Khắc phục “điểm nghẽn” cho doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư xây dựng

Trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về tài khóa và tiền tệ. Việc kịp thời giải quyết các vướng mắc, phiền hà trong lĩnh vực đầu tư xây dựng là một trong những yêu cầu cấp thiết, phương án hiệu quả, bền vững cho doanh nghiệp và phục hồi kinh tế.

Thủ tục đầu tư xây dựng là những lĩnh vực có vai trò thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến việc gia nhập thị trường, đưa nguồn lực vào sản xuất và sự phát triển về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của doanh nghiệp. Thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng là một trong những hoạt động quan trọng đầu tiên khi doanh nghiệp khởi sự kinh doanh và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

Chính vì tầm quan trọng đó, Chính phủ đã từng bước thực hiện những điều chỉnh về cơ chế chính sách để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong các hoạt động đầu tư xây dựng, cải thiện về căn bản tính minh bạch về pháp lý. Đồng thời, tăng cường sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong các dự án đầu tư xây dựng. Riêng trong 10 tháng đầu năm nay, Bộ Xây dựng đã bãi bỏ 3 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 09 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (đạt 34,3%); cắt giảm, đơn giản hóa 9 thủ tục hành chính; cắt giảm yêu cầu, điều kiện đối với một số đối tượng khi thực hiện hoạt động xây dựng trong 3 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; tích hợp, thay thế 5 Nghị định, 7 Thông tư vào 2 Nghị định.

Gần đây nhất, Bộ Xây dựng đã tham mưu, trình và được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 1936/QĐ-TTg. Về phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong năm 2021 và năm 2022. Thực hiện thành công phương án này hứa hẹn tạo ra các hỗ trợ thực chất nhất cho doanh nghiệp ngành xây dựng, tạo ra sự đột phá trong chỉ số cấp phép xây dựng của ngành năm 2021, 2022.

Mặc dù Bộ Xây dựng đã có rà soát, khắc phục sự chồng chéo với các lĩnh vực khác. Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, đặc biệt là các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, xây dựng… Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với hơn 2000 doanh nghiệp cho thấy họ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính để triển khai dự án. Trong đó tỉ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn nhiều nhất là thực hiện các thủ tục trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường… Cụ thể, 50% doanh nghiệp trả lời còn gặp trở ngại với các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng; 48% gặp trở ngại với các thủ tục về quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị; 43,7% gặp trở ngại về thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng; 42,9% gặp trở ngại về thủ tục thẩm định báo cáo tác động môi trường.

Chỉ tính riêng thủ tục cấp phép xây dựng, doanh nghiệp phải mất tới gần 30 ngày để hoàn thiện. Mỗi doanh nghiệp cần ba lần đến cơ quan nhà nước để hoàn thiện thủ tục, có doanh nghiệp mất tới 8 – 9 lần. Ngoài ra, việc thực hiện thủ tục cấp phép đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất của doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư bất động sản cũng đang bị chi phối bởi nhiều luật như: Luật Đầu tư, Luật đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật bảo vệ môi trường và Luật Nhà ở. Thậm chí, có những trường hợp thủ tục tiến hành song song nhưng chưa có sự lồng ghép giữa các thủ tục nên để thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, doanh nghiệp phải thực hiện tới vài chục thủ tục hành chính lớn, dưới mỗi thủ tục là hàng loạt các quy trình chi tiết khác. Điều này, khiến thời gian làm thủ tục kéo dài, gây tốn kém về chi phí cũng như phát sinh tiêu cực.

Nguyên nhân của những hạn chế trên, nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế nhìn nhận do xuất phát từ hệ thống quy định của luật còn chồng chéo, thiếu thống nhất. Thêm vào đó là quy trình phức tạp, nhiều đầu mối giải quyết dẫn đến hồ sơ trùng lặp, mỗi nơi mỗi kiểu…. Hiện đã có quy định “một cửa” nhưng lại không có cơ chế chia sẻ thông tin nên nhà đầu tư phải gặp nhiều cơ quan khác nhau cho cùng một thủ tục. Việc phải chạy vòng vòng giữa các cơ quan hay giữa các phòng ban trong cùng một cơ quan để được thụ lý thủ tục đã gây rất nhiều phiền hà.

 

Giai đoạn phục hồi kinh tế cho thấy rõ yêu cầu cấp thiết phải đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng. Bởi đây chính là gói hỗ trợ tốt nhất, với chi phí rẻ nhất, giúp doanh nghiệp khôi phục, bứt phá giai đoạn hậu dịch Covid-19.

Để làm được điều đó, đầu tiên cần phải đổi mới tư duy trong công tác ban hành chính sách, nâng cao công tác chỉ đạo việc thực hiện cải cách hành chính. Xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả nhiệm kỳ công tác. Song song với thay đổi tư duy trong công tác ban hành là thay đổi tư duy trong việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường số hóa bằng cách thiết kế lại quy trình thủ tục phù hợp, thuận lợi hơn thay vì chỉ đưa văn bản hành chính lên mạng như hiện nay.

Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và các lĩnh vực có liên quan trong năm 2022. Xây dựng các tài liệu hướng dẫn chi tiết, minh họa dễ hiểu về quy trình thực hiện các thủ tục liên ngành trong lĩnh vực xây dựng; lập các trang thông tin hỏi đáp về thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng để cập nhật thường xuyên các văn bản pháp lý, các tình huống hay gặp phải và giải pháp xử lý.

Cùng với việc cắt giảm thời gian ở mỗi thủ tục, cần phải khắc phục được những mâu thuẫn và chồng chéo giữa các lĩnh vực đất đai xây dựng và môi trường. Đồng thời, việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính không chỉ dừng lại ở cắt giảm mà cần thực hiện cắt bỏ điều kiện kinh doanh tạo ra thủ tục hành chính đó. Đồng thời phải tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính qua một đầu mối, thực hiện thủ tục điện tử một cách thực chất…

Cùng đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính thông qua các cổng dịch vụ công trực tuyến; rà soát hệ thống pháp luật về đầu tư và các lĩnh vực có liên quan như phòng cháy, chữa cháy, đất đai, môi trường để tiếp tục cải cách theo hướng lồng ghép, tích hợp thành các nhóm thủ tục để giảm thời gian chuẩn bị hồ sơ cho doanh nghiệp.

Thực hiện cải cách hành chính thì vấn đề con người là rất quan trọng. Vì vậy, bên cạnh việc nâng cao kỹ năng, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ công chức, viên chức trong xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật. Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức, viên chức.

Nói tóm lại, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thời gian càng trở nên quan trọng, đòi hỏi cần đẩy mạnh hơn những cải cách thủ tục hành chính và đầu tư, kinh doanh. Và trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng cần là đơn vị tiên phong, chủ động rà soát và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nhằm đề xuất các giải pháp cải cách phù hợp, hiệu quả và khả thi hơn trong thời gian tới.

Thực hiện: Diệu Hương

Đồ họa: M.N