+
Aa
-
like
comment

Khách hàng của Alibaba có nguy cơ mất trắng tài sản?

19/09/2019 19:37

Nếu cơ quan tố tụng không chứng minh được thủ đoạn lừa đảo, hợp đồng có tranh chấp thì phải mang ra toà dân sự và người đi kiện rất khó để đòi tiền nếu tài sản bị tẩu tán hết. 

Chủ tịch HDQT Công ty cổ phần địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện và Tổng giám đốc Nguyễn Thái Lĩnh (em trai ông Luyện) bị bắt ngày 18/9 đang khiến nhiều khách hàng ký hợp đồng với công ty này lo lắng.

Sau khi ông chủ của Alibaba bị bắt để điều tra, khách hàng của công ty này đặt ra các câu hỏi về số phận của những hợp đồng đã ký kết liệu có bị vô hiệu? Khả năng khách hàng đòi lại tiền có dễ dàng?

Cảnh sát khám xét Công ty Alibaba
Cảnh sát khám xét Công ty Alibaba.

Chiêu lách luật của Alibaba

Luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết qua tìm hiểu một số khách hàng ký kết hợp đồng với Alibaba thì công ty này vận dụng các thoả thuận/hợp tác để lách luật. Đó là công ty không có đất trên thực tế nhưng vẫn hợp tác phát triển dự án với các cá nhân có quyền sử dụng đất.

Công ty này đưa ra rất nhiều mức chiết khấu và sản phẩm được định giá rẻ hơn so với thị trường 20-30%. Sau đó Công ty Alibaba cam kết thu mua lại với giá hấp dẫn.

Alibaba biết rõ quy hoạch các khu đất này không phù hợp quy hoạch sử dụng đất, không được cơ quan thẩm quyền thoả thuận địa điểm, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, cũng như không được giao đất thực hiện dự án; tuy nhiên công ty này vẫn ký kết hợp đồng với khách hàng, cam kết bàn giao nền đất khi đã hoàn tất thi công hạ tầng (điện, đèn đường) và bàn giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích đất thổ cư cho khách hàng trong thời gian 6-12 tháng.

Tuy nhiên, nhóm các Công ty Alibaba không tuân theo bất kỳ quy định nào để thực hiện dự án. Như vậy, có thể thấy các dự án của Aibaba chắc chắn không thể hoàn tất thủ tục để bàn giao nền đất (với hạ tầng hoàn thiện được cơ quan chức năng cấp phép) cũng như bàn giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng cho khách hàng theo thoả thuận.

Công ty Alibaba tạo thành 1 hệ thống “chân rết” bao quanh nhằm đưa khách hàng vào “tròng”; đưa ra những cam kết không có thật, những lợi nhuận khủng làm cho khách hàng tin rằng đây là dự án có thật, đất thổ cư với hệ thống hạ tầng đầy đủ để khách hàng đưa tiền.

“Alibaba cũng có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản, thể hiện ở việc khi đến hạn trả gốc và lãi suất, hệ thống các công ty tiến hành trả lãi theo thỏa thuận hoặc cố tình kéo dài không thanh toán. Việc lấy lại số tiền gốc thực đóng của nhà đầu tư rất khó khăn và Alibaba lại hướng khách hàng qua tái đầu tư dự án khác mà không cho khách rút toàn bộ vốn ra”, luật sư Cường nêu quan điểm.

 

Hợp đồng có vô hiệu?

Luật sư Cồ Lê Huy (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định vụ việc này nếu xác định là lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì các hợp đồng dân sự mà Alibaba ký với khách hàng sẽ bị vô hiệu. Tuy nhiên, theo luật sư, người nào chiếm đoạt thì phải khắc phục hậu quả.

Luật sư Cường cũng cho rằng đối tượng của hợp đồng Alibaba ký với khách là những mã lô “Lk 12-12…” do Công ty Alibaba tự vẽ bản đồ quy hoạch và tự đặt ra mà không được bất kỳ cơ quan nào cấp phép, không thể chỉ vị trí thực tế ngoài thực địa.

Do vậy, theo quy định và quan điểm của luật sư thì hợp đồng sẽ bị vô hiệu theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Dân sự 2015. Lúc này, khách hàng sẽ bị thiệt thòi vì theo quy định, các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận mà trên thực tế có nhiều khách hàng chưa được phía Alibaba hoàn trả các khoản tiền đầu tư.

Trường hợp Công ty Alibaba chây ì trong việc hoàn trả hoặc không hoàn trả thì khách hàng là bên chịu thiệt thòi.

Luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng nếu các hợp đồng mà Alibaba ký là với tư cách pháp nhân thì không bị vô hiệu dù ông Luyện (chủ tịch HĐQT) và ông Lĩnh (tổng giám đốc) bị bắt.

Để xác định hợp đồng có bị vô hiệu hay không, vô hiệu một phần hay vô hiệu toàn bộ, theo luật sư Hải còn tùy thuộc vào quá trình điều tra của cơ quan chức năng. Nếu xác định thủ đoạn là lừa đảo thì có thể hợp đồng sẽ bị vô hiệu.

Đòi lại tài sản có khó khăn?

Về việc khắc phục hậu quả khi ông chủ của Alibaba bị bắt, luật sư Huy cho rằng có thể lấy từ tài sản cá nhân của người phạm tội hoặc lấy tài sản của công ty nếu xác định được tài sản của công ty cũng chính là tài sản của người phạm tội.

Việc trả tiền cho người bị hại có đủ hay không dựa vào số tài sản cơ quan điều tra thu giữ được hoặc xác minh được. Nếu người phạm tội đã kịp tẩu tán thì khó để thu hồi cho người bị hại.

Đánh giá về vụ việc, luật sư Kiều Anh Vũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết đối với quyền lợi của khách hàng hay nhà đầu tư đã ký kết hợp đồng với Alibaba thì cần phải căn cứ vào nội dung hợp đồng đã ký. Đồng thời, quyền lợi của nhà đầu tư cũng phụ thuộc vào kết quả giải quyết vụ án của cơ quan chức năng.

Khach hang cua Alibaba co nguy co mat trang tai san? hinh anh 1
Cảnh sát khám xét xuyên đêm ở trụ sở Alibaba. Ảnh: Q.A.

Hiện tại, vụ án được khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và chỉ mới bắt đầu giai đoạn khởi tố, điều tra nên việc xác định tư cách tham gia tố tụng của nhà đầu tư cũng như giải quyết quyền lợi của họ, theo luật sư Vũ, việc này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và kết quả điều tra, xử lý của cơ quan chức năng.

Tùy theo nhà đầu tư, loại hợp đồng, giao dịch đã thực hiện giữa nhà đầu tư với công ty này, nhà đầu tư có thể được xác định là người bị hại nếu trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra.

“Nếu là bị hại trong vụ án thì nhà đầu tư được quyền yêu cầu bị can, bị cáo có trách nhiệm hoàn trả tiền, bồi thường thiệt hại cho mình trong vụ án hình sự này. Đối với những nhà đầu tư không phải là bị hại trong vụ án thì quyền lợi của nhà đầu tư là vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, có thể được giải quyết chung trong vụ án này hoặc tách riêng để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”, luật sư Vũ cho biết.

Khi đó, nhà đầu tư có thể căn cứ vào hợp đồng, giao dịch, có thể yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự về hợp đồng vô hiệu (nếu có cơ sở như hợp đồng vi phạm điều cấm của luật, có yếu tố lừa dối,…) và quyền lợi của nhà đầu tư được giải quyết trên cơ sở hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu.

Các bên sẽ hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, công ty đã nhận tiền của nhà đầu tư thì phải hoàn trả cho nhà đầu tư, bên có lỗi thì phải bồi thường thiệt hại tương ứng.

Tuy nhiên, luật sư Hà Hải đánh giá việc đòi lại tiền sẽ gặp nhiều khó khăn, khách hàng có nguy cơ mất trắng.

“Nếu cơ quan tố tụng không chứng minh được thủ đoạn lừa đảo thì hợp đồng này nếu có tranh chấp thì sẽ phải mang ra toà dân sự. Người đi kiện sẽ rất khó khăn để đòi lại tiền nếu tài sản đã bị tẩu tán hết, không thu hồi được”, luật sư Huy nói thêm.

Hoài ThanhZing News

Bài mới
Đọc nhiều