Khẩu trang trở lại ở nước Mỹ
Khi biến thể Delta mới đang lây lan nhanh chóng trên toàn cầu, khẩu trang một lần nữa trở thành trung tâm của những quan điểm trái chiều.
Trong suốt đại dịch Covid-19, khẩu trang là biện pháp y tế gây tranh cãi nhất ở Mỹ. Nó là biểu tượng cho sự xung đột giữa quyền lực của chính phủ và quyền tự do cá nhân.
Vào tháng 5, các quan chức y tế liên bang thông báo rằng những người được tiêm chủng đầy đủ không cần phải đeo khẩu trang. Khuyến cáo đánh dấu một sự thay đổi lớn trong cuộc sống của người Mỹ và tạo tiền đề cho quá trình mở cửa đất nước trở lại, theo New York Times.
Thế nhưng, trước sự gia tăng đột biến ca nhiễm mới trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhắc lại khuyến cáo rằng mọi người, bao gồm cả những người được tiêm chủng, nên đeo khẩu trang để ngăn chặn sự lây lan của virus. Các quan chức y tế của hạt Los Angeles cũng đưa ra lời khuyên tương tự đối với người dân.
Quyết định trái chiều
Barbara Ferrer, giám đốc sở y tế công cộng Los Angeles, cho biết khuyến nghị mới là rất cần thiết. Số trường hợp nhiễm biến thế Delta ngày càng gia tăng và số lượng người dân chưa được tiêm chủng vẫn còn rất cao.
Có khoảng 60% cư dân Los Angeles đã được tiêm ít nhất một liều. Số lượng ca dương tính trên toàn hạt vẫn nằm ở mức dưới 1% dân số. Tuy nhiên, khu vực này đã xuất hiện tình trạng tái nhiễm ở những cư dân đã từng mắc Covid-19 và chưa được tiêm vaccine.
Tiến sĩ Ferrer cho biết Los Angeles về cơ bản đã kiểm soát vào đại dịch. Hạt này đã triển khai một chiến lược đa tầng, kết hợp giữa chiến dịch tiêm chủng và các biện pháp hạn chế.
Bà lưu ý rằng khả năng miễn dịch tự nhiên của những người đã từng nhiễm bệnh cũng đang làm giảm tỷ lệ lây truyền của biến thể mới. Hiện chưa rõ khả năng này sẽ kéo dài bao lâu.
“Chúng tôi không muốn quay lại tình trạng phong tỏa trước đây. Chúng tôi muốn tiếp tục thực hiện những biện pháp hiện tại. Nó đã chứng minh được tính hiệu quả và làm giảm tỷ lệ lây nhiễm”, bà Ferrer nói.
Ngược lại với Los Angeles, Các quan chức y tế tại Chicago và New York không có kế hoạch xem xét lại yêu cầu đeo khẩu trang. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cũng không có ý định yêu cầu những người được tiêm chủng đầy đủ phải đeo khẩu trang trở lại.
Angela Rasmussen, một nhà khoa học tại Đại học Saskatchewan, Canada, cho rằng: “Khi CDC đưa ra khuyến nghị, họ không lường trước được tình huống phải yêu cầu người dân đeo khẩu trang một lần nữa”.
Nỗi lo lắng trở lại
Các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương đang tái áp dụng các hạn chế sau khi phát hiện sự gia tăng ca nhiễm biến thể Delta. Bốn thành phố của Australia đã bị phong tỏa. Vào ngày 28/6, chính phủ Malaysia yêu cầu người dân ở trong nhà cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Ngay cả Israel cũng phải khôi phục lệnh đeo khẩu trang ở nơi công cộng sau khi phát hiện hàng trăm trường hợp nhiễm Covid-19 mới. Những người đã tiêm đầy đủ vaccine Pfizer/BioNtech vẫn có kết quả dương tính với virus.
Đây không phải là lần đầu tiên thế giới phải lao đao do một biến thể mới. Biến thể Alpha lần đầu xuất hiện tại Anh đã khiến phần còn lại của châu Âu chịu thiệt hại nặng nề.
Vào cuối tháng 3, Alpha nhanh chóng trở thành biến thể phổ biến nhất tại Mỹ. Chiến dịch tiêm chủng khẩn cấp đã phát huy tác dụng và làm giảm tốc độ lây lan.
Tuy nhiên, biến chủng Delta được cho là đáng sợ hơn. Những bằng chứng ban đầu từ Anh và Ấn Độ cho thấy biến thể này có khả năng lây nhiễm cao gấp đôi so với virus Covid-19 ban đầu được ghi nhận tại Vũ Hán, Trung Quốc.
Tại nhiều bang của Ấn Độ và các quốc gia châu Âu, Delta nhanh chóng vượt qua Alpha để trở thành biến thể phổ biến nhất. Các đột biến của biến thể Delta giúp virus đánh lừa hệ thống miễn dịch.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng các loại vaccine hiện tại vẫn có thể chống lại biến thể Delta nhưng tỷ lệ hiệu quả sẽ thấp hơn so với các biến thể khác. Đối với những người mới tiêm một mũi, khả năng đề kháng của vaccine sẽ giảm đi đáng kể khi đối mặt với biến thể mới.
WHO cho rằng mặc dù tiêm chủng có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa tình trạng nguy kịch và tử vong, nhưng khả năng hạn chế các triệu chứng nhẹ vẫn chưa được nghiên cứu kỹ. Vì vậy, những người được tiêm phòng đầy đủ nên đeo khẩu trang ở những khu vực đông người và tiếp tục các biện pháp phòng ngừa khác.
“Sau khi bạn đã được tiêm chủng đầy đủ, hãy tiếp tục đảm bảo an toàn cho bản thân. Bạn có thể trở thành một phần của chuỗi lây truyền”, tiến sĩ Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của WHO, cho biết.
Tiêm vaccine vẫn chưa an toàn
Ngay cả các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao cũng đã chứng kiến sự gia tăng các ca nhiễm biến thể Delta mới. Mặc dù có đến hơn 60% dân số được tiêm ít nhất một mũi vaccine, nước Anh vẫn đang phải vật lộn với số ca nhiễm tăng đột biến.
Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, đã gọi biến thể này là “mối đe dọa lớn nhất” đối với những nỗ lực phòng chống dịch bệnh của chính quyền Joe Biden.
Khi dỡ bỏ khuyến nghị đeo khẩu trang, các quan chức CDC đã trích dẫn nghiên cứu cho thấy những người được tiêm phòng đầy đủ sẽ không có khả năng bị nhiễm virus. Tuy nhiên, khả năng né tránh hệ miễn dịch của biến thể Delta khiến nhiều chuyên gia lo lắng.
Nhiều bằng chứng cho thấy rằng những người được tiêm 2 mũi vẫn có thể nhiễm bệnh và vô tình lây sang những người khác.
Bill Hanage, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Harvard, cho biết tỷ lệ nhiễm biến thể Delta ở những người đã được tiêm phòng là rất thấp.
“Nhưng nếu đang ở trong khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, bạn vẫn nên đeo khẩu trang ở những nơi công cộng để ngăn nguy cơ đưa bản thân vào chuỗi lây nhiễm”, ông nói.
Tiến sĩ Ravindra Gupta, một nhà virus học tại Đại học Cambridge, cũng nhận định rằng việc đeo khẩu trang ở những nơi công cộng nên được duy trì cho đến khi toàn bộ người dân được tiêm vaccine hoặc một loại vaccine mới hiệu quả hơn đối với biến chủng Delta được phát triển.
Một số nhà khoa học lo ngại rằng sẽ gần như không thể áp dụng lại quy định đeo khẩu trang và các biện pháp phòng ngừa khác.
David Michaels, giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng George Washington, cho biết: “Thật khó để quay lại thời kỳ đeo khẩu trang. Tuy nhiên, với sự gia tăng của biến thể Delta, việc tiếp tục không đeo khẩu trang cũng cực kỳ nguy hiểm”.
“Đeo khẩu trang sẽ cung cấp cho chúng ta thêm sự bảo vệ. Chúng ta chưa biết hậu quả lâu dài của việc nhiễm Covid-19 sau khi tiêm phòng”, Tiến sĩ Ezekiel Emanuel, phó chủ tịch phụ trách sáng kiến toàn cầu tại Đại học Pennsylvania, nhận định.
Tuấn Đạt