+
Aa
-
like
comment

Khảo sát, đánh giá kết quả tổng kết Nghị quyết số 49- NQ/TW và Chỉ thị số 33- CT/TW của Bộ Chính trị

21/08/2019 22:01

Đến thời điểm này, Bộ Công an đã nghiêm túc, khẩn trương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết số 49 và Chỉ thị số 33 theo đúng hướng dẫn của Ban Chỉ đạo. Trên cơ sở đó đã xây dựng các báo cáo tổng kết bảo đảm chất lượng.

Sáng 21-8, tại Hà Nội, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, chủ trì buổi tiếp Đoàn công tác của Ban Nội chính Trung ương do đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Trưởng ban thực hiện Đề án, Trưởng đoàn Công tác số 1 dẫn đầu, làm việc với Đảng ủy Công an Trung ương khảo sát, đánh giá kết quả tổng kết Nghị quyết số 49- NQ/TW và Chỉ thị số 33- CT/TW của Bộ Chính trị.

Phát biểu khai mạc buổi làm việc, thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ: Thực hiện kế hoạch số 01 ngày 22-5-2019 của Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 49- NQ/ TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (gọi tắt là Nghị quyết số 49) và Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 33 ngày 30-3-2009 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư trong Công an nhân dân (gọi tắt là Chỉ thị số 33), Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 219 ngày 13-6-2019 về tổng kết Nghị quyết số 49 ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020 trong CAND.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại buổi làm việc.

Đảng ủy Công an Trung ương đã giao cho Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an có Công văn số 1575 ngày 30-5-2019, hướng dẫn Công an các đơn vị địa phương thực hiện tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 33 trong CAND từ 1-4-2009 đến ngày 31-12-2018, theo nhiệm vụ, công việc cụ thể phù hợp với lĩnh vực, địa bàn được giao phụ trách.

Đến thời điểm này, Bộ Công an đã nghiêm túc, khẩn trương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết số 49 và Chỉ thị số 33 theo đúng hướng dẫn của Ban Chỉ đạo. Trên cơ sở đó đã xây dựng các báo cáo tổng kết bảo đảm chất lượng.

Báo cáo Tổng kết Nghị quyết số 49 và Chỉ thị số 33 nêu rõ: Thực hiện nhiệm vụ của chiến lược CCTP trong CAND đã được Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, cấp ủy, lãnh đạo Công an các cấp đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, Nghị quyết số 49 đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và hoạt động của lực lượng CAND; đặc biệt là các cơ quan điều tra và đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp; bổ trợ tư pháp; chất lượng hoạt động điều tra, xử lý tội phạm được nâng cao một bước; tỷ lệ án oan, sai, thời hạn tố tụng hình sự bị kéo dài có nguyên nhân từ hoạt động điều tra giảm cơ bản.

Tổ chức bộ máy cơ quan thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp đã được kiện toàn từ trung ương đến địa phương, góp phần bảo đảm cho các quyết định, bản án của Tòa án các cấp được thực hiện nghiêm minh, phục vụ đắc lực hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 33- CT/ TW nhận thức của cán bộ, chiến sỹ trong toàn lực lượng CAND về vai trò, vị trí của tổ chức và hoạt động của luật sư đã được nâng cao; quyền và nghĩa vụ của luật sư được bảo đảm theo đúng pháp luật của tổ tụng; hoạt động phối hợp giữa lực lượng CAND và đội ngũ luật sư trong công tác điều tra, xử lý vụ án có nhiều chuyển biến tích cực.

Lãnh đạo Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp đã luôn quan tâm, chỉ đạo các cơ quan điều tra phải tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các tổ chức luật sư hoạt động tham gia vào quá trình điều tra, truy tố, đảm bảo tính khách quan, minh bạch và bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa…

