Khai giảng không thả bóng bay: Xin cùng làm, đừng hô hào suông!
Tuần qua, câu chuyện cô bé lớp 5 mạnh dạn gửi thư tới hơn 40 trường học ở Hà Nội để kêu gọi các trường đừng thả bóng bay trong lễ khai giảng khiến nhiều người lớn không khỏi suy nghĩ. Em gửi thông điệp “Thả bóng bay lên trời: Bay cao ước mơ của các học sinh – giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển”.
Ngày 25/7 vừa qua, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội), nhận được bức thư từ em Nguyễn Nguyệt Linh (học trò lớp 5M2) với câu hỏi “trường mình có thể đừng thả bóng bay vào hôm khai giảng, hoặc hạn chế số lượng bóng bay có được không”?
Cô bé bày tỏ rằng, các nhà trường thường cho các lớp thả bóng bay lên trời vào lễ khai giảng, nhưng khi tìm thấy thông tin bóng bay được làm từ nilon hoặc cao su, có thể gây hại đến các loài chim hay sinh vật khác, em mong muốn các trường không tổ chức hoặc hạn chế hoạt động này. Một ý tưởng đẹp và ý nghĩa sâu sắc của cô bé lớp 5 khiến nhiều người lớn giật mình.
“Tôi nổi da gà khi đọc thư của con. Việc thả bóng bay ở lễ khai giảng, nhiều sự kiện ở trường ta và các nơi khác, đã thành một thói quen “sang trọng”. Nhưng không mấy ai nghĩ đến những hệ lụy mà cô học trò bé nhỏ của thầy đề cập trong thư. Đó là kết quả thật đáng tự hào của nhà trường, gia đình và xã hội trong sự giáo dục “thế hệ chúng con” – công dân thế kỷ 21!”, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie rất bất ngờ và xúc động viết thư phúc đáp cô học trò.
Không chỉ có trường Marie Curie, nhiều trường học trong cả nước đã lên tiếng hưởng ứng và khẳng định sẽ tổ chức lễ khai giảng không thả bóng bay để bảo vệ môi trường theo ý tưởng của nữ sinh 12 tuổi.
Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề đáng quan ngại ở Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về thải rác thải nhựa ra biển (theo thống kê của báo Wall Street Journal công bố năm 2018) chưa kể mức độ ô nhiễm không khí ở một số thành phố lớn cũng đáng được quan tâm.
Trước những hậu quả khôn lường do ô nhiễm môi trường có thể gây ra, nhiều năm nay, Nhà nước và một số địa phương đã có nhiều kế hoạch, chương trình hành động như trồng triệu cây xanh, tăng nặng xử phạt các hành vi xả thải, phá hoại môi trường…
Tuy nhiên, một số người vẫn cho rằng việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm “trên cao”, cá nhân mình có xả thải không đúng cách cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều… Kết quả là chính người lớn cũng không làm gương để giáo dục trẻ em.
Chúng ta thả bóng bay với ý nghĩa gửi gắm những ước mơ bay cao bay xa khởi đầu một năm học mới hào hứng cho các học trò nhưng không nghĩ đến việc bóng bay sẽ gây tác hại với môi trường sống.
Chúng ta thả hoa đăng, đèn lồng như một nét đẹp văn hóa gửi gắm mong cầu nguyện vọng trong các lễ vu lan báo hiếu, cầu siêu, phóng sinh… nhưng đèn lồng, hoa đăng (làm từ nhựa, nilon, giấy, cao su…) được thả xuống sông hay trên trời có thể ảnh hưởng đến sự sống của các sinh vật. Rồi trong lễ khai trương, khánh thành, động thổ…, những chùm bóng bay đủ màu sắc được sử dụng và thả lên trời để thể hiện sự nhiệt huyết, quyết tâm.
Và bé Nhật Linh đã nhẹ nhàng “dạy” chúng ta cách tôn trọng và bảo vệ môi trường sống. Em sớm nhận ra nghi lễ thả bóng bay là một trong những hành động gây hại cho môi trường mà hoàn toàn có thể bỏ được.
Thật đáng khen cho cô học trò nhỏ đã dành sự quan tâm sâu sắc đến môi trường sống và sự phát triển bền vững. Hành động nhỏ nhưng ý nghĩa không nhỏ. Ý tưởng nhỏ nhưng ý nghĩa không nhỏ.
Cảm ơn cô bé đã có một tâm hồn nhân văn thấu đáo! Người lớn chúng ta xin hãy thôi hô hào suông mà cùng bắt tay vào từ những hành động cụ thể nhất, thiết thực nhất vì môi trường của chính chúng ta và các thế hệ mai sau. Phải không các bạn?
Lệ Thu