Khi chiến công ngăn chặn tội phạm ma túy phải đổi bằng máu!
Tuyến biên giới Việt – Lào trải dài từ tỉnh Điện Biên tới Kom Tum nói chung và đoạn qua tỉnh Nghệ An nói riêng, từ trước đến nay là địa bàn mà tội phạm ma túy thường lựa chọn để giao dịch, thẩm lậu qua biên giới.
Trong nỗ lực ngăn chặn “hàng trắng” từ nước ngoài về Việt Nam, không ít cuộc đấu súng đã diễn ra trên biên giới, trong đó có cả những chiến công phải đổi bằng máu của cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an.
1. Nghệ An được Bộ Công an xác định là địa bàn trọng điểm về ma túy. Toàn tỉnh hiện còn 402/480 xã, phường, thị trấn có ma túy, hơn 7.000 người nghiện có hồ sơ kiểm soát. Số liệu thống kê trong 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy, chỉ tính riêng tại “điểm nóng” Nghệ An, đã phát hiện, bắt giữ 753 vụ, 900 đối tượng phạm tội về ma túy. Tang vật thu giữ gồm 18,3 kg heroin; 2,7 kg và 144.529 viên ma túy tổng hợp; 739,9 kg ma túy dạng đá; 65,3 gam cần sa, 802 gam thuốc phiện. Tổng khối lượng ma túy thu giữ hơn 776 kg.
Tình trạng ma túy thẩm lậu qua tuyến biên giới Việt – Lào vào Nghệ An còn tiềm ẩn lớn. Trong đó, đã phát hiện, triệt xóa 39 đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy với số lượng lớn, bắt 68 đối tượng. Trong số này, có 2 đường dây ma túy cực lớn, có người nước ngoài tham gia và có dấu hiệu hoạt động xuyên quốc gia đã bị triệt xóa.
Ngoài ra, Công an Nghệ An đã tổ chức tấn công vũ trang, đẩy đuổi 5 nhóm đối tượng mang theo vũ khí “nóng” tổ chức mua bán trái phép chất ma túy ở khu vực biên giới, bắt và xử lý 9 đối tượng, phá dỡ 5 lán tạm cùng nhiều tang vật, vũ khí nóng dùng để giao dịch mua bán ma túy và chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết, so với những năm trước đây, tình hình ma túy trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời gian gần đây có những diễn biến phức tạp. Tội phạm ma túy ngày càng liều lĩnh, manh động hơn và số lượng ma túy phát hiện cũng nhiều hơn so với trước đây. Tuy nhiên, không có tình trạng sản xuất ma túy diễn ra trên địa bàn mà ma túy chủ yếu là thẩm lậu qua tuyến biên giới Việt – Lào.
Chính vì vậy, trong thời gian qua, thực hiện kế hoạch đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên tuyến biên giới hai nước do Bộ Công an Việt Nam và Bộ An ninh Lào phối hợp phát động (tháng 4-2019), Công an Nghệ An đã tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên tuyến biên giới. Trong quá trình đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm, quên mình vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, tội phạm ma túy qua biên giới rất manh động, liều lĩnh. Chúng thường mang theo vũ khí nóng trong mỗi lần giao dịch, chống trả quyết liệt lực lượng chức năng khi bị phát hiện. Mặc dù có rất nhiều kinh nghiệm đấu trí với loại tội phạm này, song trước sự liều mạng của tội phạm ma túy xuyên quốc gia, trong nỗ lực ngăn chặn “cái chết trắng” tràn qua vùng biên, đã có những trận đánh giáp lá cà diễn ra, thậm chí đã có những trận đấu súng sinh tử. Dĩ nhiên, chiến thắng luôn thuộc về những người thực thi công lý nhưng trong những chiến công ấy, có khi đã phải đổi bằng máu.
2. Chúng tôi gặp Trung úy Nguyễn Văn Lập, cán bộ Đội Điều tra tổng hợp, Công an huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) – người đã không ít lần phải đổ máu ở biên giới để đẩy đuổi tội phạm ma túy ra khỏi địa bàn – khi anh vượt hơn 200km từ huyện biên giới Kỳ Sơn về TP Vinh để nhận danh hiệu “Gương mặt đoàn viên Công an tỉnh Nghệ An tiêu biểu năm 2019”.
Mặc dù chỉ mới gần 5 năm tuổi nghề nhưng công tác ở địa bàn đặc thù biên giới như huyện Kỳ Sơn, mỗi năm phải trực tiếp đấu tranh với hàng trăm vụ việc liên quan đến tội phạm ma túy tràn sang từ bên kia biên giới, Trung úy Lập đã có không ít kinh nghiệm để khẳng định được mình trên “tuyến lửa” đầy cam go và nguy hiểm này.