“Trong xử lý tội phạm, năm 2019, mục tiêu của Bộ Công an đặt ra là giảm tội phạm từ 3-5 %” làm rõ thêm một số nội dung báo cáo và các vấn đề liên quan khác theo đề nghị của các thành viên đoàn công tác, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh: Trong quá trình đấu tranh với tội phạm, Bộ Công an luôn đặt ra yêu cầu không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Bộ trưởng Tô Lâm cũng chỉ ra những khó khăn; những áp lực các điều tra viên phải đối mặt trong quá trình đấu tranh với phạm; diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm. Ngoài việc phải đối mặt với áp lực điều tra còn là sự dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo, đe dọa thậm chí vu cáo của tội phạm.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, nhấn mạnh: Lực lượng Công an nói chung và các cơ quan tư pháp của Bộ Công an nói riêng đã có những đóng góp lớn trong công tác hoàn thiện chính sách pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp, luật sư và hỗ trợ tư pháp…, góp phần rất lớn trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật hình sự, dân sự và tố tụng tư pháp; đóng góp cho Quốc hội, Chính phủ và ngành Công an.

Đồng chí Phan Đình Trạc phát biểu kết luận buổi làm việc.

Đồng chí Phan Đình Trạc chỉ rõ: Các đồng chí đã thực hiện nghiêm túc  quy định của pháp luật về tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan tư pháp, hỗ trợ tư pháp, thi hành án trong CAND… Cơ bản đã thực hiện đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho người bào chữa thực hiện quyền và nghĩa vụ theo pháp luật.

Cùng với đó, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ trong cơ quan điều tra, thi hành án, các cơ quan hỗ trợ tư pháp, từ khâu đào tạo, bồi dưỡng, thi tuyển; phòng chống tiêu cực, sai phạm. Từ đó, góp phần xây dựng đội ngũ luật sư được tốt hơn. Chất lượng, hiệu quả công tác điều tra tội phạm và thi hành án hình sự, hỗ trợ tư pháp trong CAND không ngừng được nâng lên vào có những bước tiến lớn.

“Nghị quyết số 49 và Chỉ thị số 33 đã đóng góp quan trọng việc phòng chống tham nhũng; góp phần hạn chế oan, sai, khắc phục tình trạng hình sự hóa các quan hệ dân sự”  Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nêu rõ.

Chỉ rõ 7 hạn chế, khó khăn và vướng mắc về thể chế, trong quan hệ phối hợp và sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, Trưởng Ban Nội chính Trung ương  cho biết: Qua đợt khảo sát này, Đoàn Công tác sẽ rút ra một số vấn đề để tham mưu cho Bộ Chính trị và Ban Bí thư để ban hành chính sách mới.

Đồng chí yêu cầu Đảng ủy Công an Trung ương tiếp tục hoàn thiện chính sách về hình sự, tố tụng tư pháp, hỗ trợ tư pháp…, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, phù hợp với sự phát triển của xã hội trong thời gian tới. Bên cạnh đó, xác định đúng vai trò, vị trí, khó khăn, vất vả của cơ quan điều tra và hoạt động điều tra thi hành án; của người bào chữa và hoạt động bào chữa, của kiểm soát hoạt động tư pháp để có sự quan tâm, đào tạo; lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư cho đúng mức cả nhân lực, kinh phí và chế độ…

Cùng với đó, cần có cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin để chấn chỉnh, xây dựng và xử lý vi phạm của cơ quan và người tham gia tố tụng, kể cả điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và người bào chữa; chống oan sai, đi liền với chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; tăng cường phân cấp, phối hợp, hướng dẫn nghiệp vụ cho cấp dưới theo phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” cũng như việc ban hành chỉ thị mới về luật sư  về công tác cải cách tư pháp

Phát biểu kết luận buổi làm việc, thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm cảm ơn đồng chí Trưởng đoàn công tác đã cho ý kiến chỉ đạo, định hướng về việc triển khai thực hiện tổng kết Nghị quyết số 49 và tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 33. Bộ trưởng Tô Lâm cho  biết  trên cơ sở buổi làm việc, Đảng ủy Công an Trung ương sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của Đoàn công tác để khẩn trương hoàn thành Báo cáo tổng kết Nghị quyết số 49 trong Công an nhân dân và có báo cáo tổng kết của Đảng ủy Công an Trung ương gửi Ban Nội chính Trung ương được đầy đủ, phản ánh tổng quan kết quả triển khai công tác cải cách tư pháp trong Công an nhân dân 15 năm qua.

(Theo Xuân Mai/Công An Nhân Dân)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều