+
Aa
-
like
comment

Chính phủ lắng nghe nhịp đập của đời sống

Diệu Hương - 10/03/2022 16:29

Trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng đột biến, giá xăng dầu trong nước tăng cao kỷ lục, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này. Đồng ý với đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Đây là sự cầu thị của cơ quan điều hành trước ý kiến các chuyên gia, cũng như phần nào thể hiện việc theo sát, lắng nghe nhịp đập của đời sống người dân và doanh nghiệp.

Người dân Việt Nam đang chịu giá xăng cao hơn mức thu nhập trung bình

Doanh nghiệp và người tiêu dùng gặp khó

Hiện giá giá xăng E5 RON 92 và xăng RON95-III bán ra lên tới 28.985 đồng/lít và 29.824 đồng/lít. Giá xăng dầu tăng mạnh cộng với dịch Covid-19 gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống sinh hoạt của người dân, nhất là công nhân, người thu nhập thấp khi chi phí sinh hoạt hằng ngày bỗng tăng đột biến.

Cũng so trong cùng khung thời gian, theo khảo sát của các cơ quan chức năng, mặt hàng liên quan trực tiếp đến xăng dầu là gas đã tăng giá 35%, từ mức 370.000 đồng/bình 12kg lên mức 500.000 đồng. Ngoài ra, một loạt hàng hóa thiết yếu không chịu ngồi yên: Đường tăng giá 67%, mắm 28%, dầu ăn 23%, gạo 7%. Đến gói mì tôm cũng đội giá 25%. Khách hàng của các hãng bia sẽ phải tốn thêm 13% chi phí. Sữa nhẹ nhàng hơn, tăng giá 5-6%. Còn tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều mặt hàng đã tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/kg, có loại tăng lên gấp 2-3 lần theo giá xăng dầu.

Xăng dầu là đầu vào nhiên liệu cơ bản trong nền kinh tế. Việc giá cả hầu hết các hàng hóa tiêu dùng tăng theo giá xăng dầu là điều tất yếu. Giá nhà cho thuê sẽ lên, vì ông chủ nhà phải chi thêm tiền mua xăng, mua gạo muối. Nhà trường phải thu thêm tiền ăn, tiền bán trú cho học sinh. Giá tô phở ăn sáng cho tới ly trà đá thảy đều sẽ đua nhau mà lên.

Ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, giá xăng dầu liên tục tăng cũng khiến các doanh nghiệp phải đau đầu vì phải tính toán các phương án cân đối chi phí phát sinh để không lỗ, không mất khách hàng. Trong đó, các công ty vận tải chịu áp lực rất lớn do giá xăng dầu chiếm khoảng 35% – 40% chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, giá xăng tăng kéo giá cước vận chuyển tăng, từ đó đẩy giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu tăng theo. Điều này dẫn đến chi phí sản xuất tăng, khó giữ giá thành sản phẩm khiến đầu ra của doanh nghiệp khó khăn.

Tác động tích cực đối với tiêu dùng của người dân và hoạt động của doanh nghiệp

Trước những tác động tiêu cực nêu trên, Nghị quyết số 31 ra đời có thể nói là giải pháp tình huống vô cùng hợp lý, đúng lúc và cần thiết. Dù chính sách có thể chỉ kéo dài 9 tháng nhưng với mức giảm thuế như trên đã góp phần giảm đáng kể áp lực lên giá bán tới tay người tiêu dùng, cũng như giảm bớt phần nào gánh nặng cho nền kinh tế.

Với điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất trên sẽ góp phần trực tiếp làm giảm giá bán lẻ của các mặt hàng này. Theo Bộ Tài chính, đối với xăng (trừ etanol), việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng/lít so với hiện hành sẽ làm giá bán lẻ (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng) giảm tương ứng 2.200 đồng/lít; Đối với dầu diezel, dầu mazut, dầu nhờn, dầu hoả, mỡ nhờn, việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít so với hiện hành thì giá bán lẻ (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng) giảm tương ứng là 1.100 đồng/lít. Từ đó góp phần hạ giá thành các sản phẩm dịch vụ, hàng hóa, giúp người dân người dân tiết kiệm được chi phí sinh hoạt (nhất là giao thông). Đồng thời, tăng chi tiêu cho các dịch vụ khác, góp phần cải thiện tổng mức bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng.

