+
Aa
-
like
comment

Khát vọng Việt Nam 2020

01/01/2020 07:09

Lịch sử nhân loại xác tín, không có một thành công nào của bất cứ ai, bất cứ quốc gia, dân tộc nào mà không được bắt đầu và lớn lên từ hoài bão, khát vọng.

LTS: Năm 2020 mở đầu thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI, năm rất quan trọng trước thềm Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào năm 2021. Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 3-2-2020), đón năm 2020 và xuân Canh Tý, BBT trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết nêu những dự cảm và tầm nhìn phát triển đất nước của nhà báo, TS. Nhị Lê.

Chào năm 2020 – năm Việt Nam mở đầu chiến lược thập kỷ thứ ba thế kỷ XXI.

Năm 2020, với Việt Nam, là một năm sẽ tràn đầy và cháy lên khát vọng. Từ đây, mở tầm nhìn mùa xuân năm 2045, rực rỡ khát vọng 100 năm nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Mùa xuân Canh Tý 2020 là năm Đảng trọn vẹn 90 mùa xuân cùng đất nước, để bừng lên khát vọng trông tới 100 mùa xuân Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ảnh minh họa

Đối với một con người, cái gì khiến người ta trẻ? Không phải tuổi tác, cũng không phải sức vóc… mà là khát vọng.

Đối với một quốc gia, dân tộc, bí quyết nào khiến nó trở nên hùng cường và bất diệt? Không phải to hay nhỏ, càng không phải sinh ra trước hay sau… mà là khát vọng.

Từ một cá nhân cho đến một quốc gia, dân tộc, không có khát vọng nhất định sẽ không đạt được điều gì như mong muốn cả. Một khát vọng bỏng cháy dù trước hay sau, luôn là điểm xuất phát cho mọi thành công.

Lịch sử nhân loại xác tín, không có một thành công nào của bất cứ ai, bất cứ quốc gia, dân tộc nào mà không được bắt đầu và lớn lên từ hoài bão, khát vọng.

Dân tộc Việt Nam, từ trong trường kỳ lịch sử mấy ngàn năm thăng trầm của mình, không nằm ngoài quy luật ấy của muôn đời, của mọi thời.

Khát vọng Việt Nam độc lập tự do

Khát vọng và hành động vì khát vọng là ngọn nguồn của mọi thành công, mọi kỳ vĩ trên đời.

Vì sao mảnh đất Việt Nam hình chữ S lưng sừng sững tựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, trông ra biển Đông đầy sóng gió ôm lấy hai huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa dù qua muôn trùng binh lửa, thăng trầm, sinh tử suốt mấy ngàn năm qua, nhưng dân tộc độc lập, giang san thống nhất một dọc dài Bắc Trung Nam một dải?

Vì sao, sau những trận “động đất lịch sử”, Việt Nam vẫn đứng vững, kiêu hãnh và “tuyệt nhiên định phận” của muôn dân nước Việt, vẫn định vị một nước Việt Nam độc lập trong cộng đồng thế giới?

Bởi khát vọng hòa bình của muôn dân luôn khi âm thầm, lúc sục sôi nhưng chưa bao giờ nguội tắt. Cả dân tộc quyết tử vì một nước Việt Nam độc lập, tự do, toàn vẹn và thống nhất.

Khát vọng Việt Nam 2020
Năm 2020, với Việt Nam, là một năm sẽ tràn đầy và cháy lên khát vọng.

Không gì tàn bạo hơn những kẻ bóp chết khát vọng của quốc gia, dân tộc khác. Những kẻ đó nhất định bị trừng phạt. Vì thế, trải mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, Việt Nam từng bước đi qua hơn mười cuộc chiến tranh xâm lược sinh tử lớn nhất, hung bạo nhất đến từ mọi phía ở các thời đại.

Dẫu đồng bào đổ máu, hy sinh trong hơn 500 cuộc khởi nghĩa lớn, nhỏ khắp Bắc – Trung Nam, tất cả vì khát vọng độc lập dân tộc, vẫn vằng vặc bất khuất quốc gia Việt Nam ngày nay, với người chủ là quốc dân Việt Nam, gồm 54 dân tộc anh em sinh ra từ một bọc trứng mẹ Âu cơ vĩ đại.

Nhớ lại cả dằng dặc nghìn năm Bắc thuộc, kẻ thù tưởng đã nhấn chìm dân tộc đắm trong vòng nô lệ thì khát vọng độc lập đã rừng rực cháy trong tâm can, huyết quản của những đứa con sinh từ bọc trứng mẹ Âu Cơ, làm nên một trận Bạch Đằng giang đỏ ngầu máu giặc năm 938, mở ra thời kỳ độc lập nước Nam ta.

Năm 1076, cũng thế, một trận huyết chiến bên sông Như Nguyệt, bằng thế trận lòng dân của đồng bào, cha con nước Việt, đã bất khuất bố cáo khắp thiên hạ như tiếng sét giữa trời xanh: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”. Một hội nghị Diên Hồng và một tiếng hô muôn dân: “Đánh”, “Cha con một bụng, cả nước đánh giặc” đã ba lần quét sạch gần một triệu giặc Nguyên Mông xâm lược.

Dù mười năm “nếm mật nằm gai” chống Minh, “tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt nào” quyết rửa vết nhục ngoại bang đô hộ “sạch sẽ làu làu”. Chỉ một trận quyết chiến chiến lược Ngọc Hồi Đống Đa vào mùa xuân Kỷ Dậu năm 1789 làm vang vọng bốn phương bản lĩnh tạc lên trời: “Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.

Mưu người tính, sức muôn dân chống giặc, bình định giang san xã tắc, lấy lại nền thái bình muôn thuở cũng vì khát vọng độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Mỗi con người, cả cộng đồng thức dậy, toàn dân tộc vùng lên, vì khát vọng cháy bỏng độc lập tự do.

Chỉ với 20 triệu đồng bào, nhưng quyết “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”, “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”, chỉ 16 ngày tháng Tám năm 1945, dân tộc đã làm một cuộc bẻ gãy xích xiềng nghìn năm phong kiến, cắt phăng vòng nô lệ thực dân quàng cổ dân ta ngót 80 năm làm chấn động lịch sử.

Khi nền độc lập bị xâm phạm, thì “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ… Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước”, dân tộc ta cũng quyết sinh tử, “đem máu nóng rửa vết nhơ nô lệ”, quyết giữ lấy nền độc lập tự do mà sinh mệnh coi nhẹ tựa lông hồng.

Xuân Ất Mão 1975, chỉ với 55 ngày đêm, bằng đại thắng mùa xuân, với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh, hơn 31 triệu đồng bào nước Việt viết nên một trong những trang anh hùng nhất và lẫm liệt nhất trong lịch chống ngoại xâm của dân Việt Nam, giữ vững nền độc lập vô giá, thống nhất giang sơn. Quốc gia Việt Nam độc lập, dân tộc Việt Nam tự do.

Khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” trở thành chân lý bất biến, là sự nối tiếp truyền đời của khát vọng quốc gia “Hùng cứ một phương”, “Non sông nghìn thuở vững âu vàng”, “Mở nền thái bình muôn thủa” của ông cha ta chảy suốt mấy ngàn năm; là ngọn nguồn của sức mạnh vô địch làm nên vị thế và danh dự nước Việt Nam, sự bất diệt, trường tồn và phát triển thống nhất cùng trời đất của dân tộc Việt Nam ta.

Khát vọng ấy hun đúc thành khí phách Việt Nam trong cuộc tranh lại và bảo vệ kỳ vĩ nền độc lập tự do vô giá và thiêng liêng của tổ quốc. Việt Nam đã chiến thắng trong tất cả các cuộc chiến tranh xâm lược của các siêu cường trên thế giới, ở khắp mọi thời, trong lịch sử hoàn cầu.

“Sống vững chãi bốn nghìn năm sừng sững

Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa”

“Còn non còn nước còn người…

Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Khát vọng phát triển Việt Nam hùng cường, trong tầm nhìn năm 2030 –  2045.

Năm mươi năm trước, ngày 10 tháng 5 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên liệu như thế. Đó là hoài bão của nước Việt Nam độc lập Dân tộc Việt Nam tự do Nhân dân Việt Nam hạnh phúc từ nghìn đời sục sôi và kết tinh thành đỉnh cao cuộc Cách mạng tháng tám năm 1945.

Khát vọng Việt Nam độc lập và hùng cường

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển như vũ bão nhưng cũng tiềm tàng sự bất trắc, thậm chí sinh tử khó lường của thời đại ngày nay.

Lúc này, chúng ta không bảo vệ bằng mọi giá nền độc lập chân chính, sự thống nhất toàn vẹn tổ quốc thì không thế nói tới sự hùng cường bền vững và đích thực.

Không có sự độc lập và hùng cường, chúng ta càng không thể nói tới hạnh phúc vô giá của nhân dân. Đó là hoài bão trọng đại, một sự nghiệp vẻ vang, một động lực to lớn nhưng vô cùng khó khăn, đong đầy gian khổ và cả sự hy sinh, nhưng sẽ làm nên vị thế, sức mạnh và uy tín của nước Việt Nam, nguồn sinh lực vô biên, tiềm tàng bên trong bảo đảm sự trường tồn của dân tộc ta trong thế giới ngày nay.

Đó là thách thức tồn vong phải được hóa giải bằng danh dự, phẩm giá, sức mạnh, uy tín và khí phách của dân tộc Việt Nam.

Đó còn là hoài bão lớn lao phải được xây nên từ trí tuệ, lương tâm, liêm sỉ, trách nhiệm và bản lĩnh của mỗi người Việt Nam, của hơn 96 triệu đồng bào ta.

Khát vọng ấy nguội tắt thì thất vọng ê chề và cầm chắc sự ươn hèn, bạc nhược và nhất định thất bại.

Khát vọng ấy không chấp nhận những ai tự huyễn hoặc, nói suông, những người do dự, hoang mang, thất vọng, lại càng không thể dung thứ những ai yếm thế, lùi bước, bỏ cuộc và đầu hàng.

Nhưng chỉ biết thổi phồng khát vọng là ảo vọng, buông bỏ khát vọng là thất vọng, thậm chí là đại họa và sớm muộn tự mình rơi vào thúc thủ, bạc nhược, hèn yếu, tụt hậu, lẽo đẽo theo sau người khác, vô hình trở thành tôi tớ, phụ thuộc, nô lệ kẻ khác.

Nhị Lê/VNN

Bài mới
Đọc nhiều