Khai báo y tế gian dối bị xử lý thế nào?
Chuyên gia pháp lý cho rằng hành vi khai báo y tế gian dối có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tình hình dịch Covid-19 ngày càng phức tạp. Chuyên gia pháp lý cho rằng, hành vi khai báo y tế gian dối có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bị phạt đến 200 triệu đồng
Trao đổi về vấn đề này, luật sư (LS) Đỗ Trúc Lâm (Đoàn LS TP.HCM) cho biết, theo Điều 8 luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định nghiêm cấm hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm. Còn theo Quyết định 447/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ thì dịch bệnh Covid-19 được xác định là bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Áp dụng Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, thì người có hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân hoặc của người khác mắc bênh truyền nhiễm nhóm A, cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm nhóm A, sẽ bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng.
Cũng theo LS Lâm, khai báo y tế gian dối được hiểu theo hai trường hợp. Thứ nhất, người đã được thông báo mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly mà không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 240 bộ luật Hình sự 2015 (BLHS; sửa đổi, bổ sung năm 2017) và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người, bị phạt tiền từ 50 – 200 triệu đồng.
Thứ hai, người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện hành vi không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người được quy định tại Điều 295 BLHS năm 2015, phạt tiền từ 20 – 100 triệu đồng.
Có thể bị phạt tù
Còn LS Lê Trung Phát (Đoàn LS TP.HCM) cho biết, với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, người dân cần áp dụng các nguyên tắc 5K của Bộ Y tế ban hành. Đồng thời, việc khai báo y tế đối với những đối tượng buộc phải khai báo y tế là điều vô cùng quan trọng.
LS Lê Trung Phát đồng tình với quan điểm của LS Trúc Lâm về mức xử phạt hành chính liên quan hành vi khai báo y tế gian dối theo Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
LS Phát phân tích thêm: “Nếu người thuộc diện khai báo, mà không khai báo hoặc khai báo không trung thực, trường hợp để lại hậu quả nghiêm trong bằng việc lây lan dịch bệnh, làm chết người, thì có thể bị khởi tố với “Tội lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho con người” theo Điều 240 BLHS năm 2015”.
“Theo Điều 240 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi khai báo gian dối bị coi là trường hợp thực hiện “Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” có thể bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người, bị phạt từ 1 – 5 năm tù”, LS Lâm phân tích và nói thêm: “Theo Điều 295 BLHS năm 2015, hành vi khai báo y tế gian dối” gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người. Người phạm tội này bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt từ 1 – 5 năm tù”.
Liên quan hành vi khai báo y tế gian dối sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, LS Trúc Lâm khuyến cáo: “Hơn bao giờ hết cần sự chung tay, tự giác của cả cộng đồng. Việc khai báo y tế đúng, đầy đủ thông tin sẽ góp phần phòng chống dịch hiệu quả, bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Hệ lụy sẽ vô cùng lớn nếu không thể truy vết, khống chế khoanh vùng dịch”.