Ngày 28/8, GS Nguyễn Thiện Nhân, Đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhận định về tình hình dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
-Từ ngày 23/8/2021 đến ngày 27/8/2021, Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng số xét nghiệm gấp 10 lần so bình quân từ 11/8/2021 đến 18/8/2021. Từ kết quả được phân tích dựa theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, chúng ta nhận ra: tình hình dịch là xấu hơn đánh giá trước đó, khi việc xét nghiệm quá ít.
– Bài học từ Israel là: Cho dù số người đang được điều trị đã giảm 99,8% so với đỉnh dịch, cho dù hơn 60% dân số đã tiêm đủ 2 mũi, bỏ hết các biện pháp phòng dịch sẽ làm cho dịch bùng phát trở lại với tốc độ rất cao, nhất là khi có các chủng Virus mới xuất hiện.
Làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 4 ở Việt Nam, bắt đầu từ 13/5/2021 đến nay đã qua 100 ngày. Người dân rất quan tâm bao giờ dịch đạt đỉnh, bao giờ hết dịch, chúng ta cần làm gì để dịch kết thúc sớm. Ngày 11/3/2020, khi Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố dịch Covid-19 đã mang tính chất dịch toàn cầu, thì bình quân trên 1 triệu người dân có gần 10 người đang đuợc điều trị Covid-19. Chúng tôi sử dụng chỉ số 10 người đang được điều trị/1 triệu dân như ngưỡng có dịch của một nước, địa phương.
Không có công thức nào cho phép tính ra thời gian dịch đạt đỉnh và sẽ kết thúc. Song bằng cách phân tích kĩ diễn biến của 4 làn sóng lây nhiễm ở Việt Nam và diễn biến dịch ở 3 địa phương Đà Nẵng, Bắc Giang và Thành phố Hồ Chí Minh, kết hợp với khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới và thực tế ở Israel chúng ta có thể có được các gợi ý ít nhiều có cơ sở thực tiễn và khoa học để hình dung phần nào về diễn biến dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh sau 25/8/2021.
I. Sự khác biệt của làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ 4 ở Việt Nam so với 3 làn sóng trước đó.
Sử dụng chỉ số “số người đang được điều trị Covid-19” của một địa phương để theo dõi diễn biến dịch, ta thấy năm 2020 đến 4/2021 Việt Nam đã trải qua 3 làn sóng lây nhiễm với 3 đặc trưng như sau, BẢNG 1.
Số người đang được điều trị tối đa trong 3 làn sóng lây nhiễm (169 người của làn sóng 1, 492 người của làn sóng 2 và 720 người của làn sóng 3) đều thấp hơn ngưỡng có dịch của Việt Nam với dân số 97,6 triệu người là 976 người đang điều trị. Tức là chúng ta trải qua 3 làn sóng lây nhiễm, song với tư cách 1 quốc gia, Việt Nam có lây nhiễm, nhưng chưa có dịch Covid-19. Cho đến 4/2021, chúng ta thuộc nhóm 23 nước chống dịch Covid-19 tốt nhất thế giới.
Các làn sóng lây nhiễm kéo dài khoảng 2 tháng (59 ngày đến 68 ngày).
Thời gian các làn sóng giảm từ đỉnh xuống mức bình thường là 37 ngày đến 48 ngày, bằng 1,7 lần đến 2,4 lần thời gian lây nhiễm xã hội tăng từ thấp đến đỉnh, BẢNG 1.
Đối chiếu với 3 tiêu chí này, làn sóng thứ 4 đã khác hẳn về chất, BẢNG 1.
Số người đang điều trị (ĐĐT) hiện nay là 195.070, tuy chưa đạt đỉnh, song đã gấp 200 lần ngưỡng có dịch của Việt Nam và gấp 270 lần đỉnh của làn sóng thứ 3 (720 người đang điều trị)
Từ khi làn sóng thứ 4 bắt đầu, 13/5/2021, khi tổng số người đang điều trị Covid-19 ở Việt Nam là 984 người, vượt ngưỡng có dịch 976 người, đến nay đã qua 100 ngày (21/8/2021). So với thời gian đạt đỉnh của 3 làn sóng lây nhiễm trước (21 ngày) thì đã kéo dài gấp 5 lần, song làn sóng lây nhiễm thứ 4 chưa đạt đỉnh, HÌNH 1.
