Khi Bộ trưởng đi chợ lúc 3h sáng
3 giờ sáng ngày 17/10, Bộ trưởng NN và PTNT Lê Minh Hoan đi thực tế tại chợ đầu mối Bình Điền ở TP HCM. Ông đi ủng tới từng gian hàng và xem nhiều thứ cần xem. Xuống tận chợ thế này đã hiếm, nửa đêm càng ít thấy hơn, nhưng …
Tại Bình Điền, nơi cung cấp thực phẩm cho hàng triệu người dân TP HCM, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã vào các nhà lồng kinh doanh nông sản; kinh doanh cá đồng, hải sản phụ; kinh doanh thủy hải sản; kinh doanh thịt súc sản; kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, nhật ký ghi chép của tiểu thương…
Tại những điểm khảo sát trên, Bộ trưởng đã có cái nhìn tiệm cận hơn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh, phân phối và tiêu dùng. Không những thế, vị trí và tầm quan trọng của mô hình chợ truyền thống cũng được Bộ trưởng hết sức chú tâm. Đó không chỉ là nơi mua bán mà còn mang ý nghĩa văn hóa – xã hội – kinh tế. Điều này đã trở thành cơ sở quan trọng để bản thân ông có những đánh giá, nhận xét ngược trở lại các chính sách. Trực tiếp hơn, đó là điều kiện để hội nghị “Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam” có căn cứ để tìm ra các giải pháp hữu hiệu, kịp thời.
Thời gian qua, liên tiếp những sự vụ đáng báo động về thực trạng thực phẩm giả VietGap vào siêu thị, hay thực phẩm bẩn làm tổn hại sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng, gây bất an dư luận. Bên cạnh đó, tỷ lệ vi phạm an toàn thực phẩm ở Việt Nam vẫn còn ở mức cao so với các quốc gia phát triển. Nguyên nhân chủ yếu là do quy mô sản xuất nhỏ, chất lượng không ổn định, nguồn hàng thiếu minh bạch,… nhưng không vì thế mà chúng ta xem nhẹ những nhóm nguyên nhân từ hệ thống giám sát, kiểm tra hay do chính sách, môi trường pháp lý chưa đầy đủ và chưa phù hợp với thực tiễn. Chỉ riêng trong tháng 08/2022, các cơ quan chức năng liên bộ đã xử lý hơn 593 vụ vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, với 606 đối tượng và tổng số tiền phạt ước đạt hơn 4 tỷ đồng. Sự có mặt của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại các chợ đầu mối ở TP.HCM là một trong những tín hiệu đáng khích lệ.
Từ chính sách đến thực tiễn có thể ví von rằng: Chúng tuy gần mà xa, tuy xa mà gần. Chính sách dù chi tiết, tỉ mỉ đến đâu nhưng không thể trực tiếp giải quyết những yêu cầu của thực tiễn đời sống thì vẫn là những chính sách chưa phù hợp. Sự phong phú, đa dạng cùng những biến hóa khôn lường của thực tiễn đòi hỏi chính sách phải được xây dựng một cách chủ động và linh hoạt. Mà để làm được việc đó, không thể không thường xuyên kiểm tra, khảo cứu thực tiễn.
Có lẽ sau những chuyến đi như thế này, không chỉ Bộ trưởng Hoan mà nhiều lãnh đạo, cơ quan ban ngành khác cũng phần nào hiểu rõ hơn lĩnh vực mà mình phụ trách đang có những “khuyết điểm” gì và cần cải thiện, chú trọng vào vấn đề nào.
Với sự có mặt của vị “tư lệnh” ngành nông nghiệp tại các chuỗi giá trị nông sản trên địa bàn TP.HCM vừa qua, chúng ta nhận thấy ở đó nhiều tín hiệu tích cực, đáng mừng. Sự vào cuộc quyết liệt nhằm cải thiện hơn nữa tình hình vệ sinh, an toàn thực phẩm sau đợt kiểm tra, khảo sát trên là hoàn toàn có cơ sở. Từ chính sách đến thực tiễn, lúc này, cũng sẽ gần thêm nhiều phần.
Khánh Đăng