+
Aa
-
like
comment

Khi Bắc Giang nói không với từ “giải cứu” vải thiều

02/06/2021 09:21

Ngày hôm qua 31/5, giữa lúc “nước sôi lửa bỏng” khi số ca nhiễm Covid-19 vẫn tăng đều đặn, Bắc Giang trở thành tâm dịch, cả 180.000 tấn vải thiều vẫn “nằm” vườn chờ thu hái, tiêu thụ. Thông thường cụm từ “giải cứu” sẽ ngập tràn trên báo chí để “hướng” về Bắc Giang, nhưng tỉnh đã nói không với từ… giải cứu.

Cụ thể, trong công văn 2550/UBND-KGVX ngày 31/5 của UBND tỉnh Bắc Giang gửi Cục Báo chí (Bộ TTTT) có đề nghị Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm, chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí trong cả nước tiếp tục quan tâm, tuyên truyền về chất lượng vải thiều Bắc Giang, về việc vải thiều Bắc Giang tiếp tục được xuất khẩu đến những thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao như Nhật Bản, về việc tạo điều kiện cho vải thiều Bắc Giang được xuất khẩu và tiêu thụ nội địa thuận lợi…

Đặc biệt, UBND tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị các cơ quan báo chí không dùng từ “giải cứu” trong các tin, bài, phóng sự khi tuyên truyền về tiêu thụ nông sản nói chung, vải thiều của tỉnh Bắc Giang nói riêng.

Lý do, theo UBND tỉnh Bắc Giang, trên thực tế, sau khi có các tin, bài, phóng sự có từ “giải cứu”, giá các mặt hàng nông sản của tỉnh đều giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người nông dân.

Báo cáo với đoàn công tác của Bộ NNPTNT về việc tháo gỡ, tiêu thụ vải thiều chiều qua 31/5, ông Phan Thế Tuấn – Phó Chỉ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: “Bắc Giang hiện có hơn 28.000ha vải thiều tập trung, chiếm 54,8% diện tích cây ăn quả toàn tỉnh và lớn nhất toàn quốc, sản lượng vụ này ước đạt 180.000 tấn”.

Theo ông Tuấn, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ vải thiều theo từng cấp độ, bảo đảm không ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ vải thiều.

Còn theo ông Dương Văn Thái- Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, ngoài vải thiều, Bắc Giang có đàn gà, lợn, rau màu khá lớn. Hiện, giá bán cơ bản ổn định. Mối quan tâm lo nhất là mùa vải nên mong Bộ có giải pháp, tham mưu Chính phủ giúp Bắc Giang tiêu thụ vải thiều.

“Hai khó khăn của Bắc Giang hiện nay là vận chuyển và lưu thông. Rất mong Bộ NNPTNT tham mưu cấp cho Bắc Giang có “luồng xanh” riêng trong lưu thông vải thiều đi qua các địa phương”- ông Thái nói.

Về nhân lực cho mùa vải thiều, Bắc Giang cũng đã tính đến phương án để khắc phục. Địa phương tính tới trường hợp xấu nhất là sấy vải. Hiện Lục Ngạn có khoảng 2.000 lò sấy, đây là phương án cuối cùng. Về lâu dài, tỉnh mong Bộ quan tâm khâu chế biến vải, giữ được chất lượng tươi ngon của vải thiều. Đồng chí cũng đề xuất, Bộ trưởng hỗ trợ đưa vải thiều Bắc Giang vào hệ thống phân phối lớn tại thị trường nội địa.

Khi Bắc Giang nói không với từ "giải cứu" nông sản - Ảnh 3.
Công văn của UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị không dùng từ “giải cứu” nông sản.

Như vậy, có thể nói không phải vì “sĩ diện”, ngẫu nhiên mà Bắc Giang nói không với từ “giải cứu”, điều này khác hoàn toàn cách tiếp cận ở Hải Dương. So với đợt dịch thứ 3 ở Hải Dương, lần này Bắc Giang có quy mô dịch lan rộng hơn nhiều, số lượng vải cần thiêu thụ cũng cực lớn nhưng tỉnh vẫn kiên quyết nói không với “giải cứu”.

