+
Aa
-
like
comment

Khi các di tích bị xâm hại – chính quyền đã ở đâu?

08/10/2019 18:34

Di tích, di sản là tài sản vô giá của đất nước, là “bức thông điệp” của cha ông gửi lại cho thế hệ mai sau để nuôi dưỡng bản sắc văn hóa dân tộc. Thế nhưng thời gian gần đây, hiện tượng lãng quên, bỏ phế và xâm phạm các di tích, di sản vì lợi ích riêng đang ngày càng nhiều, khiến dư luận hết sức bức xúc.

Có hay không sự thờ ơ của các địa phương với di sản, thắng cảnh?

Toà nhà bê tông được xây làm nhà nghỉ, nhà hàng, cafe… ngay trên hẻm vực Tu Sản, ở đèo Mã Pì Lèng từ năm 2018, đưa vào sử dụng đầu 2019. Nhà cao 6 tầng, nằm thoải theo sườn đèo, có 5 ban công lớn để du khách ngắm cảnh. Vụ việc này đã được dư luận đặc biệt quan tâm trong tuần vừa qua, những sai phạm của công trình này đã nhiều báo chí được đề cập tới.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, công trình chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chủ đầu tư chưa được cấp giấy chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư, xây dựng.

Công trình xây trái phép trên đèo Mã Pì Lèng.
Công trình xây trái phép trên đèo Mã Pì Lèng.

Chiều 5/10, bà Mua Hồng Sinh, Phó chủ tịch huyện Mèo Vạc, nói “có trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền” khi để công trình xây trái phép trên đèo Mã Pì Lèng. Tuy nhiên, bà Sinh giải thích, từ khi nhà hàng, nhà nghỉ Panorama bắt đầu xây dựng, huyện đã nhiều lần đến kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công để hoàn thiện các thủ tục theo quy định.

Thế nhưng, cho đến nay công trình đã hoàn thành, đi vào hoạt động mà chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện các giấy tờ cần thiết.

Phó chủ tịch huyện Mèo Vạc cho hay, nhà hàng nằm trên đất nông nghiệp, chưa được cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất thổ cư, xây dựng là vi phạm pháp luật. Khu đất này nằm ở vùng ven danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng, người dân làm nhà ở riêng lẻ thì huyện có thẩm quyền cấp phép. Nếu người dân xây dựng công trình với mục đích khác thì phải làm hồ sơ thiết kế, để các sở, ngành thẩm định về mật độ xây dựng, chiều cao, số tầng.

“Nhà hàng nằm ngay trên hẻm vực Tu Sản là vị trí đẹp nhất đèo Mã Pì Lèng. Sai phạm của chủ đầu tư là không làm hồ sơ thiết kế để các cơ quan thẩm định xem có phù hợp với cảnh quan, môi trường hay không”, bà Sinh nói.

Huyện Mèo Vạc sẽ tiếp tục yêu cầu chủ đầu tư nhà hàng, nhà nghỉ Panorama khẩn trương hoàn thiện hồ sơ công trình để các cấp thẩm định. Nếu chủ đầu tư không hoàn thiện được các giấy phép thì huyện sẽ có biện pháp xử lý. “Hiện chưa thể trả lời công trình có bị tháo dỡ hay không”, bà Sinh nói.

Có thể khi lập quy hoạch vùng danh thắng Mã Pì Lèng, các nhà làm quy hoạch không thấy được các công trình khu vực đèo tác động trực tiếp tới di sản. Nhưng các cơ quan quản lý di sản, quản lý xây dựng trên địa bàn huyện Mèo Vạc, các sở Xây dựng, Tài nguyên–Môi trường, Văn hóa-Thể thao&Du lịch tỉnh Hà Giang phải nhận diện được việc xây dựng các công trình này tác động xấu đến cảnh quan thiên nhiên danh thắng Mã Pì Lèng.

Cơ quan quản lý nhà nước phải đánh giá được các tác động tới di sản chứ không phải cứ ngoài vùng bảo vệ di sản thì người dân, doanh nghiệp muốn xây gì cũng được. Việc để xảy ra sai phạm phần lớn là do công tác quản lý đầu tư xây dựng, bảo vệ di sản, thắng cảnh tại địa phương không chặt chẽ.

Trong quá trình Mã Pì Lèng Panorama xây dựng, lãnh đạo huyện Mèo Vạc nhiều lần đến kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công để hoàn thiện các thủ tục theo quy định. Nhưng đến nay công trình đã hoàn thành, vào hoạt động mà chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện các giấy tờ cần thiết.