Đối với tội phạm ma túy ở vùng biên giới, để bảo vệ “hàng”, trong mỗi lần giao dịch chúng thường xuyên mang vũ khí nóng như súng tự chế, lựu đạn để chống trả khi bị lực lượng chức năng phát hiện. Mặc dù luôn đề phòng với tình huống này, song trước sự xảo quyệt và diễn biến khó lường của các đối tượng, quá trình đẩy đuổi, truy bắt vẫn có lúc những chiến sĩ CAND Việt Nam phải chấp nhận đổ máu để giữ bình yên địa bàn.
Ngày 10-3-2019, khi phá một chuyên án, Trung úy Nguyễn Văn Lập và đồng đội đã bị đối tượng Và Pa Cô (sinh năm 1968, trú tại xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn) chống trả quyết liệt, dùng báng súng gây bị thương ở vùng mặt, làm gãy 3 cái răng. Đây là đối tượng nằm trong diện theo dõi từ nhiều tháng nay, y thường chọn khu vực biên giới để ẩn mình nên rất khó bắt giữ.
Trước thông tin về việc Và Pa Cô sẽ giao dịch hàng với số lượng lớn vào tối cùng ngày, Ban chuyên án đã quyết tâm phá án, bắt bằng được đối tượng. Mặc dù đã lên phương án ngăn ngừa việc đối tượng manh động chống trả khi luôn thủ sẵn súng, đạn đã lên nòng, dao nhọn và có cả lựu đạn, song khi đối tượng đang giao dịch, Trung úy Lập cùng Trung sĩ Moong Công Tiến ập vào, Và Pa Cô vẫn điên cuồng chống trả, cố vùng vẫy, liều lĩnh tìm mọi cách thoát thân.
Bị thương nhưng cả Trung úy Lập và Trung úy Tiến vẫn nén cơn đau, phối hợp quật ngã, khống chế thành công đối tượng. Tang vật thu giữ gồm 300 viên ma túy tổng hợp, 25 gam heroin, 1 quả lựu đạn, 1 súng carbine có đạn đã lên nòng sẵn, 1 khẩu súng kíp và 1 con dao nhọn.
Trước đó, vào tháng 6-2017, quá trình vây bắt Lô Văn Nang (SN 1985, trú tại bản Khe Tang, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn) – đối tượng mua bán trái phép chất ma túy bị nhiễm HIV giai đoạn cuối, Trung úy Nguyễn Văn Lập và Thiếu úy Vừ Bá Chày cũng bị đối tượng sử dụng dao nhọn và súng tự chế chống trả quyết liệt khiến anh bị thương, dính máu của đối tượng. Sau khi khống chế thành công Lô Văn Nang, Trung úy Lập cùng đồng đội đã phải uống thuốc chống phơi nhiễm HIV.
Trung úy Nguyễn Văn Lam, cán bộ Đội Cảnh sát Hình sự – Kinh tế – Ma túy, Công an huyện Tương Dương cũng đã nhiều lần phải uống phơi nhiễm HIV và không ít lần nhập viện điều trị sau mỗi chuyên án đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt – Lào. 1 lần anh bị ném lựu đạn, 4 lần đổ máu trong lúc “giáp lá cà” với tội phạm, còn số lần chạm trán với những kẻ buôn ma túy ở biên giới thì “đếm không xuể”.
Lần đánh án đáng nhớ nhất của Trung úy Lam, có lẽ là lần bắt giữ tên tội phạm Lương Ba Duy (SN 1986, trú tại xã Yên Na, huyện Tương Dương). Đây là ông trùm mang lệnh truy nã, bản thân nhiễm HIV, sau nhiều năm lẩn trốn, y đã chọn khu vực biên giới lập lô cốt tại nhà riêng để làm “đại bản doanh”, với hệ thống hầm kiên cố, có camera an ninh để quan sát, bên trong chứa cả một kho vũ khí, sẵn sàng nhả đạn chống trả.
Việc thâm nhập được điểm nóng này gần như là điều bất khả thi. Mặc dù vậy, trong một lần Lương Ba Duy sơ hở, ra ngoài gặp người tình, Trung úy Lam cùng đồng đội đã hóa trang, tiếp cận và quật ngã đối tượng. Dù bị động, bất ngờ song Duy và người tình vẫn chống trả quyết liệt, bị kẹt tay vào giữa hai cánh cửa, Trung úy Lam vẫn xoay xở để tước súng trên tay đối tượng. Kết thúc chuyên án, 2 chiến sĩ đã phải nhập viện điều trị và uống thuốc chống phơi nhiễm HIV.
Một lần khác, khi truy bắt “ông trùm” cõng 2 lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm Kha Thanh Tài (SN 1976, trú tại bản Cửa Rào 1, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương) tại khu vực “điểm nóng” Dốc Mới, mặc dù bị trúng đạn ở chân, song Trung úy Lam vẫn cắn răng chịu đau, cùng đồng đội truy bắt thành công đối tượng ngay giữa rừng sâu, triệt xóa tụ điểm ma túy nhức nhối tại Dốc Mới.
