+
Aa
-
like
comment

Khi Bộ trưởng trăn trở “tiêu diệt” những cái chết còn hơn cả khủng bố, chiến tranh

Thu An - 22/07/2020 11:13

Nỗi đau tai nạn giao thông (TNGT) thật khủng khiếp, bởi mỗi năm số người chết, người bị thương nhiều hơn cả khủng bố, chiến tranh. Máu đổ ngày càng nhiều và mỗi năm lại thêm những người mẹ mất con, vợ mất chồng và con mất cha. Nỗi đau nào cũng như cứa da, xé thịt và những giọt nước mắt mãi là nỗi ám ảnh lương tri mỗi con người. Vấn đề đặt ra là, tại sao nỗi đau này kéo dài suốt những năm qua mà không có biện pháp ngăn cản?

Mỗi ngày, ở Việt Nam có trung bình 24 người ra khỏi nhà vào buổi sáng và sẽ không bao giờ trở về nhà. Mỗi ngày có trung bình 60 người ra khỏi nhà lành lặn, về nhà với thương tật trên người, thậm chí tàn phế suốt đời. Chỉ tính trong năm 2019, cả nước ta xảy ra 17.626 vụ TNGT, bao gồm 9.229 vụ TNGT từ ít nghiêm trọng trở lên và 8.397 vụ va chạm giao thông, làm 7.624 người chết, 13.624 người bị thương và 8.528 người bị thương nhẹ. Chỉ trong tháng 1/2020, đường bộ xảy ra 686 vụ tai nạn, làm chết 577 người, bị thương 353 người. Mặc dù, giảm 138 người so với cùng kỳ, nhưng như vậy vẫn mang theo biết bao bi kịch của hàng vạn gia đình. Ẩn chứa sau những con số đó là những cái chết tức tưởi, đau đớn, bàng hoàng chỉ trong tích tắc.

Nếu so sánh thì con số thương vong do tai nạn giao thông trong 2 năm ở Việt Nam đã bằng 15.158 người chết toàn cầu do dịch Ebola (2014 – 2016) gây ra. Hay gần nhất là với dịch bệnh Corona thì nó còn khủng khiếp hơn rất nhiều bởi mặc dù thế giới đã có 614.000 ca tử vong nhưng Việt Nam không có ca nào. Vẫn biết, mọi sự so sánh về cái chết là điều không nên nhưng phân tích những con số trên để thấy sự nguy hiểm “chết người” của TNGT so với bệnh truyền nhiễm ở mức độ khủng khiếp như thế nào. Đau đớn hơn, 40% số người tử vong do TNGT tại Việt Nam là những người trẻ tuổi và cũng 40% trong số họ là những trụ cột gia đình. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, mỗi năm TNGT gây thiệt hại cho nền kinh tế Việt Nam khoảng gần 1 tỷ USD, tức là 1,64% GDP.

Người thân của các nạn nhân ngã quỵ trong vụ nổ xe ở Hòa Bình

Rất đáng buồn khi phải thừa nhận rằng “cuộc chiến” thời bình này xảy ra ngày càng nghiêm trọng là do 90% lỗi vi phạm của người tham gia giao thông. Điều đó có nghĩa là kiến thức và ý thức của chúng ta khi tham gia giao thông còn rất tệ. Bên cạnh những nguyên nhân như, người tham gia giao thông ý thức còn kém, ít hiểu biết về pháp luật, sử dụng chất ma túy, rượu bia khi tham gia giao thông, chạy xe quá tốc độ cho phép, phóng nhanh vượt ẩu… thì những nguyên tắc, quy định trong luật hiện hành rất đang rất hời hợt, chỉ đưa ra những quy định cấm chứ không thực tiễn về nguyên tắc tham gia giao thông. Ví dụ gặp trường hợp bất ngờ trên cao tốc phải làm gì, ra giao lộ phải dừng lại rồi mới đi tiếp, hoặc phải nhường cho xe từ hướng nào… là những nguyên tắc tuy nhỏ nhưng rất cần thiết để bảo đảm an toàn giao thông tối đa.

Trong khi đó, ở nước ta, pháp luật về xử phạt vi phạm giao thông là có nhưng chỉ gói gọn Luật Giao thông đường bộ với rất nhiều cơ quản quản lý chồng chéo dẫn tới bỏ sót hoặc xử lý không hết những trường hợp vi phạm. Thậm chí, dù đã phải ban hành 164 văn bản dưới luật nhưng vẫn chưa đạt được mức nghiêm minh, khiến xảy ra tình trạng người tham gia giao thông thường chỉ chấp hành luật khi có mặt người xử phạt và thường chơi trò “cút bắt”, “trốn tìm” với các lực lượng này.

Trăn trở với nhiệm vụ “tìm sự an toàn cho người đang sống, vì sự phát triển chung của đất nước, của thế hệ trẻ”, Bộ Công an đã trình Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Điểm đặc biệt ở Bộ luật này là sẽ tách bạch giữa 2 vấn đề quản lý về xây dựng hạ tầng giao thông, công trình giao thông và bảo đảm trật tự khi tham gia giao thông. Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ điều chỉnh tất cả vấn đề liên quan đến bảo đảm trật tự khi tham gia giao thông, đa phần sẽ liên quan đến người dân khi tham gia giao thông.

Những đứa trẻ trở nên mồ côi vÌ “Thần chết” mang tên TNGT

Trong đó, đáng chú ý dự thảo luật này đã nếu rất rõ ràng về 2 vấn đề giúp người dân nâng cao được ý thức cũng như kiến thức khi tham gia giao thông. Đầu tiên, về hệ thống báo hiệu, dự thảo luật đựa ra 6 điều thuyết minh, giải thích rõ hơn ý nghĩa của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch sơn trên mặt đường để người dân dễ nhận thức từ đó chấp hành luật tốt hơn, phòng ngừa tai nạn giao thông. Thứ hai, về quy tắc giao thông, dự thảo luật gồm 33 điều với các nội dung cơ bản như: Quy tắc về phía đi, phần đường, nhường đường, tránh, vượt, chuyển hướng, lùi xe, vượt xe, dừng xe, đỗ xe, tốc độ, khoảng cách… để bảo đảm an toàn cho mình và cho người tham gia giao thông khác, đây là những quy tắc an toàn bắt buộc mọi người phải chấp hành, nếu vi phạm có thể gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho mình và cho người tham gia giao thông khác, ảnh hưởng đến trật tự xã hội và có thể bị xử lý theo quy định pháp luật. Trong đó, đã sửa đổi, bổ sung đầy đủ và rõ ràng hơn một số quy tắc giao thông, như: Sử dụng làn đường, chuyển hướng, tránh, vượt, dừng, đỗ xe, nhường đường tại nơi đường giao nhau, sử dụng còi, đèn tín hiệu, mở cửa xe…; bổ sung quy định tốc độ tối đa của một số loại phương tiện có trọng tải lớn trên đường cao tốc; khoảng cách an toàn giữa các xe tương ứng với tốc độ và điều kiện mặt đường thời tiết, địa hình để đảm bảo an toàn giao thông…

Với những điểm mới trong dự thảo luật này, rất nhiều chuyên gia, nhà làm luật kỳ vọng sẽ giảm thiểu được những tác hại khủng khiếp của TNGT, tuy nhiên rất đáng buồn vì nó vẫn chưa được Quốc hội đưa vào lộ trình để xem xét thông qua. Và đáng buồn hơn nữa là trong quá trình chờ đợi ấy, thì sáng hôm quá chúng ta lại phải đón nhận một vụ tai nạn thương tâm ở Bình Thuận, khiến ít nhất 8 người chết và 8 người bị thương nặng. Và rõ ràng nếu cứ chờ đợi thì mỗi ngày sẽ có 24 người ra khỏi nhà vào buổi sáng và sẽ không bao giờ trở về nhà. Chính vì vậy, vì tính cấp thiết của dự thảo luật nhằm bảo vệ tính mạng của người dân, đề nghị Quốc hội cần phải nhanh chóng thông qua dự luật này. Nếu như chúng ta biết trước nguyên nhân của thảm họa mà không tìm cách ngăn chặn thì đó là bất tài chứ không phải bất lực!

Thu An

Bài mới
Đọc nhiều