Khẩu trang “khan hiếm” mà sao vẫn xuất khẩu nhiều thế?
“Ở đây không có khẩu trang y tế bán đâu” – Đó là câu trả lời quen thuộc ở khắp các hiệu thuốc, các cửa hàng tạp hoá quanh khu vực tôi ở trong những ngày vừa qua….
Một người kinh doanh nói với tôi rằng, anh đã không cho phép vợ nhập khẩu trang về bán, do giá vốn đã tăng trong khi họ lại không dám đẩy giá bán lên cao, và sợ gặp phải phiền phức với cơ quan chức năng cũng như với chính khách hàng của họ.
Để mua được khẩu trang đúng giá (theo giá niêm yết), tại một số địa phương, người dân phải xếp hàng từ tinh mơ sáng và số lượng được mua cũng bị giới hạn, ví dụ một người chỉ được mua 1 hộp và mỗi cơ quan đơn vị thông qua giấy giới thiệu sẽ được mua 4 hộp.
Cảnh tượng này quả thực hiếm có, khi mà kinh tế thị trường đã đi vào từng ngóc ngách của cuộc sống, len lỏi đến từng mặt hàng, từ những sản phẩm nhỏ như que tăm đến lớn như nhà ở, xe cộ.
Chính bởi thực trạng khẩu trang trên thị trường khan hiếm như vậy, nên rất nhiều người tiêu dùng đang cùng chung câu hỏi: Các nhà sản xuất tuyên bố đẩy công suất, tung ra hàng trăm nghìn đến cả triệu khẩu trang mỗi ngày, vậy thì số khẩu trang đó đã được phân phối đi đâu?
Một thông tin vừa được Chi cục Hải quan Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (thuộc Cục Hải quan TPHCM) công bố đã khiến nhiều người phải “giật mình”. Cụ thể, từ sau Tết nguyên đán Canh Tý 2020, xuất khẩu khẩu trang qua đường hàng không tăng mạnh. Chỉ tính riêng từ ngày 30/1 đến 4/2, chi cục này đã làm thủ tục xuất khẩu khoảng 36 tấn khẩu trang.
Về xuất xứ nguồn nhập, theo báo cáo của Hải quan Tân Sơn Nhất, số khẩu trang trên được xuất khẩu đi Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore, Malaysia. Trong đó, chủ yếu xuất khẩu đi thị trường Hồng Kông, Trung Quốc.
Hiện tượng này chỉ mới xuất hiện gần đây khi mà các nước như Trung Quốc và một số lãnh thổ khác bị bùng phát dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona.
Trước đó, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng khẳng định, kể từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, xuất khẩu khẩu trang y tế các loại của Việt Nam tăng đột biến, trị giá khai báo xuất khẩu tại các chi cục và cục hải quan trực thuộc tăng gần gấp 5 lần trị giá nhập khẩu. Riêng thị trường Trung Quốc chiếm hơn 30% trị giá xuất khẩu mặt hàng này.
Thống kê trong hơn 10 ngày tính từ thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý, lượng hàng khẩu trang xuất đi của Việt Nam đạt tới 2,6 triệu USD (gần 60 tỷ đồng), so với giá trị khẩu trang nhập về là 12,2 tỷ đồng.
Nếu nói kim ngạch xuất khẩu với những con số tuyệt đối nói trên, so với các loại hàng hoá khác thì rất bình thường. Nhưng 36 tấn khẩu trang được xuất đi bằng đường hàng không chỉ trong vòng 1 tháng qua, đó là con số “khủng khiếp”!! Chưa kể khối lượng mặt hàng này được xuất ra nước ngoài tại các cửa khẩu khác, chắc chắn cũng tăng lên rất mạnh.
Cần phải nói rằng, nhu cầu về khẩu trang hiện đã không còn chỉ dừng ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, vào thời điểm hiện tại cũng rất lớn. Nhiều nước đang khan hiếm khẩu trang chứ không riêng gì chúng ta.
Do đó, như đã đề cập tại các bài viết trước, việc tạo điều kiện hết mức nhằm hỗ trợ xuất khẩu là vô cùng cần thiết để đảm bảo nguồn hàng hoá cung ứng cho thị trường. Song chiều ngược lại, hoạt động phân phối cũng cần được xem xét lại, khắc phục bất cập đang diễn ra.
Nhấn mạnh rằng, việc xử lý vi phạm theo pháp luật cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cần thiết, nhưng điều tiên quyết vẫn phải dựa trên sự minh bạch, không mang mục đích để báo cáo, mà để tạo ra sự hiệu quả, tránh hiện tượng “chung chi”, dung túng cho cơ sở sai phạm nhưng lại khiến những người kinh doanh khác chùn tay, nhụt chí.
Tất cả vì người dân: Người tiêu dùng là dân – và doanh nghiệp, người kinh doanh buôn bán cũng là dân!
Bích Diệp/DT