+
Aa
-
like
comment

Khắc tinh dẹp loạn những “tranh biện” online độc hại

Phạm Khoa - 04/09/2022 10:57

Ngày 1/9, Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 về xử phạt vi phạm hành chính với hành vi cản trở hoạt động tố tụng có hiệu lực. Ai sẽ có tật giật mình với Pháp lệnh này?

Ngày 1/9, Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 về xử phạt vi phạm hành chính với hành vi cản trở hoạt động tố tụng có hiệu lực.

Thời gian gần đây, có hiện tượng các luật sư, hoặc các cá nhân liên quan đến một số vụ án nổi cộm lên mạng xã hội công bố tài liệu điều tra, sau đó suy đoán, suy diễn, bôi nhọ người tố cáo, và cơ quan tố tụng, cơ quan điều tra.

Các clip livestream này thu hút hàng chục nghìn lượt xem, lượt thích mà không hề bị bất cứ chế tài, răn đe nào từ cơ quan kiểm duyệt. Chính vì vậy, một số người vẫn an tâm cho rằng các hành vi đó “không vi phạm pháp luật”.

Đơn cử như việc nhóm luật sư bảo vệ cho các bị cáo trong vụ “Tịnh thất Bồng Lai” liên tục đăng tải các tài liệu liên quan đến vụ án, bút lục, lời khai của các bị can lên mạng xã hội. Từ đó, lần lượt những người trong nhóm đưa ra các “phản biện” đối với bản án đã tuyên trong phiên sơ thẩm. Đáng bàn là đa phần các “phản biện” này bóp méo sự thật, bôi nhọ, xúc phạm cơ quan điều tra và tòa án huyện Đức Hòa, Long An.

Chưa hết, họ thông qua các “phản biện” online này, kêu gọi sửa đổi luật hình sự, ca ngợi những phạm nhân đang thi hành án với tội danh 331 như Phạm Thị Đoan Trang, Trương Châu Hữu Danh và thóa mạ nền tư pháp của Việt Nam bằng các kết luận quy chụp như: “không được lòng dân”, “cáo buộc vô lý”, “ngụy tạo chứng cứ”, “ép cung”… Dù các câu thóa mạ này được mở đầu bằng một chủ thể mơ hồ là “chúng tôi nghe người ta nói”…

Biết luật, phạm luật, xem ra tình trạng luật sư “tranh biện online” thay vì làm việc này ở tòa án đang ngày càng phổ biến. Điều này gây những áp lực tiêu cực lên nền tư pháp, làm người dân hoang mang, khiến dư luận hiểu sai bản chất thật của các vụ án, xâm phạm quyền con người.

Cũng vì vậy, có thể nói việc ban hành Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 với 4 chương, 48 điều, quy định cụ thể các hành vi cản trở hoạt động tố tụng và các chế tài kèm theo là một nỗ lực quan trọng để tư pháp Việt Nam tiệm cận với tư pháp thế giới, từng bước lành mạnh hóa các hoạt động liên quan đến tố tụng, để mọi công dân đều hành xử trong khuôn khổ luật pháp.

Từ hôm nay, hy vọng những kiểu “tranh biện” online độc hại như trên sẽ dần được dẹp yên, để người dân có cái nhìn đúng đắn hơn về luật pháp và công tác tố tụng, tôn trọng sự uy nghiêm của tòa án và các cơ quan thực thi pháp luật.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều