+
Aa
-
like
comment

Thủ tướng: Quy định về đi lại, lưu thông hàng hóa thiếu thống nhất

20/10/2021 06:02

Khai mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung. Thủ tướng, một số bộ trưởng và thành viên Chính phủ sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp này.

Sáng nay 20/10, các đại biểu Quốc hội dự Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV tại điểm cầu Nhà Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch cho năm 2022 do Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày trước Quốc hội sáng 20/10, đại dịch Covid-19 là vấn đề xuyên suốt được đề cập, liên quan đến cả kết quả phát triển kinh tế năm 2021 và kế hoạch năm 2022.

Là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, song theo người đứng đầu Chính phủ, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư ở nhiều địa phương buộc chúng ta phải áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch chưa có tiền lệ, mạnh mẽ, quyết liệt để bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Cũng vì đại dịch, sản xuất kinh doanh, sinh kế và đời sống nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dù vậy, Thủ tướng khẳng định chúng ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng và rất đáng khích lệ.

Quy định về đi lại, lưu thông hàng hóa thiếu thống nhất

Báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống dịch, Thủ tướng nhấn mạnh sau khi nâng cấp, kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, một lực lượng lớn chưa từng có đã được điều động trong thời gian rất ngắn (khoảng 300.000 người) để hỗ trợ các địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, gồm TP.HCM và các tỉnh có dịch.

Bên cạnh đó, công tác ngoại giao vaccine được đẩy mạnh, góp phần vào chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay với tinh thần “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”.

Theo người đứng đầu Chính phủ, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì phù hợp ở những nơi đủ điều kiện, an toàn dịch bệnh; hạn chế đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động.

“Chúng ta đã nỗ lực hết sức mình trong điều kiện có thể vì nguồn lực, năng lực hệ thống y tế còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là ở cấp cơ sở. Hầu hết vật tư, sinh phẩm, thiết bị y tế, đặc biệt là thuốc, vaccine trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu trong điều kiện nguồn cung khan hiếm trên toàn cầu”, Thủ tướng chia sẻ.

Thu tuong bao cao Quoc hoi tinh hinh dich Covid-19 anh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo kinh tế – xã hội trước Quốc hội. Ảnh: Quốc hội.

Dẫn lại đánh giá của Trung ương, Thủ tướng khẳng định các chủ trương, chính sách, biện pháp được triển khai trong thời gian qua là đúng đắn, kịp thời và chỉ đạo, tổ chức thực hiện khẩn trương, quyết liệt, đạt được những kết quả quan trọng.

“Đến nay dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc và đang thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh tại nhiều địa phương”, người đứng đầu Chính phủ thông tin.

Ông cũng nhấn mạnh điều nổi bật là trong những thời điểm khó khăn, thử thách gay gắt nhất của dịch bệnh, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ; xuất hiện rất nhiều tấm gương, nghĩa cử cao đẹp, lay động lòng người.

Đánh giá cao những nỗ lực này, Thủ tướng đồng thời chia sẻ, cảm thông sâu sắc với những tổn thất, mất mát về người, vật chất và tinh thần mà nhân dân phải gánh chịu do đại dịch Covid-19 gây ra.

Nhìn nhận về hạn chế, Thủ tướng thẳng thắn cho rằng công tác phòng, chống dịch có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhất là giai đoạn đầu khi dịch bùng phát mạnh ở TP.HCM và một số tỉnh phía Nam.

Thủ tướng nêu thực tế sự thiếu nhất quán trong triển khai biện pháp phòng, chống dịch, nhất là trong thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội tại cơ sở; việc thực hiện quy định về đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa thiếu thống nhất giữa các địa phương, gây ách tắc, phiền hà cục bộ cho nhân dân.

Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vaccine so với một số nước còn chậm, gặp nhiều khó khăn do khan hiếm trên toàn cầu; việc mua vaccine chịu nhiều rủi ro, phải chấp nhận các điều kiện áp đặt của nhà cung cấp; năng lực y tế, nhất là ở cấp cơ sở còn nhiều hạn chế, bất cập, dẫn đến quá tải ở một số địa phương và số ca tử vong cao trong giai đoạn đầu.

Về kinh tế xã hội, Thủ tướng cho biết dự kiến có 4/12 chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu đề ra. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, tuy nhiên quý III giảm 6,17% do ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt dịch bùng phát lần thứ tư nên tính chung 9 tháng GDP chỉ tăng 1,42%. Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; sức ép lạm phát tăng; xuất hiện tình trạng đứt gãy một số chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động.

Theo lãnh đạo Chính phủ, tình hình sản xuất kinh doanh và đời sống một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong các khu cách ly, phong tỏa, địa bàn tâm dịch. Sức chống chịu của nền kinh tế suy giảm mạnh; số lượng người lao động tạm ngừng việc, thiếu, mất việc làm gia tăng.

