+
Aa
-
like
comment

Khát vọng từ giải Nobel của Việt Nam

An Diễm - 18/01/2022 12:23

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vừa có kỳ vọng về việc Việt Nam sẽ có nhà văn đạt giải thưởng Nobel văn chương, mang đến niềm tự hào cho đất nước. Và lời phát biểu này bị nhiều “trí thức mạng” thiển cận vào chê bai, bình phẩm.

Chủ tịch nước trao giải cho các tác giả trẻ

Phát biểu của Chủ tịch nước về giải Nobel là lời gửi gắm đầy tâm huyết tới các nhà văn. Ông cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng “cần tạo ra không gian sáng tạo để các nhà văn sáng tạo nhưng không được làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, dân tộc đã xây dựng”. Vậy là trong bài viết của mình, RFA dẫn lời một nhóm người được gọi là trí thức, doanh nhân cùng nhau đưa ra những luận điệu kích động là Việt Nam thiếu tự do ngôn luận, tự do tư tưởng nên đừng bao giờ mơ đến giải Nobel. Hội Anh em dân chủ thì đi xa hơn khi lu loa rằng muốn đạt giải Nobel thì phải có các tác phẩm mang tính chiến đấu, chống Đảng, chống Nhà nước. Rồi họ cười cợt bình phẩm, cho là phát biểu của Chủ tịch nước chỉ mang tính hài hước, thậm chí tuyên truyền.

Xin nói thẳng, tầm nhìn và khát vọng của người là nguyên thủ quốc gia, đứng đầu Nhà nước đương nhiên khác hẳn với sự hạn hẹp trong tư duy của các “trí thức mạng”. Việt Nam không nên mơ đến giải văn học quốc tế ư? Năm 2021, vượt qua tác giả từng thắng Pulitzer, Booker, nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai đoạt giải văn học lớn ở Mỹ là giải Dayton vì hòa bình. Cũng trong năm này, nhà thơ Trần Quang Đạo, nhà văn Võ Khắc Nghiêm đạt giải thưởng văn học ASEAN của hoàng gia Thái Lan. Năm 2018, tác phẩm “Cánh đồng bất tận” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã giành giải thưởng Literaturpreis do Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, Phi, Mỹ Latinh ở Đức bình chọn. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng đạt giành Giải thưởng văn học quốc tế Hàn Quốc Changwon trong năm này.

Ngoài văn chương, Việt Nam từng có giải nhiều giải thưởng trong các lĩnh vực khác nhau. Đơn cử như giải Nobel hòa bình của cố vấn Lê Đức Thọ. Những điều này chứng tỏ người Việt Nam không phải là thiếu khả năng hay điều kiện vật chất mà cơ bản là tài năng, tầm vóc, vị thế của các nhà văn chúng ta chưa được như mong đợi. Cũng cần nhìn thêm một khía cạnh khác là theo thống kê, trong lĩnh vực Nobel văn học thì Ủy ban xét duyệt giải thường bị đánh giá là quá thiên vị châu Âu dẫn đến ít cơ hội cho những nước châu Á. Cho đến nay đã có hơn 100 giải được trao nhưng mới chỉ có 5 người châu Á đạt giải gồm 2 người Trung Quốc, 2 Nhật Bản và 1 Ấn Độ.

Để vươn tầm và phát triển, văn học Việt Nam nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung cần có tầm nhìn và khát vọng lớn. Tầm nhìn lớn để thúc đẩy bản thân vươn lên, không hài lòng với những gì đang có. Khát vọng lớn để tạo ra động lực, thúc đẩy bản thân cố gắng nhiều hơn. Không thể có những thành quả mới, cao hơn, xa hơn với cách làm và tư duy cũ kỹ. Quan điểm cho rằng phải được tự do hơn, tạo điều kiện hơn mới viết được văn hay thực sự là một tư duy cũ kỹ, vì nó thể hiện việc người ta muốn giữ lại cách làm cũ và kém hiệu quả của mình, và đổ lỗi cho mọi thứ xung quanh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc xưa nay nổi tiếng là người làm nhiều, đi nhiều và luôn có tầm nhìn cũng như khát vọng phát triển mãnh liệt. Đi đến tỉnh thành nào ông cũng kêu gọi người dân và lãnh đạo tỉnh phải có quyết tâm, phải có tâm thế quyết liệt trong việc phấn đấu đi lên. Và hơn ai hết, Chủ tịch nước cũng luôn đau đáu về lòng tự hào dân tộc.

Chỉ đạo của Chủ tịch nước về giải Nobel văn chương không phải là một mục tiêu xa vời, mà đó là lời khẳng định: Thế giới làm được thì người Việt Nam quyết tâm làm được, và phải đặt mục tiêu làm được. Có thể điều đó sẽ chưa đến trong tương lai gần, nhưng nếu có ước mơ đủ lớn và được truyền lại cho nhiều thế hệ sau thì điều gì cũng có thể xảy ra. Trong hàng trăm năm chiến đấu giành độc lập cho Tổ quốc, người Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ kia đã chiến đấu và chiến thắng những cường quốc mạnh nhất thế giới, lập nên nhiều chiến công chấn động năm châu, lừng lẫy địa cầu. Đó là những thành tựu chói lọi mà chắc chắn hàng trăm năm sau nhiều người Việt Nam sẽ còn nhìn vào đó để tự hào.

Những lời bình luận của RFA hay Hội Anh em dân chủ về phát biểu của Chủ tịch nước vừa là những suy nghĩ tiêu cực, vừa thể hiện tầm nhìn hạn hẹp, thiển cận. Trong khi Chủ tịch nước vẽ lên giấc mơ và khát vọng về một giải thưởng danh giá nhất thế giới để mang lại niềm tự hào cho dân tộc, họ như những con ếch trong đáy giếng, tự lấy khoảng trời riêng của mình để hài lòng và mỉa mai, phân tích. Đó là chỉ là tư duy chống phá, không muốn Việt Nam phát triển.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều