+
Aa
-
like
comment

Khảo sát độ hài lòng của người dân: Đừng làm cho có!

Công Luân - 20/07/2023 14:00

Thời gian vừa qua, dư luận đã chứng kiến ồ ạt việc đánh giá mức độ hài lòng và phản ánh, kiến nghị với lực lượng bằng hình thức quét mã QR. Đây là do chỉ đạo từ văn bản số 6076/BNV-CCHC về việc tổ chức triển khai đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thế nhưng sau hơn nửa năm triển khai, tại cuộc họp hôm 19/07, Thủ tướng vẫn phải yêu cầu chấm dứt tình trạng thủ tục hành chính phiền hà, nhũng nhiễu người dân.

Một người dân đang thực hiện thao tác quét mã QR code trên ứng dụng Zalo

Trên lý thuyết thì khảo sát làm bằng công nghệ số, đảm bảo sự minh bạch, khách quan, không có tư vấn, định hướng hay áp lực nào từ phía cơ quan nhà nước. Người dân có thể dễ dàng truy cập và làm khảo sát bằng mã QR code hay mã định danh điện tử. Kết quả lập tức được ghi nhận vào hệ thống, không ai có thể can thiệp hay sửa đổi được. Như vậy thông tin nhận được mới đảm bảo chính xác, có dữ liệu chính xác, phân tích chính xác thì biện pháp đối ứng mới đảm bảo tính thích hợp, hài hoà.

Tuy nhiên, câu hỏi người dân đặt ra là chủ trương đúng, chính sách hay nhưng kết quả sau đó là gì? Người dân có dễ dàng hơn khi tiếp cận các thủ tục hành chính, kết quả khảo sát có rồi thì với nơi có kết quả hài lòng cao sẽ được gì? Mô hình có được nhân rộng hay không? Có được khen thưởng hay không? Còn với nơi đánh giá kém như nhà hàng bị đánh giá một sao thì xử lý ra sao, hay làm khảo sát để cho vui rồi sau lại hoà cả làng thì người dân lại mất lòng tin.

Chính vì thế để chủ trương được thực hiện một cách đúng đắn nhất thì cần có sự thanh tra giám sát minh bạch và giải đáp của các cơ quan có thẩm quyền. Ít nhất người dân cần phải có câu trả lời là những đánh giá của mình đã đi đến đâu, đã được ai đáp ứng. Tâm tư nguyện vọng của người dân rất là lớn nếu không thì làm gì có tới hàng nghìn cuộc gọi sau khi Chủ tịch Hà Tĩnh lấy số điện thoại cá nhân làm đường dây nóng.

Bên cạnh đó, cũng phải có những hình thức xử lý công khai đối với những cán bộ sách nhiễu làm khó nhân dân. Hay cũng là để những người dân có thái độ ngông cuồng, cứ đến cơ quan nhà nước là xách máy quay rồi đưa lên mạng bất chấp đúng sai biết đường mà điều chỉnh. Rất mong mỏi sau cuộc họp ở tổng kết với Thủ tướng, 6 tháng sau người dân được lắng nghe chi tiết về số liệu một cách minh bạch, khách quan, có khen có phạt.

Thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin đánh giá cải cách hành chính thì việc khảo sát này chính là một phép thử cho việc lắng nghe tiếng nói của người dân đối với việc vận hành của bộ máy công quyền. Do đó, người dân mong muốn khảo sát này được thực hiện một cách trung thực, khách quan tránh việc số liệu có thể sửa đổi theo ý chủ quan của ai đó.

Cũng cần phải nhìn sâu rằng, tuy khảo sát mức độ hài lòng của người dân là việc rất hay, nhưng chỉ là phần ngọn. Muốn giải quyết tận gốc vấn đề thì chỉ có cách hoàn thiện hệ thống pháp luật, loại bỏ những gì cũ kỹ, lỗi thời, chọn lọc thứ cần thiết và áp dụng tối đa sức mạnh công nghệ, chuyển đổi số thì tự nhiên thời gian được giảm thiểu, người dân được hưởng lợi tự khắc sẽ hài lòng.

Còn người dân với trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, hãy tìm hiểu nâng cao kiến thức hiểu biết luật pháp của mình trước khi đi làm thủ tục hành chính. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, không thể cứ giữ lối suy nghĩ đổ lỗi cho người khác khi mình đi làm cho quyền lợi của chính mình.

Công Luân

Bài mới
Đọc nhiều