ không ai hiểu được, không ai diễn giải được và không ai có thể nói với người khác một cách mạch lạc được, sau 3 năm học ở đấy.

Hơn thế, khi có những câu hỏi về chương trình và giáo trình học, chính ông này lại chia sẻ như sau: “Ở Mỹ, điều quan trọng là tuân thủ luật, chứ không phải là tử tế với con người”.

Không rõ, khi ông nói tuân thủ luật, mà luật phức tạp đến độ không thể trả lời rành mạch được và cũng vì phức tạp quá, trường không thể có giáo sư chuyên về luật giáo dục đại học để dạy cho nghiên cứu sinh cấp độ tiến sỹ mà phải thế một thầy chuyên về tôn giáo vào dạy, thì đủ hiểu tính minh bạch về thông tin đại học và kiểm định của Mỹ nó ở đẳng cấp nào.

Hiện tượng này xảy ra ở hầu hết những môn học chính và cơ bản trong chuyên ngành về giáo dục đại học tôi học, kể cả một môn quan trọng bậc nhất về cấu trúc đại học: môn tài chính và quản trị tài chính đại học, tôi được tự học và vẫn trả đủ tiền học như thường.

Nhưng, đây mới là chỉ nói đến tầm cá nhân sinh viên với đại học. Hơn 4 tháng lê la tại Harvard/Boston vào năm 2019 vừa rồi, tôi học (tự học và miễn phí, trừ tiền vé máy bay và thuê trọ), mô hình và cấu trúc tài chính đại học Mỹ 100 năm qua là thế nào và ngạc nhiên thay, tôi vẽ ra đủ một mô hình thật đẹp hợp tác giữa 3 tay:

Chính phủ Mỹ – đại học Mỹ – ngân hàng Mỹ, dưới sự điều khiển của Chính phủ chỉ đạo cho kiểm định đại học, thực hiện một chính sách, “cho vay nặng lãi” cho hơn 20 triệu sinh viên Mỹ tiền học đại học và cơ chế “gây trượt đại học” ra sao.

Báo cáo của GAO (Government Accountability Office) từ 1997-2017 [22], đúng 20 năm về thực trạng hoạt động của cơ quan kiểm định và tác động đến chất lượng giáo dục Mỹ ra sao, để hơn 65% sinh viên bỏ học với các khoản nợ lớn chưa từng có.

1,5 nghìn tỷ đô là một ví dụ minh chứng cho chính sách “đại học là ngành kinh doanh [23] “cho vay nặng lãi” của chính quyền Mỹ và ngân hàng Mỹ với nhân dân Mỹ.

Nó đã và không còn vì lợi ích của người sinh viên, người dân Mỹ nữa. Thế nên, nhận định của nhiều nhà nghiên cứu kinh tế như R. Gordon, I. Sawhill chỉ ra sự “bất hạnh” trong tương lai của Mỹ cũng là điều hoàn toàn hợp lý. [24]

Đại học là gì? Chức năng của nó là gì? Khi nó chỉ là cỗ máy kiếm tiền nuôi chính đại học, các giáo sư và tìm cách để sinh viên phải bỏ học hoặc không thể tốt nghiệp, hoặc có tốt nghiệp thì 50% cũng làm những việc không cần đến tri thức và kỹ năng của đại học họ mất bao công sức học?

Ai chịu trách nhiệm về những vấn đề này?

Quốc hội, Chính phủ và Bộ Giáo dục

Tôi không muốn nói nhiều quá hoặc nói xấu về thực trạng những gì tôi phải trả giá bằng chính cuộc đời 45 năm của mình để học 5 năm ở Mỹ về giáo dục.

Tuy nhiên, với thực trạng bộ trưởng bộ giáo dục Mỹ vừa được bổ nhiệm bằng sự bỏ phiếu của lợi ích đảng phái [25], tôi hiểu rõ rằng, dù ở Quốc hội, Chính phủ hay Bộ Giáo dục Mỹ, những gì họ nói không là những gì họ làm.

Xét dưới góc độ nào đấy, họ đã phản bội lại lợi ích của sinh viên Mỹ, nhân dân Mỹ, những người đã tin và ủy nhiệm cho họ quản trị đất nước.

Nguyên lý, ai có tiền người đó chơi (who pay who play) đã triệt tiêu triệt để những giá trị Mỹ thực sự làm nên nước Mỹ.

Thế nên, dù tôi có viết 1 hay 100 lá thư kiến nghị về những vấn đề xảy ra với tôi như một cá nhân sinh viên đến học và mong đợi một nền giáo dục tử tế và có chất lượng cho mình và cho hàng chục triệu sinh viên Mỹ, tôi chỉ là nạn nhân của niềm tin.

Sự bế tắc về giáo dục đại học Mỹ nó không dừng ở đại học. Nó là sự bế tắc của mọi vấn đề khác trong xã hội, Mỹ và thế giới.

Theo đó, những hành xử bất chấp pháp luật và đạo đức con người đã và sẽ dẫn nước Mỹ đi vào bế tắc chồng bế tắc, và dù họ có hợp tác với ai, những giá trị Mỹ như Nhân Quyền – Dân Chủ – Tự do không thực sự được gây dựng lại từ chính những lãnh đạo của nước Mỹ, họ vẫn phải trả giá, như cuốn sách gần đây về đại học Mỹ: Trả giá: Chi phí đại học – Những hỗ trợ tài chính và Sự phản bội lại Giấc Mơ Mỹ! [26]

Nguyễn Thị Lan Hương

(Theo Giáo Dục Việt Nam)

Bài mới
Đọc nhiều