Do chưa đạt đỉnh dịch nên không thể dự báo thời gian làn sóng thứ 4 này kéo dài bao lâu. Nếu ước lượng một cách thận trọng thì 1 khả năng là thời gian dịch sẽ không dưới 250 ngày (8 tháng), gấp 3,7 lần thời gian lây nhiễm của làn sóng thứ 3, BẢNG 1.
BẢNG 1: MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA 4 LÀN SÓNG LÂY NHIỄM COVID-19 Ở VIỆT NAM (ĐĐT: đang điều trị nhiễm Covid-19)
Một điểm khác biệt của làn sóng thứ 4 là số ca nhiễm mới mỗi ngày rất lớn: làn sóng thứ 1 bình quân 1 ngày có 4 ca nhiễm mới, làn sóng thứ 2 là 11 ca, làn sóng thứ 3 là 16 ca, còn làn sóng thứ 4, từ 13/5 – 30/6/2021 là 270 ca một ngày, từ 30/6 – 23/7 là 2.900 ca một ngày và từ 23/7 – 26/8/2021 là 9.090 ca một ngày. Tổng số ca nhiễm ngày 12/5/2021, trước khi làn sóng thứ 4 bắt đầu, là 3.623, hiện nay là gần 400.000, gấp hơn 100 lần và giữa tháng 9/2021 có thể lên tới 500.000 người.
Bên cạnh đó số người chết tăng rất cao: làn sóng thứ 1 không có người chết, đến làn sóng thứ 2 có 35 người chết, làn sóng thứ 3 có 1 người chết, làn sóng thứ 4 đến nay đã có 9.667 người chết, gấp hơn 260 lần số người chết của 3 làn sóng trước cộng lại (37 người). Đến 15/9/2021 số người chết trong làn sóng thứ 4 có thể khoảng 14.000 người.
BẢNG 2: MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM DỊCH Ở ĐÀ NẴNG, BẮC GIANG VÀ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (ĐĐT: Đang điều trị nhiễm Covid-19)
Xem xét việc lây nhiễm ở cấp độ các địa phương, ta thấy dịch Covid-19 ở Đà Nẵng, Bắc Giang và Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện sự thay đổi lớn của diễn biến dịch ở các tỉnh, thành phố trong làn sóng thứ 4 so với các làn sóng trước, BẢNG 2.
Dịch ở Đà Nẵng (dân số 1,17 triệu người) thuộc làn sóng thứ 2, có đỉnh là 281 người ĐĐT (240 người ĐĐT/1 triệu dân), gấp 23 lần ngưỡng có dịch của Đà Nẵng (12 người ĐĐT), kéo dài gần 2 tháng (56 ngày). Tỉ lệ Txuống/Tlên = 1,95, BẢNG 2.
Dịch ở Bắc Giang (dân số 1,84 triệu người) thuộc làn sóng thứ 4, có đỉnh là 4.308 người ĐĐT (2.341 người ĐĐT/1 triệu dân), gấp 225 lần ngưỡng có dịch của Bắc Giang (19 người ĐĐT), kéo dài 91 ngày, BẢNG 2.
Dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh (dân số 9,2 triệu người) thuộc làn sóng thứ 4, đến nay đã kéo dài hơn 100 ngày, song chưa đạt đỉnh. Số người ĐĐT hiện nay hơn 92.000 (10.000 người/1 triệu dân, gấp hơn 4 lần đỉnh dịch của Bắc Giang) và gấp 1.000 lần ngưỡng có dịch của Thành phố Hồ Chí Minh (92 người ĐĐT).
Tức là cường độ dịch (số người đang điều trị/1 triệu dân) và thời gian dịch của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ gấp nhiều lần của Bắc Giang và Đà Nẵng.