Về phía doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải, giá xăng dầu giảm giúp giảm chi phí đầu vào, góp phần giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, cũng như cải thiện lợi nhuận nói chung. Ví dụ, ngành vận tải sẽ được hưởng lợi nhiều nhất vì đây là ngành tiêu thụ nhiều xăng dầu và chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí (35-40%). Ngoài ra, một số ngành khác cũng được hưởng lợi như sản xuất nhựa, phân bón, luyện kim, khai thác và đánh bắt thủy sản, xây dựng công trình giao thông… do xăng dầu chiếm khoảng 20-30% chi phí đầu vào.

Giảm áp lực lên lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô

Giá dầu giảm mạnh tác động trực tiếp, làm giảm tới nhóm giao thông và nhóm dịch vụ điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng…. Từ đó, làm giảm áp lực lên CPI (hiện nay, xăng dầu có quyền số chiếm tỷ trọng 4% trong rổ tính CPI). Bên cạnh đó, việc giảm giá xăng dầu cũng tác động tới nhóm giao thông (quyền số 9,37%); đồng thời có tác động gián tiếp đến nhóm lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình (nhóm có quyền số lớn nhất trong rổ hàng hóa tính CPI- 36,12%), góp phần ổn định biến động của nhóm này.

Theo các chuyên gia kinh tế, với giả thiết thời gian có hiệu lực của biện pháp giảm thuế bảo vệ môi trường là từ ngày 01/4/2022 và giá bán lẻ xăng dầu trong nước ổn định ở mức hiện tại trong 9 tháng còn lại của năm 2022 thì ước tác động của biện pháp giảm thuế giúp giảm CPI bình quân năm 2022 khoảng 0,67%.

Không ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách và các không làm ảnh hưởng đến mục tiêu bảo vệ môi trường trong ngắn hạn

Thực tiễn quá trình lấy ý kiến dự thảo nghị quyết cũng có nhiều quan điểm cho rằng, việc giảm quá nhiều thuế/phí xăng dầu có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thực tế là nguồn thu từ dầu thô từ đầu năm cho đến nay tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ (do giá xuất khẩu dầu thô tăng). Do vậy, nếu nguồn thu từ các loại thuế, phí cố định trên giá xăng dầu bị giảm do các chính sách điều tiết mới, thì sẽ được cân đối một phần bởi nguồn thu từ dầu thô xuất khẩu. Việt Nam vừa nhập khẩu xăng dầu nhưng lại là nước xuất khẩu dầu thô nên khá trung lập về nguồn thu. Thực tế trong 2 tháng đầu năm nay cũng cho thấy, nguồn thu ngân sách vẫn tăng mạnh và vượt do với dự toán đề ra.

Còn dước góc độ thực hiện các mục tiêu, cam kết về bảo vệ môi trường của Việt Nam, theo các chuyên gia và đánh giá của Bộ Tài chính, trong ngắn hạn, việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong năm 2022 sẽ không làm ảnh hưởng đến mục tiêu bảo vệ môi trường của chính sách thuế bảo vệ môi trường do mức gia tăng tiêu thụ xăng dầu sẽ không quá lớn. Bởi nền kinh tế – xã hội vẫn còn đối mặt nhiều nguy cơ tiềm ẩn do tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Đồng thời, trong các khuôn khổ FTA và các diễn đàn đa phương có sự tham gia của Việt Nam hiện không có các cam kết bắt buộc liên quan đến việc kiểm soát tiêu thụ xăng dầu. Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn không vi phạm cam kết quốc tế về môi trường mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu, Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu.

Thiết nghĩ, trong điều kiện sản xuất kinh doanh mới bước đầu được phục hồi, kinh tế – xã hội đang hoạt động trở lại thì việc giảm mạnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là rất cần thiết, cấp bách và có nghĩa đặc biệt quan trọng. Điều này không chỉ góp phần thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế mà còn hạn chế tối đa việc giá cả tăng cao tác động tiêu cực đến đời sống sinh hoạt, việc làm của người dân vốn đã rất khó khăn sau hơn 2 năm chống chọi với đại dịch.

Thực hiện: Diệu Hương

Đồ họa: M.N

Bài mới
Đọc nhiều