Khấp khởi về đề xuất mới liên quan đến giá điện
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) yêu cầu khẩn trương xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần, gồm giá công suất và giá điện năng. Đây được xem là đề xuất linh hoạt giúp người dân dễ dàng lựa chọn việc tiêu thụ điện theo nhu cầu của từng hộ gia đình.
Phân tích về giá điện 2 thành phần, ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam cho biết, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng, chủ yếu cho khách hàng sản xuất kinh doanh, có nơi áp dụng cho điện sinh hoạt. Giá điện 2 thành phần bao gồm giá điện theo công suất và điện năng.
Trong khi đó, Việt Nam đang áp dụng biểu giá điện một thành phần, tức biểu giá điện tính theo điện năng. Biểu giá điện một thành phần theo điện năng chủ yếu bù đắp chi phí biến đổi về nguyên vật liệu. Còn giá điện hai thành phần bao gồm thêm chi phí cố định như chi phí khấu hao tài sản, chi phí sửa chữa, chi phí tiền lương…
Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam đánh giá biểu giá điện một thành phần không phản ánh hết tác động gây ra đối với sản xuất điện. Nhưng biểu giá điện 2 thành phần thì ngược lại khi phản ánh đầy đủ chi phí đầu tư và chi phí vận hành, trên cơ sở đó tiêu dùng điện chi trả để bảo đảm đầu tư đó.
Cùng với đó, còn có tác dụng phát đi tín hiệu để người sử dụng dùng điện biết được rằng, mình sử dụng điện như thế nào để điều chỉnh hành vi sử dụng điện cho hiệu quả.
“Tôi đã có dịp đi nghiên cứu ở Thái Lan, Trung Quốc. Khi người ta điều chỉnh giá điện, hầu như khách hàng không kêu bởi chi phí cố định giữ nguyên và minh bạch.
Hiện nay, chúng ta nghiên cứu thí điểm là đúng để đánh giá tác động của nó ra sao, để chứng minh sự khác nhau giữa hai phương án. Đặc biệt với người tiêu dùng sẽ có cơ hội đánh giá và so sánh giữa hai phương án về mức độ chênh lệch giá khi sử dụng điện. Tôi cho rằng, chúng ta cần có thời gian thí điểm như vậy để đánh giá, tổng kết và nhân rộng đại trà nếu thực sự hiệu quả”, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế – Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) so sánh giá điện 2 thành phần nôm na giống với giá cước điện thoại cố định. Tức là một số tiền cố định gọi là tiền thuê bao hàng tháng, dù không nghe gọi gì, gọi là giá công suất. Phần thứ hai là tính trên lượng điện năng tiêu thụ, gọi là giá điện năng.
Theo ông Đức, cơ chế biểu giá điện 2 thành phần phản ánh chính xác chi phí phải bỏ ra để phục vụ mỗi khách hàng, là chi phí đường dây, trạm biến áp và chi phí điện năng.
Ông Đức lấy ví dụ, hai khách hàng sử dụng điện là một nhà hàng và một nhà máy. Nhà máy hoạt động đều đều 24/24, điện năng tiêu thụ ổn định. Nhà hàng thì chỉ sử dụng điện mạnh vào bữa trưa và bữa tối. Nếu sản lượng điện hai bên dùng như nhau thì công suất cực đại của nhà hàng lớn hơn, thì đường dây, trạm biến áp phải chuẩn bị công suất lớn hơn, chi phí lớn hơn.
Như vậy, tác động của giá điện 2 thành phần sẽ làm giảm việc bù chéo giữa các khách hàng. Thứ hai là tránh các khách hàng cứ đăng ký công suất lớn rồi không dùng.
Ví dụ, có nhà máy đăng ký công suất lớn, yêu cầu điện lực chuẩn bị đường dây, trạm biến áp nhưng dự án chậm tiến độ, nhiều năm trời không tiêu thụ điện. Chi phí đường dây, trạm biến áp trong những năm này bị lãng phí. Chi phí này lại đổ lên đầu các khách hàng khác.
Trao đổi về đề xuất này, ông Trần Việt Hòa – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hầu hết các nước trong khu vực và trên thế giới đều áp dụng giá điện hai thành phần. Việc áp dụng giá điện 2 thành phần sẽ đưa ra tín hiệu đúng cho cả bên sản xuất điện và bên tiêu thụ điện để nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc phân bổ và sử dụng nguồn lực hợp lý.
Với việc áp dụng thêm thành phần giá công suất (đ/kWh hoặc đ/kVA) sẽ khuyến khích khách hàng sử dụng điện hiệu quả, góp phần nâng cao hệ số phụ tải điện và tiết kiệm được tiền điện.
Bảo Trâm