+
Aa
-
like
comment

Khi “anh hùng bàn phím” RFA luận bàn kinh nghiệm chống dịch

An Diễm - 21/10/2021 11:33

Trong thời đại mạng xã hội phát triển, mọi cá nhân đều có điều kiện để cất lên tiếng nói của mình, nhưng vô hình trung cũng tạo ra những “siêu sao ảo tưởng”. Những luật sư Facebook, chính trị gia online, bác sỹ mạng, anh hùng bàn phím thi nhau góp tiếng nói “đóng góp” vào những sự kiện quan trọng mà có lẽ ở ngoài đời họ chẳng bao giờ được tham gia. Mới đây, công cuộc chống giặc COVID-19 của Việt Nam đã “vinh dự” được Đài Á Châu tự do RFA góp mặt bình luận với những ý kiến thật không thể tin được.

Cuộc họp trực tuyển của Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.

Đài này nói: “Chính phủ Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều về cách tiếp cận ‘Trung Quốc’, đã chống dịch thành công trong ba đợt dịch đầu trong hơn một năm kể từ đầu năm 2020, nhưng đã chủ quan dẫn đến chính sách đối phó lúng túng vì thiếu nguồn lực và phương tiện y tế khi đợt dịch thứ tư bùng phát dữ dội tại vùng trung tâm kinh tế cả nước, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, từ khoảng giữa năm 2021 đến nay”. Như vậy là dù cho muốn chê bai ngay từ câu đầu tiên nhưng RFA cũng không thể lờ đi một thực tế là Việt Nam đã chống dịch thành công trong ba đợt dịch đầu tiên. Vậy thì kể cả là chúng ta có học theo Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác mà thành công thì có nên làm hay không, hay là nên học theo “cách tiếp cận” của Mỹ nơi hiện tại đang là vùng dịch lớn nhất thế giới với hàng chục triệu ca nhiễm và gần một triệu sinh mạng đã bị tổn thất?

Luận điệu xuyên tạc chính sách phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam mà RFA đang rêu rao.

Thế nào là “chủ quan dẫn đến chính sách đối phó lúng túng vì thiếu nguồn lực và phương tiện y tế khi đợt dịch thứ tư bùng phát”? Chỉ cần bớt “bàn phím” và chịu khó tìm hiểu thôi thì RFA sẽ phải biết rằng sở dĩ Việt Nam làm theo phương pháp phong tỏa, giãn cách xã hội xuất phát từ chính nguyên nhân nước ta còn nhiều khó khăn, nguồn lực và phương tiện y tế không đủ đáp ứng khi dịch bệnh bùng phát. Và thực tế dịch bệnh tại TP.HCM cùng các tỉnh lân cận chỉ là một thực tế đau xót nhưng đã được dự đoán từ lâu, không hề có gì là “chủ quan” ở đây cả.

Tiếp đà nhận xét, RFA tiện thể biến mình thành “chuyên gia về chính sách” khi đưa ra các nhận xét mà họ cho là yếu kém của Việt Nam trong đại dịch: Nào là “chiến lược vaccine chậm, xét nghiệm yếu kém, điều hành kém, năng lực cán bộ kém…Không hiểu khi Mỹ, châu Âu và các nước khác bùng dịch thì RFA đã ở đâu, có nhận xét họ yếu kém hay không, hay chỉ có Việt Nam trong mắt RFA là mặc định yếu kém? Thực tế khi phải hứng chịu dịch COVID-19 bùng phát thì không quốc gia nào có thể nói hay được cả. Đầu năm 2020 khi Trung Quốc vật lộn trong dịch bệnh, nhiều nước như Mỹ và phương Tây có cả thời gian dài quan sát rút kinh nghiệm nhưng khi đến lượt mình thì nước nào cũng lúng túng. Họ lúng túng từ việc chính quyền bảo đeo khẩu trang nhưng người dân từ chối, cho đến việc cãi nhau xem có nên giãn cách hay không… dẫn đến những hậu quả khủng khiếp về y tế và sinh mạng. RFA đã ở đâu những lúc đó, có “tư vấn” được gì cho chính quyền các nước đó hay không? Hay lại cũng đứng từ xa rồi chê họ “yếu kém”?

RFA còn nói “Sức ép từ cú sốc kinh tế nghiêm trọng đã biến chiến lược ‘Zero COVID’ của Việt Nam thành ảo tưởng và mục tiêu kép đã chỉ là khẩu hiệu”. Đây là một câu nói thể hiện sự hằn học đầy định kiến của RFA, với cái nhìn bất chấp đạo lý và con số không về sự hiểu biết. Cần làm rõ, không phải một mình nước ta theo đuổi chiến lược “Zero COVID”, tất cả các nước trong giai đoạn đầu đều theo đuổi việc này. Đây là một chiến lược hoàn toàn vì mục tiêu tốt đẹp nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, đặc biệt trong tình hình hệ thống y tế của nước ta còn nhiều hạn chế. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long từng nói rõ: “Chúng ta có chấp nhận thương vong không? Đối với văn hóa, truyền thống, đạo đức của đất nước, chúng ta không chấp nhận điều này. Sức khỏe và tính mạng người dân là quan trọng nhất”. Vì không chấp nhận thương vong nên chúng ta quyết tâm cách ly, khoanh vùng, dập dịch, quyết tâm theo đuổi mục tiêu “Zero COVID” trong một thời gian dài. Một chính sách nhân văn như vậy không thể gọi là “ảo tưởng” theo cách nói hằn học của RFA.

Chúng ta chỉ buộc lòng phải từ bỏ mục tiêu “Zero COVID” khi cân nhắc tình hình kinh tế xã hội, sự khó lường của biến chủng Delta, sự hạn chế về hiệu quả vaccine, và kinh nghiệm rút ra từ nhiều nước khác mà thôi.

Đến nay, dịch COVID-19 ở nước ta đã tạm lắng với số ca nhiễm và tử vong giảm mạnh, độ phủ vaccine ngày một tăng cao, các hoạt động kinh tế đang được nối lại, và rất nhiều người dân đang quay lại TP.HCM cùng các tỉnh lân cận để tham gia sản xuất kinh doanh. Bài viết của RFA với những ý tưởng rời rạc, không hiểu biết thể hiện sự lạc hậu trước thời cuộc, cùng những tư duy định kiến chống phá vốn chưa bao giờ thay đổi. Càng viết, chúng càng thể hiện mình như những “anh hùng bàn phím” ngờ nghệch mà thôi.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều