Trước đề nghị của phía Trung Quốc tạm dừng thông quan hàng hóa trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành công văn đề nghị các ban, ngành chức năng địa phương ứng phó.
UBND tỉnh Lạng Sơn vừa có văn bản số 5507/VP-KT gửi các ban, ngành chức năng và một số huyện, thành phố trên địa bàn về việc đề nghị của thị xã Bằng Tường (Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc) dừng hàng lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc trước và sau Tết Nguyên đán 14 ngày.
Sở Công thương thông báo cho các tỉnh về việc này để có những ứng phó, tránh thiệt hại cho doanh nghiệp. Các đơn vị làm việc tại cửa khẩu triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa.
Hàng nghìn xe hàng mắc kẹt tại cửa khẩu chờ thông quan
Theo Bộ Công Thương, tình trạng ùn ứ các xe hàng tại cửa khẩu biên giới các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh… đã được UBND tỉnh, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) khuyến nghị rất nhiều lần. Nhưng, dù được khuyến nghị, các xe hàng vẫn ùn ùn nối đuôi lên biên giới khiến tình trạng quá tải càng thêm nghiêm trọng.
UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, trước tình trạng ùn ứ này, ngày 29.11.2021, tỉnh đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố thông tin về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh và đề nghị phối hợp triển khai các giải pháp tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng nông sản, trái cây qua các cửa khẩu giáp biên giới trong thời gian tới.
Các địa phương thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình xuất nhập khẩu, khuyến nghị tới các thương nhân, chủ động kế hoạch chế biến, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa… tránh để phát sinh ùn ứ và những bất lợi khác.
Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng khuyến nghị các chủ hàng cân nhắc khi vận chuyển hàng hóa lên cửa khẩu.
Đặc biệt, không riêng gì phía Việt Nam, phía Trung Quốc cũng có thông báo, nêu rõ: “Do tình hình dịch bệnh (COVID-19, PV) ngày càng nghiêm trọng, lái xe cửa khẩu cần về quê sớm để cách ly 21 ngày kịp đón năm mới với gia đình, dẫn đến việc xuất hàng sang Việt Nam sẽ phải dừng sớm hơn mọi năm. Hàng hóa về tới kho Bằng Tường trước ngày 31.12 sẽ được thông quan về Việt Nam trước Tết Nguyên đán. Hàng hóa về tới kho Bằng Tường sau Tết Dương lịch 1.1.2022 khả năng sẽ đợi sau khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán mới thông quan tiếp…”.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 12.2021 đến nay, tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu ngày càng nghiêm trọng, lưu lượng xe chở hàng lên biên giới vẫn tăng cao, trong khi năng lực thông quan tại các cửa khẩu rất hạn chế do phía Trung Quốc siết chặt kiểm dịch, xét nghiệm để phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì, phương tiện vận tải…
Không riêng gì cửa khẩu Tân Thanh, hiện nay lượng xe container hàng đông lạnh và hoa quả xuất sang Trung Quốc qua Móng Cái (Quảng Ninh) đến ngày 17.12 vẫn còn kẹt lại khoảng trên 1.000 xe container, trong khi đó, số xe container được thông quan hàng ngày chỉ từ 40-50 xe/ngày, khiến lượng xe ùn ứ ở Móng Cái rất lớn.
Hiện lãnh đạo các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh đã phối hợp với các bộ: Công Thương, NNPTNT và các cơ quan chức năng phía Trung Quốc để cùng tháo gỡ. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ có thể giải quyết được căn cơ khi các chủ hàng tạm ngừng chở hàng lên biên giới, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, trái cây, bởi thời gian kiểm tra, thông quan kéo dài sẽ khiến chất lượng nông sản, rau quả bị biến đổi, thậm chí thối hỏng.
“Cả Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương đều phối hợp tuyên truyền, khuyến nghị rất nhiều lần, nhưng tình trạng chở hàng lên cửa khẩu vẫn tiếp tục diễn ra, dù biết rất rõ tình trạng ùn tắc này” – TS Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) nói.
Điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc ngày càng khắt khe
Theo ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NNPTNT), mới đây, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được thông báo số G/SPS/N/CHN/1242 của Trung Quốc về dự thảo mức dư lượng giới hạn thuốc bảo vệ thực vật trong hoặc trên thực phẩm với nội dung thông báo: Dự thảo thiết lập 733 mức giới hạn dư lượng tối đa (MRLs) đối với 145 loại thuốc trừ sâu, bao gồm cả 2,4-dichlorophenoxybutyric acid,… trong hoặc trên thực phẩm; Thời hạn cuối cùng nhận góp ý: 1.2.2022. Ngày có hiệu lực: Chưa xác định.
“Phía Trung Quốc gửi thông báo đến thành viên WTO lấy ý kiến về việc thay đổi 733 mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật. Như vậy, bạn áp dụng mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu nông sản sang là phải nghiên cứu kỹ để đáp ứng. Trong tháng 11.2021, Văn phòng SPS Việt Nam cũng nhận được 7 thông báo của Trung Quốc liên quan đến tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia đối với chất khử trùng, vật liệu bao gói sản phẩm” – ông Ngô Xuân Nam thông tin.
Nguyễn Anh