+
Aa
-
like
comment

Khai báo y tế có lỗ hổng?

15/05/2021 06:33

Việc phát sinh tranh cãi xung quanh vấn đề khai báo y tế của vợ chồng Giám đốc Hacinco Nguyễn Văn Thanh (ngụ Hà Nội) khiến dư luận nảy sinh băn khoăn về sự liên thông thông tin khai báo y tế giữa các cấp.

Khai báo y tế tại Cảng hàng không (sân bay) Nội Bài, Hà Nội
Khai báo y tế tại Cảng hàng không Nội Bài, Hà Nội.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Thanh khẳng định vợ chồng ông có khai báo y tế trước khi lên máy bay và ở phường, khi đến Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt – Xô (Hà Nội) cũng khai báo y tế 2 lần. Tuy nhiên, theo phía Giám đốc BV Hữu nghị Việt – Xô, BV đã tìm ra tờ khai y tế của vợ chồng ông Thanh và lái xe, nhưng không khai báo thông tin đi từ Đà Nẵng về, cũng không khai báo việc có ho, sốt.

Như vậy, vấn đề đặt ra là nếu đúng như phía BV Hữu nghị Việt – Xô thông tin, thì phải chăng việc kết nối thông tin về dữ liệu khai báo y tế giữa các bên không hiệu quả, để phía BV chủ động giám sát? Trong khi đó, hai vợ chồng này đã “lọt lưới” cơ quan y tế di chuyển đến nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người lây nhiễm dịch.

BN 3660 có dấu hiệu khai báo y tế gian dối hoặc không khai báo đúng quy định

Thông tin vênh lẫn nhau

Theo thông tin từ CDC Hà Nội, CDC được cấp tài khoản để truy xuất thông tin từ các phần mềm tokhaiyte.vn, Bluezone hoặc nCov (các hệ thống này có liên thông với nhau) để truy xuất thông tin liên quan đến công dân của TP. Với vị trí tư vấn chuyên môn, CDC sẽ nắm con số tổng thể để có kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm, truy vết trong trường hợp cần thiết.

Người dân khai báo y tế của Bệnh viện Nhân dân 115.
Người dân khai báo y tế của Bệnh viện Nhân dân 115.

Về các công việc cụ thể, như các cá nhân đó là ai, được lấy mẫu vào ngày nào, lịch trình di chuyển ra sao… sẽ do y tế phường đảm nhiệm. Theo đó, các thông báo tìm người bên cạnh việc đưa trên các trang thông tin chính thức của Sở Y tế, CDC, được các cơ quan truyền thông đại chúng đưa tin rộng rãi…, thì các tổ Covid cộng đồng sẽ thông báo đến từng tổ dân phố, tòa chung cư… để người dân nắm được và chủ động ra khai báo (vì ngay cả tổ Covid cộng đồng cũng không biết ai đi từ vùng dịch về). Những người trong diện cảnh báo sẽ ra trạm y tế phường khai báo y tế và sẽ được lên danh sách để mời ra lấy mẫu.

Tuy nhiên, theo Trung tâm y tế Q.Thanh Xuân (Hà Nội), đợt vừa qua có khoảng 900 người có các yếu tố dịch tễ liên quan (từ Đà Nẵng, Bắc Ninh về, liên quan BV K, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2…) đã ra khai báo y tế và được lấy mẫu xét nghiệm, nhưng không có vợ chồng ông Nguyễn Văn Thanh.

Trong khi đó, vợ chồng ông Thanh cho biết có khai báo y tế qua điện thoại với trạm y tế phường (có cung cấp được biên bản khai báo y tế). Thông tin có sự vênh nhau, nhưng chưa rõ “trục trặc” ở đâu? Tất nhiên, việc tìm ra vấn đề không khó, bởi nếu khai báo, kể cả qua điện thoại, cũng sẽ lưu lại “vết”.

Phần mềm “truy vết” khai báo không đầy đủ

Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Trường Nam, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), cho biết thông tin khai báo y tế trực tuyến hiện có là thông tin chung toàn quốc, áp dụng rộng rãi cho mọi đối tượng. Do đó, có thể một số chi tiết các BV không thật cần thiết.

