Khai giảng đón… đại biểu
Học sinh đến từ sớm, đứng vào đội hình, tay cầm cờ và hoa đứng xếp hàng ở cổng để hân hoan chào đón đại biểu. Nếu không may đại biểu đến muộn thì thầy trò cùng… chờ.
Khai giảng để chào đón học sinh, thầy trò bước vào năm học mới có thể nói chỉ còn là cách hiểu về mặt ngôn ngữ. Trên thực tế, ở rất nhiều nơi, thầy cô và học trò không phải là trung tâm của ngày lễ lẽ ra là của mình. Ngày lễ khai giảng của học trò lại là ngày để chào đón các đại biểu đến dự lễ, ngày để nhà trường chào đón khách quý.
Những trường nào có đại biểu về dự lễ khai giảng thì ngày lễ được chuẩn bị rất kỹ. Nào là sân khấu, kèn trống, hoa… Rồi học sinh và cả giáo viên phải dành nhiều thời gian để tập duyệt lễ khai giảng. Các em trong đội hình kèn trống, diễn văn nghệ thì phải luyện tập nhiều công sức hơn nữa.
Trước ngày lễ chính thức, sẽ có những buổi khai giảng thử, các em phải thực hiện hết các khâu từ đón, tặng hoa đại biểu, diễu hành, hát, vỗ tay hân hoan…
Lễ khai giảng năm 2018 tại một trường THCS ở TPHCM nơi đón nhiều đại biểu về dự, học sinh toàn trường phải tập trung từ 6h sáng để vào vị trí. Phía trước cổng trường là những gương mặt học sinh được chọn đứng cầm hoa chờ đại biểu.
Theo như kế hoạch, lễ khai giảng sẽ bắt đầu từ lúc 7h30 nhưng có đại biểu đến muộn nên toàn trường đứng chờ. Nhiều lớp học sinh phải đứng ngoài nắng, nhiều em ngáp ngắn ngáp dài, có em lâu lâu đưa tay che nắng, lau mồ hôi. Đến gần 8h30, khi đại biểu có mặt đông đủ, lễ khai giảng mới bắt đầu.
Học sinh đứng chờ gần 2,5 giờ đồng hồ như vậy và tiếp tục đứng, ngồi nhiệt liệt vỗ tay để nghe đại biểu phát biểu, nhà trường báo cáo thành tích, chúc mừng lẫn nhau trong buổi lễ.
Đến nỗi, chúng ta phải tự hỏi: Các em học sinh có mặt ở đây để làm gì?
Ở không ít trường, nhất ở bậc THCS, THPT khi giờ khai giảng diễn ra là bảo vệ được lệnh phải khóa cổng để ngăn học sinh bỏ về. Nhiều học sinh mệt mỏi với cảnh ngồi nghe phát biểu, cảnh ngồi giữa nắng nóng… nên khi buổi lễ diễn ra phần đầu, nhiều học sinh tìm cách ra về.
Nhiều trường học chỉn chu đến mức một cách máy móc, rập khuôn trong việc tổ chức các ngày lễ. Nhiều quản lý nhà trường, học sinh chỉ cần đứng đón đại biểu đứng lệch vị trí chút thôi, vỗ tay chưa giòn, hay một thứ gì đó chệch với kịch bản ban đầu thì sẽ có chuyện.
Nhà trường quá tập trung vào việc đón đại biểu thế nào, chào đón đại biểu ra sao… mà quên mất tinh thần chính của lễ khai giảng là của thầy và trò.
Nhà trường hoàn toàn có thể tổ chức đúng giờ đã thông báo kể cả việc đại biểu chưa có mặt. Thay vì để học sinh chào đón đại biểu, có thể đề xuất đại biểu cùng thầy cô giáo… sẽ chào đón các em. Thay vì phát biểu, báo cáo thành tích – những điều không phải dành cho học trò mà để người lớn nói cho nhau nghe – các đại biểu tham dự có thể cùng nhà trường đến từng lớp chúc mừng, hỏi han, bắt tay học sinh.
Công bằng cũng phải nói, nhiều vị đại biểu cũng không thoải mái gì khi đến trường học khai giảng mà học sinh phải rình rang đón mình, rồi các con lại mệt mỏi ngồi giữa nắng vỗ tay cho mình. Có khi họ cũng trở thành những vị khách bất đắc dĩ.
Nhưng tất cả cùng “vận hành” theo thói quen, không đổi mới, không sáng tạo, ngại thay đổi… Đôi khi tất cả tự làm khổ nhau vì bệnh hình thức.
Hoài Nam/Dân Trí