Khai báo y tế: không trung thực sẽ khổ mình, hại người
Việt Nam đã áp dụng khai báo y tế từ đầu mùa dịch COVID-19, sau đó áp dụng biện pháp mạnh hơn là cách ly khách từ vùng dịch, mới nhất là áp dụng với khách nhập cảnh Việt Nam từ Iran và Ý.
Từ 7-3 áp dụng khai báo y tế với tất cả hành khách nhập cảnh Việt Nam.
Tuy nhiên sau khi xuất hiện bệnh nhân thứ 17 đến Ý du lịch, khi nhập cảnh trở lại Việt Nam chưa qua 14 ngày kể từ ngày rời Ý nhưng không được cách ly y tế, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Vương Đình Huệ đã nói: “Bệnh nhân thứ 17 khai báo y tế không trung thực”.
Quan chức của đơn vị phụ trách kiểm dịch y tế quốc tế cũng thừa nhận có thể xảy ra sót lọt hành khách không khai báo y tế hoặc khai báo không đầy đủ, chính xác, dẫn đến những tình huống nguy hiểm như đã xảy ra ở tình huống “lọt” bệnh nhân thứ 17 ở Hà Nội.
Trông chờ vào sự tự giác của khách
Theo mẫu tờ khai y tế được Bộ Y tế công bố, hiện người nhập cảnh có thể áp dụng cả hai hình thức khai báo: khai tờ khai giấy được phát trên máy bay, hoặc khai báo y tế vào tờ khai y tế điện tử, có mã QR và thông tin sau khi khách nhập cảnh, quét mã QR sẽ được gửi về các trung tâm phòng chống dịch, mỗi tờ khai đều bao gồm địa điểm khởi hành, nơi đến, thông tin 14 ngày qua có đến quốc gia/vùng lãnh thổ nào khác, cùng địa chỉ liên lạc tại Việt Nam, các triệu chứng sức khỏe, loại văcxin đã sử dụng và lịch sử bệnh lý trong 14 ngày gần đây…
Trong tờ khai cũng nêu rõ một chú thích đáng chú ý: Vì sức khỏe của anh/chị và cộng đồng, nếu anh/chị thấy có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, hãy liên hệ với các cơ quan y tế gần nhất. Hành khách sẽ mang theo phần chú thích này và thông tin hành khách có dấu xác nhận của kiểm dịch viên y tế để làm các thủ tục xuất nhập cảnh, quá cảnh.
Thông tin như vậy là đầy đủ để có thể theo dõi hành trình trước khi nhập cảnh của hành khách. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Đức Hạnh – phó giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, việc khách có khai báo trung thực về những điểm đã đi/đến hoàn toàn trông đợi vào sự tự giác và trung thực của hành khách.
“Nếu hành khách xuất phát từ EU thì hộ chiếu không có dấu đầy đủ của các quốc gia họ có đi qua, ngoại trừ dấu của cơ quan xuất nhập cảnh của quốc gia cuối cùng. Kiểm dịch viên y tế cũng không được kiểm tra hộ chiếu của khách” – ông Hạnh nói những khó khăn mà kiểm dịch y tế đang gặp phải.
Bên cạnh đó, các cửa khẩu quốc tế đang sử dụng máy theo dõi nhiệt độ từ xa (còn gọi là máy tầm nhiệt), kiểm tra nhiệt độ phát hiện các hành khách có dấu hiệu ốm, sốt, cách ly ngay tại cửa khẩu.
“Nhưng thực tế bệnh nhân ở giai đoạn ủ bệnh không có dấu hiệu gì, thậm chí có người đã dương tính với virus cũng không bị sốt, hoặc họ uống thuốc hạ sốt trước đó, hay về nhà mới sốt nên máy không phát hiện được” – ông Hạnh cho biết.
Trước đó, để phòng chống những “bệnh nhân từ máy bay” – như trường hợp hành khách Nhật đi quá cảnh từ Siem Reap (Campuchia) qua Tân Sơn Nhất (TP.HCM) sau đó đi Nhật, Bộ Y tế cũng đã tính đến nhiều giải pháp.
