Khi các chiến sỹ công an “quên” đi Bộ Luật lao động!
Theo Bộ Luật lao động năm 2019, có hiệu lực từ 1/1/2021, thời gian lao động bình thường sẽ là 8 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần, trong khi thời gian làm thêm giờ không quá 50% số giờ làm việc bình thường trên ngày.
Thế nhưng nhiều cán bộ, chiến sỹ công an trong thời gian qua đã “bỏ quên” Bộ Luật Lao động này, mặc dù họ đang là những con người bảo vệ pháp luật. Họ bám trụ sở bất kể ngày đêm để làm thẻ căn cước cho nhân dân. Họ không cần biết đến khái niệm thời gian lao động bình thường hay thời gian làm thêm giờ mà cũng chẳng quan tâm đến phụ cấp làm thêm mà chỉ chăm chăm “đè” tay người dân ra để lấy vân. Cũng chẳng ai mời họ đến nhưng những cán bộ, chiến sỹ công an đó lại rồng rắn đến những nhà người dân già, neo đơn, khuyết tật, ở vùng sâu vùng sa, vùng khó khăn để giúp người dân làm căn cước. Thậm chí, có em bé đến làm căn cước tròn 14 tuổi xong về “giận” luôn bố mẹ bởi bố mẹ chưa kịp mua bánh chúc mừng sinh nhật thì mấy chú công an đã làm rồi. Rồi còn bánh kẹo, hoa quả, nước non, các chiến sỹ công an cũng tự dùng tiền của mình để mua và mời khi xin phép ý kiến người dân, để mấy chị đi làm căn cước về cứ làu bàu rằng đã lên kg mà cứ bày bánh kẹo ra làm chi.
Có những hình ảnh khuất mà chúng ta khó thấy. Đó là những bữa ăn vội vàng với cái bánh bao, với suất cơm hộp đã nguội lạnh từ bao giờ. Đó là những giấc ngủ rất ngắn, bất chấp giờ hành chính hay ngoài giờ của cán bộ, chiến sỹ công an khi người dân đến thưa dần bởi khi giật mình tỉnh dậy, một là lại lấy vân tay, hai là lại ngồi kỳ cạch nhập dữ liệu. Thậm chí, cũng chẳng biết công đoàn công an có biết không, chứ bà con thương các chú ấy lắm. Thế là bà con “giận” công đoàn công an, tự mình nấu cơm, nấu nước phục vụ cho cán bộ, chiến sỹ công an làm căn cước. Vì vậy, một vài câu chuyện không hay, một vài hình ảnh chưa đẹp trong khi làm căn cước không thể phủ nhận nỗ lực của toàn ngành công an trong chiến dịch làm căn cước lần này, khi họ hết mình vì muốn nhân dân sớm được hưởng lợi ích từ chiếc thẻ căn cước mới.
Thực sự, với tư cách là một công dân tương đối gương mẫu, nhưng tôi chẳng biết nên làm gì trước những trường hợp “bỏ quên” Bộ Luật lao động một cách nghiêm trọng, kéo dài và có hệ thống như thế này nữa.
Đông Kinh
* Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả