+
Aa
-
like
comment

Khẩu trang đâu có thiếu, cái thiếu là pháp trị

05/02/2020 09:35

Thủ tướng nói chống dịch như chống giặc. Đã chống giặc thì phải như thời chiến, không có chỗ cho những toan tính kiếm tiền trên sinh mạng đồng loại.

Khẩu trang đâu có thiếu, cái thiếu là pháp trị

Từ khi người người đều lo lắng đến có phần sợ hãi virus corona, thì cái khẩu trang bỗng thành câu chuyện đầu môi. Nhân vật phụ nhảy lên chiếm sân khấu chính.

Chợt nhận thấy cái khẩu trang mỏng manh kia dường như có thể là tấm lá chắn giữ cho mình an toàn khỏi con virus tử thần, chúng ta đã cùng nhau làm dấy lên cơn sốt khẩu trang. Ai cũng muốn có càng nhiều khẩu trang càng tốt.

Người chưa có phải mua cho bằng được, người đã có 10 chiếc lại muốn có dăm hộp, có loại mỏng rồi mua thêm loại dày. Ai mà biết dịch kéo đến khi nào mới thôi?

Rất nhanh chóng, cơn hoảng sợ của chúng ta phải trả giá: Giá khẩu trang từ 30-50 ngàn đồng một hộp vọt lên 300-600 ngàn đồng.

Tất yếu, ở ngay thủ đô trước ngưỡng cửa đại dịch, cơ quan quản lý phải vào cuộc và hàng loạt nhà thuốc bán khẩu trang giá cao bị phạt nặng.

Giá khẩu trang có vẻ được bình ổn đôi chút, nhưng lại xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, thậm chí tiêu cực hơn là kêu gọi nhau treo biển không bán nữa. Tôi không muốn tin rằng, trong cơn hoạn nạn mà tình người lại cạn đến mức đó.

Ở TP. HCM, cậu bé 11 tuổi Andy Đào Nguyên đã tặng mẹ toàn bộ tiền lì xì Tết để mua khẩu trang phát miễn phí cho mọi người. Gia đình cậu bé đã phát miễn phí hơn 10.000 chiếc khẩu trang. Tình người vẫn còn đó. Tấm lòng thật đáng trân trọng.

Nhưng tình người chưa hẳn là giải pháp, bởi cũng ngay tại TP. HCM, người dân vẫn mừng như trúng số khi mua được khẩu trang đúng giá.

Từ Đà Nẵng, một nhà báo lão thành gửi lên mạng xã hội 2 tấm ảnh: Một tấm là lời “kêu gọi” của một người tự xưng nhà thuốc ở Hà Nội, hô hào các nhà thuốc không nhập và không bán khẩu trang cho khỏi phiền. Hình kia là danh sách các điểm phát khẩu trang miễn phí ở Đà Nẵng.

Anh hào hiệp đề nghị gửi tặng tôi một ít khẩu trang, sợ rằng ở Hà Nội thiếu! Nhưng nói chuyện này, mong anh đừng phật lòng: Tại Đà Nẵng cũng có những cửa hàng bán tăng giá gấp 3-4 lần ngày thường để kiếm lợi.

Tôi mang chuyện khẩu trang than phiền với một luật sư, anh luật sư phán: Khẩu trang có thiếu cũng không thiếu đến mức khủng hoảng. Người Việt mình cũng không thiếu những tấm lòng. Nếu có gì thiếu ở đây, thì chính là người ta thiếu thói quen tuân thủ pháp luật.

Thủ tướng đã công bố tình trạng khẩn cấp. Thủ tướng đã nói “chống dịch như chống giặc”. Đã là chống giặc thì phải coi đây như thời chiến. Nếu áp dụng đúng luật thời chiến, làm gì có chuyện ở đó mà găm hàng đầu cơ, rồi lý luận “kinh doanh muốn bán thì bán”?

Người Việt mình chưa tự giác đến được như người Nhật, để trong cơn khủng hoảng vẫn trật tự xếp hàng và chỉ lấy nửa phần mình, còn nhường cho người khác đang thiếu. Vì vậy phải trông vào luật và việc thực thi pháp luật.

Hãy nghĩ lại chuyện “nồng độ cồn” còn mới nguyên đó: Rất nhiều vận động, rất nhiều tuyên truyền mà với chúng ta như vô hiệu. Nhưng chỉ cần cái roi pháp luật giương lên “mức án” 40 triệu, thì “nồng độ cồn” rất tự nhiên đi vào khuôn khổ.

Những ngày này cả nước vẫn đang căng mình chống “giặc corona”. Thời chiến, không có chỗ cho toan tính kiếm tiền trên sinh mạng đồng loại. Hãy để pháp luật làm công việc của nó.

(Theo TTT)

Bài mới
Đọc nhiều