II. Về khả năng diễn biến dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh sau 25/8/2021
Do dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh chưa đạt đỉnh nên không có cơ sở để dự báo diễn biến dịch sau khi dạt đỉnh.
Xem xét diễn biến dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn vừa qua, BẢNG 2, ta thấy có một điểm khác thường so với diễn biến dịch ở Đà Nẵng, Bắc Giang. Ở giai đoạn dịch tăng dần, chưa đạt đỉnh, tại Đà Nẵng, Bắc Giang cũng như các địa phương khác như Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Dương, số người ĐĐT tăng dần từ thấp lên cao, đến khi đạt đỉnh, theo một đường trơn, không có gãy khúc, BẢNG 2, cũng tương tự như diễn biến dịch của cả nước ở 3 làn sóng lây nhiễm trước, BẢNG 1. Tuy nhiên tại đồ thị số người ĐĐT của làn sóng dịch Thành phố Hồ Chí Minh chúng ta thấy xuất hiện điểm uốn U phía bên trái, BẢNG 2.
Sau ngày 28/7/2021, khi số người ĐĐT là 56.959 người, thì đồ thị số người ĐĐT không tiếp tục đi lên theo xu hướng chung đã quan sát được ở các tỉnh, thành phố khác, đoạn U-B, BẢNG 2, mà lại rẽ sang phải. Tức là số liệu thống kê số người ĐĐT thấp hơn là số người ĐĐT phải có theo “quy luật” chung ở các tỉnh, thành phố khác. Đây là tín hiệu vui vì chống dịch ở Thành phố hiệu quả cao, hay có một ý nghĩa khác phải được phân tích rõ để có giải pháp cần thiết phù hợp.
Số người ĐĐT ở các bệnh viện phụ thuộc vào số người nhiễm mới mỗi ngày (F0) được phát hiện và đưa vào bệnh viện và số người khỏi bệnh ra khỏi bệnh viện. Khi số F0 mới được đưa vào các bệnh viện và khu cách ly thì số người ĐĐT sẽ tăng và nếu có người khỏi bệnh được đưa ra khỏi bênh viện thì sẽ làm số ĐĐT giảm.
Việc số người được phát hiện là F0 và đã vào các cơ sở điều trị ở Thành phố Hồ Chí Minh thấp hơn xu hướng chung của dịch ở các địa phương khác đặt ra câu hỏi: Thành phố đã xét nghiệm đủ mức cần thiết để phát hiện được hầu hết các F0 chưa?
Theo tìm hiểu sơ bộ, thì cho đến hiện nay (24/8/2021), ngành y tế chưa có văn bản hướng dẫn các tỉnh, thành phố, phải xét nghiệm với quy mô thế nào, so với dân số, để không để sót nhiều F0 mà lại không gây lãng phí, do đó các địa phương lúng túng trong việc xác định phải xét nghiệm bao nhiêu, ở đối tượng nào. Từ đó dẫn tới 2 xu hướng: xét nghiệm quá nhiều, gây lãng phí và mất thời gian dành cho triển khai các giải pháp khác và xét nghiệm quá ít, để sót F0 không được phát hiện và đưa đi cách ly, làm cho lây nhiễm cộng đồng diễn ra âm thầm, không được ngăn chặn.
Về vấn đề này, ngày 12/5/2020 Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo: “Tỉ lệ xét nghiệm dương tính từ 3 đến 12% (3 đến 12% số người được xét nghiệm là dương tính với Covid-19) được coi là một chỉ số thể hiện các quốc gia đang xét nghiệm đủ số người cần thiết” (www:Coronavirus.jhu.edu). Có nghĩa là: nếu tỉ lệ dương tính dưới 3%, thì việc xét nghiệm có quy mô quá lớn, không cần thiết, có thể giảm. Còn nếu tỉ lệ dương tính trên 12% thì việc xét nghiệm có quy mô quá nhỏ, cần phải tăng thêm thì mới tìm ra hầu hết số F0. Khi đã xác định được tương đối chính xác số F0 qua xét nghiệm trên địa bàn, từ đó tính tỉ lệ F0 phát sinh mỗi ngày/100.000 dân thì sẽ có cơ sở để xác định mức độ dịch lây lan trên địa bàn.
Chúng ta cố gắng làm rõ, đối chiếu với khuyến cáo này của Tổ chức Y tế thế giới thì việc xét nghiệm ở Thành phố Hồ Chí Minh trong đợt dịch này có đáp ứng hay không?
Thực tế số lần xét nghiệm bình quân mỗi ngày trong vòng một tháng vừa qua ở Thành phố Hồ Chí Minh thay đổi rất lớn. Đầu 7/2021, khi số ca nhiễm F0 mới còn thấp (bình quân 724 F0 một ngày) thì có tới hơn 300.000 xét nghiệm mỗi ngày, còn trong 18 ngày đầu tháng 8/2021, khi số ca nhiễm mới đã ở mức cao (bình quân trên dưới 3.800 F0 mỗi ngày) thì bình quân mỗi ngày chỉ có khoảng 22.000 đến 29.000 xét nghiệm. Đây rõ ràng là điều bất hợp lý: khi số ca F0 mới bình quân mỗi ngày tăng hơn 5 lần (724 ca, từ 5/7 đến 8/7/2021, lên khoảng 3.800 ca, từ 1/8 đến 18/8/2021) thì số xét nghiệm bình quân mỗi ngày lại giảm hơn 10 lần (từ hơn 300.000 xét nghiệm còn khoảng hơn 29.000). Tức là nguy cơ bỏ sót rất nhiều ca F0 là rất lớn.
Tỉ lệ dương tính bình quân của các giai đoạn xét nghiệm từ đầu 7/2021 đến giữa 8/2021 tăng liên tục từ 0,24% lên 17,37%. Đối chiếu với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới thì từ 5/7 đến 22/7/2021, với tỉ lệ dương tính dưới 3%, thì có nghĩa là quy mô xét nghiệm quá lớn, có thể giảm, còn từ 1/8/2021 đến nay, tỉ lệ dương tính là 14,15% đến 17,37%, đã vượt mức 12% dương tính được Tổ chức Y tế thế giới đưa ra làm tiêu chí là mức xét nghiệm hợp lý. Có nghĩa là từ ngày 1/8/2021 đến 18/8/2021, Thành phố Hồ Chí Minh đã xét nghiệm quá ít, để sót rất nhiều F0 trong cộng đồng. Phải tăng số xét nghiệm đến khi nào tỉ lệ dương tính dưới 12% thì số F0 được phát hiện mới được coi là tương đối đầy đủ.
Chẳng hạn nếu số xét nghiệm mỗi ngày không phải ở mức 22.000 – 29.000 như thực tế đầu 8/2021, mà ở mức khoảng 100.000 (như từ 23/7/2021 đến 31/7/2021), thì số ca F0 được phát hiện mỗi ngày đã cao hơn nhiều mức khoảng 3.800 ca như đã công bố từ 1/8/2021 đến nay. Đây chính là điều lý giải cho hiện tượng có điểm uốn trái U, trong đồ thị số người ĐĐT của làn sóng dịch Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, BẢNG 2. Nếu Thành phố xét nghiệm từ cuối 7/2021 đến nay ở mức cao cần thiết theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, thì số ca F0 phát hiện sẽ phải cao hơn, do đó số người ĐĐT sẽ cao hơn không phải như đã công bố, mà theo xu hướng chung là đường U-B trong BẢNG 2. Hiện nay, chính số F0 chưa được phát hiện này (có thể đến hơn 10 ngàn) đang lây nhiễm tiếp tục.
Từ 23/8 đến 27/8/2021 Thành phố đã tăng số xét nghiệm rất lớn: 1.117.000 xét nghiệm trong 5 ngày, bình quân 223.400 xét nghiệm/ngày, gấp 10 lần bình quân từ 11/8 – 18/8/2021 (22.140 xét nghiệm/ngày). Qua đó đã phát hiện thêm 42.400 người dương tính, tức là bình quân 8.480 người/ngày, gấp 2,15 lần của 5 ngày trước đó, 18/8 – 22/8, là 3.950 người dương tính/ngày. Tỉ lệ dương tính của 5 ngày 18/8 – 22/8/2021 là trên 14%, còn của 5 ngày 23/8 – 27/8/2021 là 3,8%.
Như vậy, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, tỉ lệ dương tính 3,8% đảm bảo số ca dương tính được phát hiện là khá đầy đủ (8.480 ca/ngày), còn tỉ lệ dương tính 14% chỉ báo là xét nghiệm quá ít, nên kết quả 3.950 ca/ngày là không đầy đủ. Nếu từ 23/8 – 27/8/2021 Thành phố vẫn chỉ tiến hành khoảng 22.000 xét nghiệm mỗi ngày thì tổng số F0 mới là khoảng 20.000, thấp hơn số thực tế phát hiện 42.400 F0 là 22.400 người. Tức là khi tỉ lệ dương tính giảm từ 14% xuống còn 3,8% thì chúng ta mới nhận ra: tình hình dịch là xấu hơn đánh giá trước đó.
Vì vậy, khi từ 15/8/2021 đến 15/9/2021, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện cách ly xã hội triệt để, chúng ta sẽ ngăn chặn được lây nhiễm từ nhà này sang nhà khác, quận này sang quận khác, song không ngăn chặn được tiếp tục lây nhiễm TRONG CÁC GIA ĐÌNH, khi trong nhà có 1 F0 chưa được phát hiện.
Ngày 13/8/2021, lãnh đạo Bộ Y tế đã đánh giá: hiện nay ở Thành phố Hồ Chí Minh, số xét nghiệm được thực hiện chủ yếu tại các đối tượng có triệu chứng nhiễm Covid-19 rõ. Nếu lấy xét nghiệm rộng hơn, số ca mắc trong cộng đồng có thể cao gấp 4-5 lần số đã ghi nhận và công bố. Theo ý kiến này, thì có nghĩa là đồ thị số người đang điều trị ở Thành phố Hồ Chí Minh sau 1/8/2021 lệch sang phải, có điểm uốn trái, BẢNG 2, là không phản ánh đúng số ca nhiễm F0 mỗi ngày và cần phải được đưa đi điều trị phù hợp.
Trong khi việc “đếm” số F0 phát sinh mỗi ngày qua xét nghiệm có thể có sai sót do xét nghiệm quá ít, thì việc đếm số ca bị chết có thể coi là chính xác, giúp ta hình dung số F0 thực tế. Đến nay Thành phố Hồ Chí Minh đã có 7.830 người chết vì Covid-19 (26/8/2021). Nếu lấy tỉ lệ chết bình quân của cả nước là 2,46% tổng số người đã nhiễm (F0) làm cơ sở, thì số người đã nhiễm Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tương ứng 318.200 (7.830/2,46%), lớn hơn 122.000 F0 so với số 196.000 F0 đã ghi nhận và công bố (26/8/2021).
Hình dung khả năng diễn biến dịch ở Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh sau 25/8/2021:
Từ các phân tích trên ta có thể hình dung (không phải dự báo) diễn biến định tính dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh sau 25/8/2021 như sau, HÌNH 1. Ngày 28/7/2021, khi Thành phố có 56.959 người nhiễm đang được điều trị, điểm U, HÌNH 1, thì thực tế số người nhiễm đang có ở Thành phố lớn hơn số này (điểm A, HÌNH 1) vì đã có một số F0 chưa được phát hiện. Số F0 này sẽ tiếp tục lây lan tại các gia đình khi Thành phố cách ly xã hội. Số F0 thực tế đang có ở Thành phố sẽ là đường A-B-C. Khi Thành phố tăng cường xét nghiệm từ sau 20/8/2021 thì số F0 được phát hiện sẽ tăng mạnh và được đưa đi điều trị.
