+
Aa
-
like
comment

Khắc ghi lời Bác dạy xây dựng quê hương giàu đẹp

26/07/2019 11:18

Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi có dịp về Khu di tích lịch sử Quốc gia 27-7 tại xóm Bàn Cờ, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Nơi đây, ngày 27 tháng 7 năm 1947, dưới gốc đa cổ thụ tại xóm Bàn Cờ, đã diễn ra cuộc mít tinh trọng thể của 300 cán bộ, bộ đội và đại diện các tầng lớp nhân dân địa phương để nghe công bố bức thư của Bác Hồ gửi cho anh em thương bệnh binh trong cả nước. Ngày 27-7 hằng năm trở thành Ngày Thương binh – Liệt sĩ.

Địa danh lịch sử

Dẫn chúng tôi đi tham quan khu di tích, Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Đình Đông cho biết, tôi rất vinh dự và tự hào khi được chính quyền địa phương, bà con nhân dân tin tưởng giao cho nhiệm vụ trông coi Khu di tích lịch sử Quốc gia 27-7. Năm 2007, tại đây diễn ra lễ rước bát hương các anh hùng liệt sĩ được bốc từ nhiều nghĩa trang lớn trên toàn quốc đưa về khu di tích. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội và đông đảo các tầng lớp nhân dân từ mọi miền của Tổ quốc đều đến thăm viếng khu di tích lịch sử này. Từ đó, nơi đây trở thành công trình văn hóa, lịch sử có ý nghĩa to lớn, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.

CCB Nguyễn Đình Đông quét dọn khu di tích.

Theo lời kể của các bác lão thành cách mạng ở địa phương, việc chọn xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ là nơi tuyên bố sự ra đời “Ngày Thương binh toàn quốc”, bởi nơi đây nằm trong vùng An toàn khu (ATK) Trung ương, giàu truyền thống cách mạng, nhân dân một lòng theo Đảng, Bác Hồ, bảo vệ tuyệt đối an toàn ATK và tích cực tham gia kháng chiến. Truyền thống đùm bọc chở che, giúp đỡ thương binh được bà con các dân tộc nơi đây tự nguyện thực hiện từ rất sớm.

Giá trị truyền thống – động lực xây dựng quê hương giàu đẹp

Tự hào với truyền thống quê hương cách mạng, nơi ghi dấu sự ra đời Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27-7 và cũng là nơi hai lần được đón Bác về thăm, thị trấn Hùng Sơn ngày nay đang thay đổi từng ngày, trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thái Nguyên. Đồng chí Nguyễn Nam Tiến, Chủ tịch UBND thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ phấn khởi cho biết: Thị trấn Hùng Sơn được thành lập ngày 8-4-2014 trên cơ sở sáp nhập giữa thị trấn Đại Từ và xã Hùng Sơn. Kế thừa truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn luôn nỗ lực xây dựng thị trấn Hùng Sơn ngày một phát triển; gìn giữ và phát huy để khu Di tích lịch sử Quốc gia 27-7 trở thành địa chỉ đỏ trong lòng của nhân dân cả nước và du khách nước ngoài.

Chúng tôi gặp Thượng tá Vũ Văn Thực, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Đại Từ khi anh đang cùng cán bộ, chiến sĩ đến dâng hương tại khu di tích. Thượng tá Vũ Văn Thực cho biết, những năm qua, Ban CHQS huyện Đại Từ đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thăm hỏi, động viên, tặng quà gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách. Ban CHQS huyện cũng thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của địa phương xây dựng được 2 nhà tình nghĩa, 1 nhà đồng đội và 1 nhà ban liên lạc; giúp dân làm đường giao thông, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ… Qua các hoạt động ý nghĩa như vậy, cấp ủy, chính quyền và bà con nhân dân đánh giá rất cao vai trò của lực lượng vũ trang huyện trong thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa.

Thượng tá Vũ Văn Thực (bên phải hàng trên cùng), Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Đại Từ và các CCB tham quan Khu di tích lịch sử Quốc gia 27-7.

Có thể nói, với sự chung sức, đồng lòng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân, những năm qua, huyện Đại Từ đã vươn lên trở thành huyện có cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; tốc độ tăng trưởng kinh tế cao so với bình quân của tỉnh; sản xuất nông nghiệp phát triển theo chiều sâu, bền vững; phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ; quốc phòng-an ninh được giữ vững; sản xuất chè tuân thủ đúng quy trình sản xuất VietGap, đã cho ra đời thương hiệu chè La Bằng, Khuôn Gà nổi tiếng; các dự án chế biến khoáng sản đa kim, xây dựng Khu du lịch trọng điểm hồ Núi Cốc đang được triển khai tích cực, hiệu quả, góp phần để Đại Từ trở thành địa phương ngày càng giàu và đẹp, xứng đáng với địa danh danh ra đời Ngày Thương binh – Liệt sĩ.

Khu di tích lịch sử Quốc gia 27-7 là một địa chỉ đỏ không thể bỏ qua trong tuyến tham quan các địa danh lịch sử, cách mạng tại ATK Thái Nguyên, Tuyên Quang. Việc bảo tồn,  phát huy giá trị văn hóa Khu di tích lịch sử Quốc gia 27-7 và nỗ lực phát triển kinh tế- xã hội của địa phương thể hiện quyết tâm, tình cảm và sự tri ân sâu sắc của cán bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang huyện Đại Từ đối với công lao to lớn của các thương binh, liệt sĩ, người có công. Đó cũng là minh chứng sinh động về việc thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh của cán bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang huyện Đại Từ trong giai đoạn hiện nay.

(Theo QĐND)

Bài mới
Đọc nhiều