+
Aa
-
like
comment

Khi chùa trở thành nơi kinh doanh thì chuyện “thờ người có tiền” cũng chẳng có gì lạ

sông trà - 18/02/2020 12:06

Những ngày qua, dư luận đang nóng lên và có những ý kiến trái chiều xung quanh chuyện trong quần thể chùa Tam Chúc có một ngôi đền tên Tứ Ân thờ “Cư sĩ Diệu Liên” – tức bà Phạm Thị Lan, người vợ quá cố của đại gia Xuân Trường – ông chủ đầu tư ngôi chùa lớn nhất thế giới này.

Hình ảnh đền Tứ Ân thờ “cư sĩ Diệu Liên” trong quần thể chùa Tam Chúc đang nhận được những ý kiến trái chiều trong dư luận.

Thờ vợ trong ngôi chùa lớn nhất thế giới

Khu du lịch quốc gia chùa Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, được cho là ngôi chùa lớn nhất thế giới có diện tích gần 5.100 ha, với gần 1.000 ha hồ nước, 3.000 ha núi đá, rừng tự nhiên…, cùng nhiều thung lũng, 3 mặt bao bọc bởi dãy núi Thất Tinh hình tay ngai, trước là hồ Tam Chúc với 6 quả núi. Mặt bằng chùa Tam Chúc rộng tới 144 ha với nhiều công trình như chùa Ngọc, điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, cổng Tam Quan, Trung tâm Hội nghị quốc tế…

Nhiều người đến tham quan đều bất ngờ với ngôi đền Tứ Ân nằm ngay Điện Tam Thế – tâm điểm của quần thể di tích được xây dựng hoành tráng nhưng thờ mỗi một người là cư sĩ Diệu Liên. Nhưng ít ai biết rằng đó chính là bà Phạm Thị Lan – người vợ quá cố của đại gia Nguyễn Văn Trường (đại gia Xuân Trường), Giám đốc Công ty xây dựng Xuân Trường, chủ đầu tư dự án khu du lịch tâm linh này.

Đền thờ vợ đại gia nằm trong ngôi chùa lớn nhất thế giới.

Theo “bảng vàng” thì bà Phạm Thị Lan được giới thiệu là người góp công xây dựng những ngôi chùa lớn như chùa Tam Chúc, các ngôi chùa tại quần thể Tràng An – Bái Đính như: chùa Vàng, chùa Bạc, chùa Báo Hiếu, chùa Thiên Phúc… Đặc biệt là các ngôi chùa: Song Tử Tây, Đảo Đá Tây A, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh… trên quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) góp phần bảo vệ biên cương của Tổ quốc và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Mặc dù ngôi chùa thu hút khách thập phương trong nước lẫn quốc tế khá lớn, nhưng có không ít người cho biết họ đến các nơi này chỉ là tham quan du ngoạn thôi, vì nó có cảnh quan đẹp. Còn ở đó làm gì có Phật mà để lễ. Bởi vì người ta “mượn Phật để kiếm tiền”. Muốn tới gần với đạo Phật thì hãy đến những ngôi chùa yên tĩnh, thanh tịnh, tham gia các buổi hoằng pháp của các tăng ni và thực hành (tu) theo lời dạy của Đức Phật và ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày. Chính điều đó khiến dư luận cho rằng, Ban Trị sự chùa Tam Chúc đã có sự ưu ái dành riêng cho người nhà của chủ doanh nghiệp Xuân Trường trong ngôi chùa lớn nhất thế giới này.

Kiểu “khoa trương” quá đà?

Trước những lùm xùm về việc chùa thờ vợ đại gia Xuân Trường, Phó Trụ trì chùa Tam Chúc, Thượng tọa Thích Minh Quang cho rằng, việc thờ cư sĩ Diệu Liên trong đền Tứ Ân là chuyện rất bình thường. “Tại chùa Tam Chúc, từ năm 1999, cư sĩ Diệu Liên đã có công tôn tạo, trồng hàng vạn cây xanh, kêu gọi nhiều nhà hảo tâm cùng chung phục dựng chùa Tam Chúc có được như ngày hôm nay nên việc thờ cư sĩ Diệu Liên tại đền Tứ Ân là chuyện rất bình thường” – Thượng tọa Thích Minh Quang nói.

Có cả bảng vàng thờ phụng.

Liên quan đến vấn đề này, một Hòa thượng đang tu hành tại chùa Yên Tử (Quảng Ninh) cho rằng, đây là việc làm không đúng: “Những người có công xây chùa, phát triển chùa thường chỉ được tạc bia để ghi nhớ công đức cho chùa chứ không thể xây đền thờ riêng trong khuôn viên của chùa như ở chùa Tam Chúc được. Họ – người xây dựng chùa Tam Chúc làm như thế thì hơi “lố” và dễ gây phản cảm. Đối với người tu hành mà việc phô trương như thế không những không mang phúc đức cho bản thân mà còn bị người đời dị nghị”.