Đặc biệt, đời sống tinh thần, tâm lý của người dân bị ảnh hưởng, nhất là tại địa bàn thực hiện giãn cách xã hội kéo dài.

Đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2022 là 6-6,5%

Nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021 được Thủ tướng nhấn mạnh là tập trung nỗ lực cao nhất cho phòng, chống dịch Covid-19; khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, thúc đẩy viện trợ, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất trong nước, đẩy nhanh tiến độ bao phủ tiêm vaccine.

Thu tuong bao cao Quoc hoi tinh hinh dich Covid-19 anh 2
Mục tiêu tăng tăng trưởng GDP được đề ra trong năm 2022 là 6-6,5%. Ảnh: Việt Linh.

Song song với nhiệm vụ này cần chuẩn bị thuốc điều trị cần thiết, nâng cao năng lực y tế và có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, phấn đấu kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc.

Thủ tướng cũng lưu ý tập trung ưu tiên triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp; nhanh chóng khôi phục thị trường lao động do bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19; thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hoá thông suốt.

Cùng với đó, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh cần sớm đưa học sinh trở lại trường học an toàn.

Xác định 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng nhưng dự báo tình hình thách thức lớn hơn cơ hội, Thủ tướng nêu mục tiêu của Chính phủ là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, cùng với tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Trong 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội được đề ra cho năm 2022, Thủ tướng cho biết mục tiêu về tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) là khoảng 6-6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi NSNN so với GDP khoảng 4%.

Để đạt được, Chính phủ đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó ưu tiên hàng đầu là tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội.

Với mục tiêu triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, có lộ trình thích ứng an toàn với dịch, Chính phủ một lần nữa quán triệt các địa phương vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn nhưng không trái với định hướng của Trung ương.

Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội thứ 2

Có 59 nhóm vấn đề được các ĐBQH quan tâm. Đây là kỳ họp cuối năm nên Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời chất vấn.

Trả lời báo chí tại cuộc họp báo thông tin về Kỳ họp thứ 2, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Bùi Văn Cường cho biết, việc quyết định nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn thuộc thẩm quyền quyết định của tất cả đại biểu Quốc hội.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Bùi Văn Cường
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Bùi Văn Cường

Hiện tại bước đầu đã tổng hợp 59 nhóm vấn đề, dự kiến đến thời điểm cuối đợt họp trực tuyến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, sau đó quyết định nhóm vấn đề chất vấn và thành viên Chính phủ đăng đàn trả lời. Theo thông lệ, Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ trong danh sách trả lời chất vấn.

“Theo quy định của pháp luật, các tiêu chí để lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn là những vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Không chất vấn những vấn đề đã có trong Nghị quyết về chất vấn và Nghị quyết về giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm chất vấn và phải phù hợp với tổng thời gian tổ chức phiên chất vấn”, ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.

Tại phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ khi cho ý kiến về chuẩn bị Kỳ họp thứ 2, ngày 13/10, ông Bùi Văn Cường cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 20/9/2021, Tổng Thư ký Quốc hội đã đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đề xuất vấn đề chất vấn.

54 Đoàn đại biểu Quốc hội và 3 đại biểu Quốc hội có văn bản với 59 nhóm vấn đề chất vấn. Tổng Thư ký đã tổng hợp đề xuất chất vấn để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 4, Tổng Thư ký sẽ căn cứ quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và Quy chế về tổ chức hoạt động giám sát của Quốc hội để lựa chọn nhóm vấn đề và người trả lời chất vấn, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Về xây dựng dự thảo Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, ông Bùi Văn Cường cho biết, do việc chuẩn bị, trình và thông qua Nghị quyết về chất vấn rất ngắn (1 ngày) nên Tổng Thư ký đề nghị cho phép xây dựng dự thảo Nghị quyết theo hướng rút ngắn thời gian xin ý kiến giữa các quy trình để bảo đảm tiến độ ban hành Nghị quyết.

Ông Vũ Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, có dự phòng phương án nếu dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trong cả nước thì sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc phải họp trực tuyến cả kỳ nhưng bố trí đợt 2 liền mạch với đợt 1 để kỳ họp kết thúc sớm, tạo điều kiện cho Chính phủ, các địa phương tập trung thời gian cho công tác phòng, chống dịch.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo Nghị quyết (theo quy trình tại một kỳ họp); xem xét, cho ý kiến đối với 5 dự án luật. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; xem xét hàng loạt báo cáo của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao…

Quốc hội dự kiến xem xét, quyết định Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021- 2025); Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; xem xét các Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020.

Tùng Lâm

Bài mới
Đọc nhiều