Bình thường, nếu “dân túy” một chút, lãnh đạo Bắc Giang sẽ gửi công văn, thư ngỏ đề nghị bà con cả nước hỗ trợ tiêu thụ, mua giúp vải thiều này nọ. Như thế vừa được tiếng thương nông dân, vừa được tiếng với bàn dân thiên hạ về việc mình làm. Nhung không, Bắc Giang đã chọn cách lâu dài, căn cơ và bài bản.

Việc khó tiêu thụ vải thiều hay các nông sản khác hoàn toàn không phải do vấn đề đầu ra, vấn đề thị trường mà nằm ở vấn đề lưu thông do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (trước mắt) và vấn đề tổ chức lưu thông, phân phối (lâu dài). Cứ nói nhiều vải thiều, nhưng hiện ở các siêu thị tại Hà Nội, TP HCM trên thực tế, số lượng đưa vào còn rất khiêm tốn. Hơn nữa, với 180.000 tấn kia có giải cứu được hết không? Ai giải cứu, giải cứu rồi thì bán với giá nào?

Chính vì thế, Bắc Giang đã xây dựng kịch bàn xấu nhất không bán được thì cho vào… sấy, chứ quyết không kêu gọi giải cứu. Đó là một hành động có thể nói là bản lĩnh, căn cơ và có tính bền vững của Bắc Giang đối với vấn đề tiêu thụ nông sản.

Không biết tự bao giờ xuất hiện cụm từ “giải cứu” để nói về việc giải phóng và cứu trợ tiêu thụ nông sản hàng hóa cho bà con nông dân mỗi khi gặp khó như được mùa, mất giá, bí đầu ra. Và cứ nói đến giải cứu là cả xã hội, từ bà bán xôi đến những công nhân viên chức lao vào mua hàng hóa ủng hộ bà con nông dân.

Về lý về tình đều có thể hiểu được, nông dân là những người yếu thế nhất, thiệt thòi nhất, nên mỗi khi nghe nơi này, nơi kia bà con không bán được nông sản, phải chặt, đổ bỏ là lại làm lay động hàng triệu trái tim của đồng bào. Điều đó thật đáng trân quý và không trách cứ ai được.

Nhưng đã có cuộc tổng kết hay điều tra sơ bộ nào xem, sau mỗi cuộc giải cứu đó, hiệu quả đi đến đâu, người nông dân bán hàng ra có lãi không, thương lái được hưởng lợi bao nhiêu, sau giải cứu thì nông dân làm gì tiếp, họ vẫn trồng, vẫn nuôi cây, con đấy hay nghỉ hay chuyển sang làm gì khác. Cho đến nay, điều đó là chưa có và cũng chẳng có cơ quan nào làm được việc đó cả. Chúng ta chỉ biết, thấy bà con ế thì mua giúp. Có người mua cả chục cân cà chua, chục củ su hào không cần chọn lựa, mặc cả…

Chính việc “giải cứu” đó, như tỉnh Bắc Giang lý giải, đã hóa thành lợi bất cập hại khi làm giảm giá thành, giá trị nông sản. Bởi mang tính chất giải cứu, nên người nông dân hoặc chính đội ngũ thương lái tranh thủ người dân đang dễ dãi khi đến vườn, ruộng thu mua đã thu hái hổ lốn một mớ các loại củ, quả vào với nhau mà không chọn lựa, sơ chế theo đúng tiêu chuẩn, từ đó dẫn đến việc khi mua về người dân mất niềm tin, có khi ăn một nửa, bỏ một nửa.

Việc “giải cứu” cũng dẫn đến làm méo mó thị trường, khi người dân mua quá nhiều hàng hóa vào một thời điểm đã dẫn đến những ngày kế tiếp họ không mua sản phẩm đó nữa và lại kéo theo dây chuyền những cây đến lứa, con đến thì khó tiêu thụ hơn.

Trên thực tế, thị trường tiêu thụ nội địa chúng ta không phải không có với gần 20 triệu dân tập trung ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, nếu tổ chức lưu thông phân phối tốt, thì 180.000 tấn vải ở Bắc Giang hay hơn nữa cũng không phải là vấn đề. Hãy nhìn vào cảnh người dân ở TP. HCM đổ xô đến các siêu thị vét sạch các kệ hàng sau thông tin giãn cách để thấy sức mua, sức tiêu thụ của chúng ta lớn thế nào.

Còn về phía người nông dân. Họ làm ra sản phẩm là để bán, để thu lời, chứ không phải mỗi khi làm ra lại mong được giải cứu. Vì thế, họ cũng có quyền được đàm phán về mức giá, về khối lượng tiêu thụ, chứ không phải là người bị áp đặt theo kiểu: Tôi mua hàng giải cứu cho ông, chỉ mua cho 10.000, 20.000 đồng/kg là tốt, bán được là tốt nhé. Nếu như thế thì nông dân mãi không thay đổi, phát triển được. Thực tế, điều người nông dân làm tốt nhất là họ đã tạo ra được sản phẩm bằng mồ hôi, bằng nước mắt của mình rồi, đó cũng là việc khó nhất.

Còn những việc “dễ” hơn như tổ chức liên kết, hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức lưu thông phân phối là của các cơ quan chức năng, cơ quan nhà nước, nếu mà không làm được nữa thì còn làm được gì.

Và để cụ thể hóa nội dung này, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đã nói, sẽ làm việc ngay để phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cùng xây dựng những mô hình tiêu thụ nông sản cho bà con vùng dịch một cách chính quy hơn, đảm bảo vừa tiêu thụ được nông sản vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm và người tiêu dùng an toàn trong dịch bệnh.

Ngoài ra, Bộ NNPTNT cũng sẽ bàn bạc với Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam để kết nối cung cầu, làm sao thông tin về sản lượng tiêu thụ nông sản phải thông suốt.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị các doanh nghiệp quan tâm, kết nối tiêu thụ vải thiều cho Bắc Giang.

“Thị trường là ở doanh nghiệp, làm sao kết nối thông tin đến những doanh nghiệp quan tâm đầu tư cho Bắc Giang, thúc đẩy tiêu thụ vải thiều, nhất là trong giai đoạn thu hoach rộ sắp tới” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục làm việc với bưu điện, và được biết Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng đang làm  việc với Grab để kết nối đưa vải thiều đến tận tay người tiêu dùng.

Bộ NNPTNT cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho các đơn vị vận tải trong nước để không làm khó thêm quá trình vận chuyển.

Trong dài hạn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, sẽ hỗ trợ các hợp tác xã, trong đó thí điểm ưu tiên cho các hợp tác xã ở Bắc Giang nâng cao chất lượng hoạt động, hỗ trợ xây dựng các hợp tác xã nâng cao công nghệ sơ chế, chế biến, năng lực logistics của hợp tác xã, từ đó giúp người dân chủ động tiêu thụ nông sản trong bất kỳ tình huống nào.

Khi Bộ trưởng vận động các ngành các cấp vào cuộc, nếu có sự chung tay của tất cả các bên, cùng với sự thay đổi tư duy táo bạo và đầy kiêu hãnh, tự trọng từ địa phương, nông sản Việt sẽ được gia tăng giá trị, đem lại những lợi ích thực sự cho người sản xuất và người tiêu dùng. Quan trọng là một cách nhìn, cách nghĩ đột phá của chính lãnh đạo, người dân vùng sản vật, từ đó mở cửa ra rất sáng cho quả vải thiều, để những giọt mồ hôi, những tháng ngày trăn trở với cây vải của người dân Bắc Giang được đáp đền xứng đáng.

Lê Hân

Bài mới
Đọc nhiều