Tại điểm C, HÌNH 1, giả định là ngày 30/9/2021, Thành phố sẽ phát hiện được hầu hết F0 đang có và đưa vào điều trị, ở đây giả định là 120.000 người. Qua xét nghiệm tốt từ 20/8/2021 trở đi, chúng ta mới biết thực tế có bao nhiêu F0 còn ở ngoài và sẽ đưa vào các cơ sở điều trị. Tức là điểm C có thể dịch lên trên (hơn 120.000 người) hoặc xuống dưới, dịch qua trái (trước ngày 30/9/2021) hoặc sang phải (sau ngày 30/9/2021). Sau đó, nếu Thành phố thực hiện các biện pháp ngăn chặn lây nhiễm phù hợp, không bỏ quá nhanh, quá nhiều các giải pháp phòng chống dịch, thì số người đang điều trị sẽ giảm, từ đỉnh C xuống điểm D, HÌNH 1.
Thời điểm Thành phố hết dịch (số người đang được điều trị không quá 100 người), có thể trước hoặc sau 31/12/2021, tùy thuộc vào việc tiêm Vắc xin 2 mũi bao phủ đến đâu và việc tiếp tục duy trì các biện pháp phòng dịch cần thiết (đeo khẩu trang, quy định số lượng người tham gia các sự kiện đông người, xét nghiệm tầm soát định kì các khu vực, đối tượng nguy cơ cao …).
Theo kinh nghiệm của Đà Nẵng, BẢNG 2, tỉ lệ Txuống/Tlên = 1,95 (thời gian dịch giảm đến kết thúc so với thời gian dịch tăng và đạt đỉnh), còn của Bắc Giang là 1,76. Khi dịch ở 2 địa phương này xảy ra, việc tiêm Vắc xin chưa có hoặc tác dụng không nhiều. Ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, 80% người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm ít nhất 1 mũi và 3,1% tiêm 2 mũi, đến cuối 12/2021 tỉ lệ sẽ cao hơn. Vì vậy nếu dựa vào diễn biến dịch ở Đà Nẵng và Bắc Giang thì khó đánh giá tác dụng của tiêm Vắc xin nhiều loại ở Thành phố Hồ Chí Minh với việc hạn chế lây nhiễm từ nay đến cuối năm.
Tại Israel, khi dịch đạt đỉnh ngày 4/2/2021, có 80.899 người nhiễm đang được điều trị, đến ngày 9/6/2021 chỉ còn 186 người, bằng 0,2% đỉnh dịch. Tức là số người phải điều trị đã giảm 99,8% so với lúc cao nhất vào 2/2021. Với kết quả quá suất sắc này, cùng với việc tiêm Vắc xin rất nhanh, vào loại dẫn đầu thế giới (ngày 16/6/2021, 57% dân số đã tiêm đủ 2 mũi, ngày 23/8/2021 hơn 60% đã tiêm 2 mũi, thuộc nhóm dẫn đầu thế giới: ở Mỹ là 52,3%, Đức 59,5%, Anh 63,1%, Canada 66,5% …) Israel đã bỏ các biện pháp phòng dịch rất mạnh từ 7/2021, vì thế dịch lại bùng phát: đến ngày 25/8/2021 đã có 79.785 người phải điều trị Covid-19, gần bằng đỉnh dịch. Để giảm từ đỉnh dịch (80.899 người phải điều trị) xuống đáy (186 người phải điều trị) Israel cần 125 ngày, còn từ đáy lên gần đỉnh cũ chỉ có 80 ngày.
Bài học là: Cho dù số người đang được điều trị đã giảm 99,8% so với đỉnh dịch, cho dù hơn 60% dân số đã tiêm đủ 2 mũi, bỏ hết các biện pháp phòng dịch sẽ làm cho dịch bùng phát trở lại với tốc độ rất cao, nhất là khi có các chủng Virus mới xuất hiện.
