Khi cán bộ Sài Gòn bật đèn xanh cho xây dựng không phép
Phải chăng, việc xử lý kỷ luật cán bộ có trách nhiệm như “gãi ngứa” khiến tình trạng xây dựng không phép, sai phép ngày càng tràn lan và diễn biến phức tạp?
Dư luận đang muốn biết lý do vì sao tình trạng mất trật tự xây dựng ngày càng nghiêm trọng là vụ anh em nhà “quan” Lê Hữu Thành (Phó Chủ tịch thường trực HĐND quận Thủ Đức) và ông Lê Ngọc Quý (Trưởng Phòng Tư pháp quận Thủ Đức) bị người dân tố cáo xây dựng không phép nhiều công trình trên hàng ngàn mét vuông ở phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh tồn tại nhiều năm không bị xử lý.
Sài Gòn nát vì xây dựng không phép
Liên quan đến câu chuyện nhà “quan” Lê Hữu Thành –Phó Chủ tịch thường trực HĐND quận Thủ Đức có nhiều công trình sai phép, không phép tồn tại nhiều năm mặc cho dư luận phản ánh, người viết có đọc được thêm một bài có tiêu đề “Xây dựng trái phép tràn lan ở TP Hồ Chí Minh” trên báo điện tử VnExpress và nhiều thông tin trên các báo khác cho thấy vấn đề vi phạm trật tự xây dựng ở địa phương này đang là vấn đề nóng và trở thành vấn nạn. Theo thông tin từ bài báo thì từ trung tâm Sài Gòn đến các quận/huyện vùng ven, mỗi ngày có 7 vụ xây dựng trái phép, trong đó có cả những công trình biệt thự, khách sạn 5-6 sao. Hơn 2.000 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng bị phát hiện, tính từ đầu năm đến tháng 10, theo thống kê của Sở Xây dựng TP. Trong đó phần lớn tập trung tại huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, Thủ Đức – khu vực đô thị hóa nhanh.
Riêng ở quận Thủ Đức, sai phạm tăng đột biến: Trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng số công trình xây dựng không phép là 168 trường hợp, tăng 139 trường hợp so với cùng kỳ năm trước. Còn tại địa bàn phường Hiệp Bình Chánh (nơi có 7 công trình xây dựng không phép của gia đình ông Lê Hữu Thành), số công trình xây dựng không phép là 82 trường hợp, tăng 69 trường hợp, tăng hơn 530% so với năm trước. Để khách quan hơn, xin dẫn một con số thông kê khác từ tổng hợp của UBND TP Hồ Chí Minh, trong năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, tổng số công trình xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng và công trình xây dựng không phép nhưng đủ điều kiện cấp phép xây dựng là 4.252 trường hợp, chiếm khoảng 62,3% tổng số công trình vi phạm trên địa bàn thành phố.
Cũng trong thời gian này, tổng số công trình xây dựng không phép không đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn thành phố là 2.573 trường hợp, chiếm tỷ lệ 73,5% trên tổng số công trình xây dựng không phép.
Mở rộng vấn đề ra, chuyện xây dựng không phép không chỉ riêng ở Sài Gòn, mà nó diễn ra hầu hết ở khắp các tỉnh/thành trên cả nước. Điển hình mới đây câu chuyện xây dựng sai phép ở Khánh Hòa. Hoặc, chuyện “biệt phủ ở Đèo Hải Vân”, chỉ đến khi gần hoàn thành chính quyền mới phát hiện… Và dù hậu quả để lại rất nặng nề, nhưng cũng chỉ mấy anh thanh tra xây dựng, kiểm lâm bị kiểm điểm. Tất cả vẫn là “lỗi anh đánh máy”. Tại Hà Nội, người dân biết và phanh phui không ít dự án lớn xây dựng không phép, sai phép. Ngay tại Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm, có chủ đầu tư ngang nhiên xây dựng không phép cả tổ hợp chung cư lớn, giữa chừng mới hợp thức hóa hồ sơ, sau đó lại tiếp tục xây dựng sai phép..v..v.
Dĩ nhiên, ở TP Hồ Chí Minh, chuyện xây dựng không phép, sai phép tại trở thành chủ đề trọng tâm trong nhiều hội nghị của Thành ủy Thành phố cũng như diễn đàn HĐND Thành phố tại kỳ họp lần thứ 15 diễn ra vừa qua. Nhiều khía cạnh của tình trạng này đã được đưa ra phân tích, mổ sẻ, tuy nhiên một câu hỏi đặt ra ở đây là “con voi sao dễ lọt lỗ kim” đến vậy?
Chỉ khi quan “bật đèn xanh”
Việc xây dựng không phép, sai phép không xa lạ với người dân, nhưng vụ việc này trở nên bức xúc bởi người thực hiện là “quan”, công trình vô tư tồn tại nhiều năm, bất chấp đơn thư tố cáo, công luận lên tiếng. Chính câu chuyện Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phải xuống tận nơi kiểm tra, yêu cầu xử lý khu nhà xưởng rộng hơn 1.800 m2 của gia đình ông Lê Hữu Thành – Phó chủ tịch thường trực HĐND quận Thủ Đức tồn tại trái phép suốt 7 năm đã phần nào cho thấy vấn đề nghiêm trọng đến mức nào.
Nguyên nhân của tình trạng trên cũng được các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh viện dẫn, từ chủ khách quan đến chủ quan. Đó là do quy định của pháp luật; do đặc thù của thành phố với tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số cơ học tăng cao; ý thức chấp hành quy định pháp luật chưa cao của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng…Song song đó là sự quản lý không chặt chẽ từ chính quyền địa phương, công chức được phân công quản lý địa bàn chưa làm hết trách nhiệm, trình độ chuyên môn còn hạn chế; còn tình trạng công chức cố tình bông lỏng quản lý địa bàn để công trình vi phạm trật tự xây dựng chậm xử lý hoặc không bị xử lý.
Cùng với đó là sự phối hợp trong quản lý trật tự xây dựng giữa các cơ quan chức năng, địa phương với lực lượng Thanh tra Sở Xây dựng còn vất cập; việc giám sát của chính quyền địa phương về trật tự xây dựng còn chưa chặt chẽ, thiếu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan cấp trên. Một số địa phương còn tình trạng buông lỏng quản lý, dẫn đến một số trường hợp công trình xây dựng vi phạm không được phát hiện, xử lý kịp thời.
Liên quan vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình từng các nhận: “Tình trạng xây dựng không phép, sai phép trong thời gian qua nguyên nhân từ sự yếu kém trong phối hợp giữa các đơn vị, trong đó có Thanh tra Sở Xây dựng và quản lý trật tự đô thị quận huyện. Bên cạnh đó, việc chấp hành pháp luật của các chủ đầu tư còn nhiều hạn chế, ngay cả nhà thầu xây dựng và đơn vị giám sát dự án cũng làm chưa tốt”. “Một trường hợp khác xin giấy phép xây 3 căn nhưng hai năm sau thành 19 căn. Thậm chí, một công ty thương mại hợp khối công trình nhà ở thành chung cư hơn 200 hộ dân với 645 nhân khẩu đang ở.
Tức là, một người làm cả chung cư cho hàng trăm hộ dân ở thì rõ ràng là chính quyền buông quản lý chứ không phải không biết” – Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói.
Nói thẳng ra, nhiều sai phạm về trật tự xây dựng như Bí Thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói, trong đó có trường hợp của Phó chủ tịch thường trực HĐND quận Thủ Đức Lê Hữu Thành cho thấy nó xuất phát từ sự lên ngôi của chủ nghĩa cá nhân, kéo theo sự xuống cấp đạo đức của cán bộ. Cùng với đó là sự “bật đèn xanh” cho sai phạm của những người có trách nhiệm có liên quan. Quả thật, đây đúng là “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, nhưng đáng tiếc, nó theo hướng… phá luật! Do đó, lo ngại hơn cả, không chỉ là hiện trạng nhốn nháo trong xây dựng, mà vấn đề là kỷ cương phép nước không được tôn trọng, hệ thống chính quyền đã bất lực.
Để chấm dứt tình trạng xây dựng sai phép, không phép, lập lại trật tự xây dựng, mỹ quan đô thị cho Thành phố, cần phải thực hiện kiên quyết, đầy đủ các quy định của pháp luật trong xử lý vi phạm như công tác cưỡng chế, cho đến việc xử lý hình sự với các cá nhân, tổ chức.
Hơn nữa, nếu không xử lý nghiêm minh, đến nơi đến chốn những cán bộ sai phạm như trường hợp ông Lê Hữu Thành, cùng những cán bộ thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu “bao che” cho ông, thì sẽ không tạo sức răn đe cần thiết và tuyên truyền trong nhân dân.
Sông Trà