Vậy khi chưa có bất kể một giấy tờ nào cần thiết cho phép công trình 7 tầng được xây dựng, lãnh đạo huyện Mèo Vạc cũng chỉ biết đi kiểm tra, yêu cầu dừng. Vậy những lời yêu cầu của cấp lãnh đạo không khiến cho chủ đầu tư thấy có sức nặng. Bởi kết quả là công trình vẫn xây dựng đúng theo tiến độ, vẫn hoàn thành và vẫn tiếp tục đi vào hoạt động, đón khách, khai thác du lịch.

Khi di tích bị xâm hại – chính quyền đã ở đâu?

Một trong những đặc điểm chung của những vụ xâm phạm di tích – di sản đó là được xây dựng với quy mô lớn, thời gian xây dựng kéo dài và không có giấy phép xây dựng nhưng lại không hề bị “tuýt còi” ngay từ đầu. Chỉ đến khi công trình sắp hoàn thành hoặc đã đưa vào hoạt động và bị báo chí lẫn người dân phản ánh lúc đó chính quyền địa phương mới biết?

Trong khi đó, theo quy định chung của Việt Nam, di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt cấp, di tích quốc gia… đều được phân cấp cho các địa phương quản lý.

Có thể nói việc ngang nhiên vi phạm Luật Di sản văn hóa, tự ý trùng tu xây dựng mới hàng loạt công trình trong phạm vi “được bảo vệ đặc biệt” của Di sản quốc gia, Di sản quốc gia Hạng đặc biệt, thậm chí là Di sản Thiên nhiên thế giới đã được UNESCO công nhận không chỉ mới diễn ra.

Trước đó, đã có nhiều công trình như: Trùng tu Chùa Trăm Gian năm 2012; Trùng tu Lăng Ngô Quyền, xã Đường Lâm năm 2014; Công trình xây dựng chùa không phép tại chùa Hương năm 2015;… Tuy nhiên, hành vi xâm phạm trái phép đó dường như không có thiên hướng giảm, ngược lại ngày càng có nhiều vụ việc xâm hại di tích, với tính chất nghiêm trọng, trắng trợn hơn.

Gần đây nhất, người dân cả nước một lần nữa xôn xao về vụ việc vùng lõi quần thể danh thắng Tràng An-Di sản Thiên nhiên thế giới-thuộc địa bàn xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) được bảo vệ nghiêm ngặt song vẫn bị Công ty Cổ phần du lịch Tràng An (Ninh Bình) xâm hại khi xây dựng trái phép hàng nghìn bậc thang lên núi Cái Hạ (còn gọi là núi Huyền Vũ).

Cụ thể, vào tháng 8/2017, Công ty Cổ phần du lịch Tràng An tiến hành xây dựng cây cầu lên đỉnh núi Huyền Vũ, với chiều dài khoảng 1.115m, trên 2.000 bậc. Vị trí xây dựng nằm sâu bên trong khu du lịch Tràng An.

Hình ảnh tháp Đôi (phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) và cụm tháp Bánh Ít (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) trong quần thể tháp Chăm cổ bị xâm hại. Cụ thể, cơ quan quản lý di tích đã cho khoan lên tường gạch, mặt tháp, bắt vít sắt khung sắt để treo biển quảng cáo du lịch.

Việc làm trên bị phản ứng gay gắt, nhiều người cho rằng, việc quảng bá sản phẩm du lịch là cần thiết nhưng khoan gạch cổ vừa làm mất thẩm mỹ vừa xâm hại đến kết cấu mấy trăm năm của khối gạch cổ. Đây là hành vi xâm hại di tích.

Cần phải khẳng định rằng, việc nhiều di tích bị xâm hại, trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước. Việc xử lý sai phạm chỉ quyết liệt trên văn bản, giấy tờ mà thiếu sự quyết liệt trên thực tế. Đã đến lúc phải xem xét lại trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý để xảy ra vi phạm, gây tổn hại đến những di tích là vốn quý của quốc gia. Để bảo vệ di tích, di sản văn hóa, các cơ quan quản lý nhà nước cần quyết liệt thực thi pháp luật để xử lý sai phạm.

Bảo vệ di tích cũng là góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và cũng để sau này con cháu nhớ về lịch sử hình thành quê hương, nhớ về tổ tiên.

Phạm Minh Hà

Bài mới
Đọc nhiều