Tờ khai y tế điện tử là một trong số những giải pháp được tính đến và đã được áp dụng từ 7-3. Bên cạnh đó, một số nhà cung cấp dịch vụ viễn thông có thể hỗ trợ dịch vụ định vị vị trí khách di chuyển. Nhưng giải pháp này không khả thi bởi không thể ảnh hưởng đến quyền riêng tư của hành khách, vì thế đã không được áp dụng.
Kêu gọi hành khách cung cấp đầy đủ thông tin
Trường hợp bệnh nhân thứ 17 đang khiến cộng đồng hết sức lo lắng vì nguy cơ bỏ sót bệnh nhân không được tầm soát, cách ly từ sớm, dẫn đến lây lan trong cộng đồng, cụ thể là bệnh nhân thứ 17 đã đi đến vùng dịch của Ý, nhưng điểm xuất phát trước khi về Việt Nam là từ Anh, bệnh nhân đã không khai báo đầy đủ thông tin dẫn đến cơ quan chức năng đã bỏ sót trường hợp phải cách ly bắt buộc, tập trung.
Do bệnh nhân bỏ cách ly tập trung, theo báo cáo của Sở Y tế TP Hà Nội, chị N. đã tự cách ly tại nhà sau khi về Việt Nam, đeo khẩu trang và chỉ ở tầng 8 của tòa nhà, nhưng việc không được cách ly y tế đúng quy định.
Không được thăm khám sức khỏe và phát hiện tình trạng nhiễm bệnh từ sớm, N. đã làm lây ra thêm 2 bệnh nhân và 1 bệnh nhân khác (cũng là nhân viên của N.) ở trong tình trạng nghi nhiễm, hơn 60 hộ gia đình ở khu vực lân cận, hàng trăm nhân viên y tế, nhiều người tiếp xúc với N. và người tiếp xúc với người tiếp xúc đã phải cách ly bắt buộc, 1 bệnh viện đã phải tạm ngưng hoạt động, thiệt hại khó có thể tính toán.
Những thống kê sơ bộ này cho thấy những thiệt hại rất lớn nếu có thêm một ca bệnh không được cách ly và kiểm soát do khai báo y tế không trung thực.
Ông Hoàng Đức Hạnh cho hay Hà Nội đang kiên trì kêu gọi sự tự giác của người dân khi khai báo y tế. “Chúng tôi đang nỗ lực sàng lọc bệnh nhân từ 3 nguồn: cửa khẩu, tại cơ sở y tế nếu có bệnh nhân đến khám bệnh và tại cộng đồng, trong hoạt động rà soát những người nước ngoài, phải đồng bộ 3 biện pháp này mới tăng cường sàng lọc và giám sát bệnh nhân” – ông Hạnh cho biết.
Ông Hạnh cũng cho rằng Hà Nội cũng kiên trì 5 giải pháp chống dịch, trong đó có chủ động rà soát, phát hiện sớm bệnh nhân từ cửa khẩu, bệnh viện và cộng đồng như kể trên, tăng cường hướng dẫn biện pháp phòng bệnh, tiến hành vệ sinh môi trường và khử khuẩn, trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất…
Với những hành khách từ chuyến bay VN0054 đến nay đã ghi nhận 10 bệnh nhân đi chuyến bay này (hạ cánh sân bay Nội Bài, Hà Nội rạng sáng 2-3), ông Hạnh cho rằng cơ bản đã xác định nơi ở, tìm được gần hết những người đi chuyến bay này, trong số này có 60 người ở Hà Nội.
Số di chuyển vào TP.HCM đều đã có kết quả xét nghiệm âm tính, còn lại trong số khách vào Đà Nẵng có 2 bệnh nhân, trong số khách đi Quảng Ninh có 4 bệnh nhân, khách đi Lào Cai có 2 bệnh nhân.
Theo bạn, khai báo y tế khi nhập cảnh nên như thế nào?