Tức là, ở các chùa người ta đều tôn vinh những người có công đóng góp nhiều bằng cách lập các bảng ghi tên vinh danh ở một vị trí nào đó nào đó chứ không phải làm tượng để dân phải thờ, bây giờ là vợ ông Trường, sau này ông ta thể nào chẳng đặt vào đây, vậy có phải thành “chùa gia đình” rồi không? Nói thẳng ra thì hơi khó: Khổ cho Phật tử đến chùa lạy Phật, còn phải lạy “vợ ông Xuân Trường”.

Hơn nữa, nếu có tâm với phật là “hư không và vô thường” thì việc gì phải ” gióng trống mở cờ”. Đã có tâm, có công thì người đời ắt sẽ nhớ, nên đây là kiểu khoa trương quá đà, lố bịch. Suy rộng vấn đề một chút, còn nhớ, phát biểu trước diễn đàn Quốc hội, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam từng khẳng định, không có “chùa BOT”. Tất cả chùa đều do Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý, tiền xây chùa là do Giáo hội, các địa phương và người dân đóng góp.

Thế nhưng, có một nghịch lý được các chuyên gia kinh tế chỉ ra, trong khi ở nước ngoài, doanh nghiệp đổ tiền vào đầu tư các lĩnh vực khoa học công nghệ cao, nhưng Xuân Trường mạnh tay chi hàng nghìn tỷ đồng vào những siêu dự án có gắn với yếu tố tâm linh.

Thực tế, những gì diễn ra cũng như nhìn vào quy mô, các hạng mục của những siêu dự án Xuân Trường  thực hiện thì dường như không phải vậy. Doanh nghiệp đang biến chùa chiền thành nơi bị thương mại hóa thông qua các công trình phụ trợ như khách sạn, sân golf, khu vui chơi nghỉ dưỡng…

Như tại chùa Bái Đính, người dân, du khách đến lễ phật phải trả đủ các loại phí, vé do doanh nghiệp lập ra. Ngay từ khi vào cổng, ô tô phải trả 40 nghìn đồng, xe máy 15 nghìn đồng. Bãi gửi xe cách xa chùa tới gần 4km, buộc du khách muốn đến lễ Phật phải bỏ ra 60 nghìn đồng mua vé xe điện hai chiều, vì không thể đi bộ liên tục gần 8km. Thậm chí tới nơi thì còn phải trả thêm 50 nghìn đồng nữa mới được vào bảo tháp lễ Phật. Vé thì do Xuân Trường phát hành, nhưng lại có dấu mang dòng chữ “Giáo hội Phật giáo…” là rất mập mờ. Hoặc tại chùa Tam Chúc cũng vậy, cũng áp dụng thu phí để xe và đi xe điện như ở chùa Bái Đính. Nếu so sánh với Thiền Viện Trúc lâm Đà Lạt thì quả là nghịch lý vì Thiền Viện Trúc Lâm nơi người dân tự do ra vào chùa để lễ phật mà không hề có các dịch vụ thu phí, bán vé nào. Phương tiện của người dân đến cũng được gửi miễn phí.

Trong bối cảnh đang có những lo lắng nhất định về chuyện “buôn thần bán thánh”, thương mại hóa nơi cửa Phật thì hàng loạt vấn đề được đặt ra như: Có hiện tượng kinh doanh chùa hay không? Ai quản lý tiền công đức, nguồn thu này có làm lợi cho ngân sách hay không?…

Có thể nói, văn hóa, đời sống tâm linh là nhu cầu chính đáng của nhân dân, Hiến pháp đã quy định nhân dân có quyền tự do tôn giáo theo hoặc không theo. Tuy nhiên, nếu nhà nước bỏ tiền đầu tư thì phải công bằng như chùa, nhà thờ… Còn theo cách nhìn thiển cận của người viết thì những nơi thờ tự tín ngưỡng thì để nhân dân tự đóng góp, đầu tư. Còn để doanh nghiệp đầu tư sẽ mất đi giá trị nhân văn, nét đẹp văn hóa tâm linh. Một khi chùa chiền trở thành nơi kinh doanhthì chuyện người ta “thờ người có tiền” cũng chẳng có gì lạ. Chỉ tội cho các đệ tử, Phật tử nơi cửa Phật cứ cúi đầu mà lạy!

Sông Trà

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều