+
Aa
-
like
comment

Khát vọng trở thành quốc gia thịnh vượng

02/09/2019 14:10

Tại Phòng Bầu dục của nước Mỹ mùa hè năm 2017, Tổng thống Donald Trump nắm chặt bàn tay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nồng ấm và trọng thị. Dường như, không còn khoảng cách nào giữa nền kinh tế có quy mô gần 20.000 tỷ USD với nền kinh tế hơn 200 tỷ USD và ở xa nhau nửa vòng trái đất. 

Tổng thống Donald Trump nắm chặt bàn tay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Phòng Bầu dục, mùa hè năm 2017.

Có nhiều điểm khá tương đồng nhau, khi hai nhà lãnh đạo cùng từng là doanh nhân, cùng chung cách tư duy bảo đảm lợi ích kinh tế cao nhất cho quốc gia mình. Cái bắt tay chặt này đã cho thế giới thêm một lần nữa, thừa nhận vị thế của Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên Tổng thống Donald Trump chủ trì đón tiếp nhà lãnh đạo của một quốc gia Đông Nam Á tại Nhà Trắng kể từ khi nhậm chức, gửi một thông điệp mạnh mẽ về việc chính quyền của ông Donald Trump thực sự nghiêm túc trong việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam và cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo đầu tiên từ một nước thành viên ASEAN và là lãnh đạo thứ 3 từ Đông Á, sau Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến gặp Tổng thống Mỹ. Sau nước Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản là những nền kinh tế đứng thứ 2 và thứ 3 trên thế giới.

Dư vị ngọt ngào sau lần đầu tiên này là tháng 11 năm đó, Tổng thống Donald Trump đến Việt Nam để dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tiếp tục tạo thêm dấu ấn lần đầu tiên có một tổng thống Hoa Kỳ tới thăm Việt Nam trong năm đầu tiên đương chức. Hơn nữa, Tổng thống Donald Trump lại bay nửa vòng trái đất để đến Việt Nam họp Thượng đỉnh Mỹ – Triều.

Ông Trump bước xuống sân bay Nội Bài từ chuyên cơ Air Force One tối 26/2/2019. Chỉ trong vòng 15 tháng, Tổng thống Mỹ tới Việt Nam hai lần, là điều chưa từng có trong lịch sử quan hệ Việt – Mỹ.

Tổng thống Donald Trump khi gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần bày tỏ khâm phục trước sự “phát triển kỳ diệu” của kinh tế Việt Nam, về vị thế, vai trò của Việt Nam, “ấn tượng mạnh mẽ về sự phát triển quan hệ Việt Nam”…

Dù Hà Nội chưa thể trở thành một cái tên cho thoả thuận hoà bình mang tính đột phá giữa Mỹ và Triều Tiên, nhưng với vai trò là nước chủ nhà tổ chức sự kiện mang tầm cỡ toàn cầu này, Việt Nam thu về được những thắng lợi về ngoại giao, qua đó củng cố vai trò là một trong những đối tác lớn của Washington tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Việt Nam liệu có thể ghi dấu như vậy không nếu không có được một nền kinh tế độc lập, tự chủ? Và, nếu không có được nền kinh tế độc lập tự chủ, thì hẳn là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng không thể quả quyết được rằng: “Việt Nam muốn là bạn của những người giỏi nhất. Việt Nam có đủ tự tin để làm điều đó. Vì chúng tôi có khát vọng trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng, đó là khát vọng mãnh liệt, không thua kém với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới”.

(Theo VnEconomy)

Bài mới
Đọc nhiều