Trong khi đó, các đơn vị y tế lại vẫn cần một số thông tin phù hợp. Bộ Y tế và nhà cung cấp phần mềm đã khảo sát lấy ý kiến từ các BV, trên cơ sở đó sẽ có một phần mềm khai báo y tế trực tuyến riêng cho các BV. Phần khai báo này gọn gàng, người cung cấp thông tin dễ sử dụng và đồng thời đáp ứng yêu cầu tiếp nhận thông tin của BV.

“Trong hôm nay (15.5) sẽ hoàn thành và dự kiến phần mềm khai báo y tế này sẽ thí điểm ngay tại 2 BV lớn là BV Việt Đức và BV K trong tuần tới”, ông Nam cho hay.

Theo ông Nam, với phần mềm khai báo y tế trong các BV, có thể kiểm soát, phát hiện các khai báo không đầy đủ, vì toàn bộ dữ liệu được đồng bộ với hệ thống khai báo y tế hiện có. Khi thông tin của cá nhân thể hiện trên tờ khai y tế tại BV, thì đồng thời cũng thể hiện các lịch trình cũ đã được lưu giữ và các BV có thể rà soát được, chỉ với quét mã QR Code. Việc triển khai hình thức khai báo này không đòi hỏi nhiều về nhân lực, và phần mềm của các BV hoàn toàn đáp ứng.

Ngoài ra, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (người đi làm bằng xe buýt), chia sẻ trên xe buýt có thông báo khai báo y tế (quét mã QR Code), nhưng không bắt buộc. Tuy nhiên, phần mềm khai báo phải đủ thông minh, lưu thông tin cá nhân người đã khai, nhận diện được người khai thông tin đúng hay sai, như mục yêu cầu điền số điện thoại, nhưng gõ đại 123456 thì vẫn cho người khai thực hiện tiếp mà không cảnh báo là sai, nếu có chuyện gì thì gọi sẽ không được… Và phần khai báo y tế phải được liên thông với nhau, nếu không liên thông giữa vùng này vùng kia thì không thể nào gọi là khai báo y tế toàn dân được và khi có chuyện thì lục lại rất mệt.

Bệnh viện sẽ có phần mềm riêng

Theo một thành viên tổ truy vết thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, khai báo y tế trực tuyến (tokhaiyte.vn) y tế hiện do Bộ Y tế quản lý dữ liệu, bảo mật.

Trên tờ khai này lưu giữ các thông tin của cá nhân khai báo, được phục vụ cho phòng chống dịch. Trong trường hợp cần truy vết các ca liên quan bệnh nhân Covid-19, các thông tin mới được đơn vị chức năng truy cập. Ví dụ, cần tìm người trên một chuyến bay, khi truy cập vào tokhaiyte.vn, sẽ có đầy đủ thông tin các hành khách, số ghế, số điện thoại của hành khách trên chuyến bay. Mỗi hành khách đều có mã QR Code riêng.

Chuyên gia cũng chia sẻ các đơn vị như BV, các nhà hàng, quán ăn, rạp phim, các công ty, nhà máy… nơi có nhiều người ra vào, có thể biết được lịch trình của các cá nhân bằng cách thiết lập điểm khai báo y tế tự động, kết nối với khai báo y tế trực tuyến. Trên hệ thống khai báo y tế trực tuyến tại địa chỉ (tokhaiyte.vn) đã có hướng dẫn về thực hiện thiết lập điểm khai báo y tế tự động, với những thao tác đơn giản, các đơn vị hoàn toàn có thể thực hiện được. “Hiện tại, BV Đà Nẵng đã triển khai tốt điểm khai tự động này. Tuy nhiên, hiện còn rất ít đơn vị thực hiện điểm khai báo tự động”, chuyên gia này cho hay.

Theo chuyên gia: “Cần triển khai rộng rãi đến các đơn vị về việc thực hiện khai báo tự động trực tuyến. Khi đơn vị áp dụng khai báo trên giấy, riêng lẻ, người khai báo có thể không thông tin trung thực, không thể hiện hết các lịch trình”. Ví dụ, không thông tin về việc người đó từng là hành khách trên chuyến bay về từ vùng dịch, như thực tế xảy ra mới đây. Trong khi đó, nếu đơn vị có điểm khai báo tự động, cá nhân đó quét mã QR, hoặc khi nhập số điện thoại cá nhân thì có thể đọc lại hết lịch trình đã được lưu giữ.

TNO

Bài mới
Đọc nhiều