Nếu như cuộc chiến chống tội phạm ma túy thẩm lậu từ bên kia biên giới ở tuyến Tây Nam Nghệ An (Quốc lộ 7A) được xác định là nóng bỏng, thường trực thì ở tuyến Quốc lộ 48 (khu vực Tây Nam xứ Nghệ), địa đầu là huyện Quế Phong cũng khốc liệt không kém. Với chiều dài đường biên hơn 73km, ở khu vực giáp biên, lợi dụng địa hình rừng núi hiểm trở, các đối tượng người Mông từ bên kia biên giới cấu kết với các đối tượng người Việt hình thành từng tốp nhỏ lẻ xâm nhập sâu vào nội biên thực hiện hành vi mua bán trái phép ma túy lưu động.
Cũng như tội phạm ma túy ở các khu vực biên giới khác, tại “điểm nóng” này, trong quá trình đấu tranh, lực lượng chức năng thường vấp phải sự kháng cự quyết liệt, chúng sẵn sàng xả súng để bảo vệ hàng, bảo vệ đồng bọn và mở đường thoát thân khi bị phát hiện.
Cho đến bây giờ, Thượng úy Lê Văn Tuấn, cán bộ Công an huyện Quế Phong (Nghệ An) vẫn nhớ như in sự việc xảy ra trong khi anh làm nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt – Lào, trong nỗ lực ngăn chặn nhóm tội phạm vận chuyển số lượng ma túy cực lớn vào Việt Nam, anh đã bị trúng 2 phát đạn từ đồng bọn của nhóm đối tượng mà anh đang truy bắt.
Đó là thời điểm khoảng đầu tháng 8-2016, Công an huyện Quế Phong phát hiện một số đối tượng nghi vấn người nước ngoài thường xuyên đưa ma túy sang bán tại khu vực đồi núi bản Mường Phú, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong nên đã lên kế hoạch đấu tranh, triệt xóa. Chiều 16-9, khi lực lượng đánh án phát hiện 2 đối tượng mang theo khoảng 20 bánh heroin theo đường tiểu mạch từ Lào xâm nhập Việt Nam tại khu vực rừng núi xã Thông Thụ nên đã triển khai phương án vây bắt.
Bất ngờ, một đối tượng khác xuất hiện dùng súng AK bắn xối xả vào lực lượng vây bắt để giải vây cho đồng phạm nhằm tẩu tán tang vật, làm đồng chí Tuấn bị trúng 2 viên đạn. Dù bị thương, anh vẫn cố gắng ôm được một đối tượng cho đến khi các đồng đội hỗ trợ bắt giữ. Đối tượng còn lại cũng sa lưới ngay sau đó.
Nhắc đến những lần đấu súng với tội phạm ma túy ở các huyện biên giới miền Tây xứ Nghệ, có thể kể đến sự dũng cảm của Đại úy Nguyễn Đức Cường và Thượng sĩ Lê Viết Hùng, cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an Nghệ An, trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng đối tượng người Lào xâm nhập trái phép vào Việt Nam, dẫn đến cuộc đấu súng cân não trên đường biên vào năm 2010. Mặc dù bị đạn xuyên thủng bụng và xuyên cánh tay nhưng hai chiến sĩ vẫn kiên quyết bắt giữ đối tượng và bảo vệ tang vật vụ án.
Hay như mới đây nhất, vào tháng 6-2018, trong nỗ lực bắt giữ nhóm đối tượng vận chuyển 20 bánh heroin, 7 kg ma túy tổng hợp, 12.000 viên ma túy tổng hợp từ Lào về Việt Nam qua biên giới huyện Kỳ Sơn, Trung úy Nguyễn Đình Tài (Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An) bị trúng 2 phát đạn vào vùng bụng và Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng (trinh sát ma túy của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam) bị 1 viên đạn găm vào vai. Đến nay, trải qua 2 ca phẫu thuật, dù tính mạng không còn bị đe dọa nhưng Trung úy Tài phải ngồi xe lăn do 1 viên đạn xuyên qua cột sống.
Cuộc chiến chống tội phạm ma túy thẩm lậu trên tuyến biên giới Việt – Lào sẽ còn nhiều cam go, thử thách. Song, những khó khăn đó không vì thế mà làm chùn bước những trinh sát phòng, chống ma túy đang ngày đêm thầm lặng hi sinh vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
Sự ghi nhận từ đồng đội, quần chúng nhân dân và sự động viên kịp thời của các cấp, các ngành và lãnh đạo Bộ Công an trong mỗi chiến công chính là nguồn động viên những chiến sĩ Công an nhân dân tiếp tục dấn thân, không chỉ bảo vệ vững chắc biên cương mà còn từng bước đẩy lùi, ngăn chặn tình trạng ma túy thẩm lậu qua biên giới Việt – Lào.
(Theo An Ninh Thế Giới)