Như vậy, nếu tạm thời lấy tỉ lệ thời gian dịch xuống đỉnh và hết so với thời gian dịch đạt đỉnh ở Thành phố Hồ Chí Minh tương đồng như ở Bắc Giang là 1,76 (ở Đà Nẵng là 1,95) và giả định dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh đạt đỉnh ngày 30/9/2021, HÌNH 1, thì thời gian dịch đạt đỉnh là 120 ngày (29/5/2021 – 30/9/2021) và thời gian xuống đỉnh là 210 ngày. Tổng cộng dịch có thể kéo dài 330 ngày (10 tháng), kết thúc khoảng 30/4/2022, HÌNH 1. Rõ ràng đây không thể là điều chúng ta mong muốn, chỉ là một hình dung sơ bộ về tình huống xấu nhất, từ đó chúng ta phải áp dụng các biện pháp hiệu quả nhất, quyết liệt nhất bây giờ và các tháng tới để tình huống này không xảy ra, mà dịch có thể kết thúc cuối 2021.
Việc thực hiện cách ly xã hội triệt để từ 15/8/2021 đến 15/9/2021 sẽ làm số ca F0 mới giảm rất mạnh so với trước, song không làm giảm sự lây nhiễm tại các gia đình do đã có rất nhiều F0 không được phát hiện thời gian qua do xét nghiệm quá ít. Nếu không xét nghiệm gộp rộng rãi các gia đình, nhất là ở các địa bàn vừa qua có tỉ lệ lây nhiễm cao trên 100.000 dân, để phát hiện các gia đình có F0 này, mà chỉ căn cứ số F0 được phát hiện đã giảm (khi xét nghiệm quá ít) rồi nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch quá sớm thì sẽ làm dịch tiếp tục kéo dài sau 15/9/2021. Đây chính là bài học từ Israel và nhiều nước khác (Nhật Bản, Mỹ, Anh, Pháp).
Do vừa qua xét nghiệm không đầy đủ nên số F0 cần điều trị phù hợp ngày 20/8/2021 không phải là 79.867 như thông tin đã công bố mà nhiều hơn.
Như vậy nguồn các F0 trở thành bệnh trung bình và nặng cần được điều trị (khoảng 20% số F0 hiện hành) sẽ cao hơn là dự kiến hiện nay. Các bệnh viện và trung tâm điều trị Covid-19 sẽ tiếp tục phải làm việc với cường độ cao đến 15/9 hoặc lâu hơn nữa. Việc sử dụng các thuốc điều trị Covid-19 sẽ nâng cao đáng kể hiệu quả điều trị, giảm tỉ lệ tử vong.
Nhờ sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ, hơn 80% người dân trên 18 tuổi ở Thành phố đã được tiêm 1 mũi Vắc xin, qua đó giảm đáng kể nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong với người đã tiêm phòng. Cùng cả nước, khi Thành phố hoàn thành tiêm mũi thứ 2 cho 80% người dân từ 18 tuổi trở lên thì sẽ có khả năng kết thúc dịch nếu vẫn duy trì một số biện pháp phòng dịch khác.
Từ khi có dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh (29/5/2021) đến 15/9/2021 là 110 ngày. Hàng triệu hộ gia đình đã bị giảm hoặc mất thu nhập trong hơn 3 tháng qua, rất nhiều doanh nghiệp phải giảm hoặc ngừng hoạt động. Để duy trì cuộc sống của hơn 10 triệu người dân và duy trì khả năng hoạt động của gần 300.000 doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh, khi một khả năng là dịch có thể kết thúc (số người ĐĐT không quá 100 người ở Thành phố Hồ Chí Minh) vào 12/2021 (kể cả khi đã tiêm đủ 1 lần Vắc xin cho hơn 80% dân số), thì ngay từ bây giờ phải xây dựng các kịch bản đảm bảo an sinh, an toàn, trật tự xã hội, bảo vệ năng lực kinh tế của quốc gia và Thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến hết quý 1/2022.
Từ bài học của Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương đang có dịch nên khẩn trương rà soát quy mô xét nghiệm và tỉ lệ dương tính của mình và điều chỉnh theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới để phát hiện kịp thời hầu hết số F0 và có cách xử lý hợp lý nhất. Chú ý là tỉ lệ dương tính hợp lí khi xét nghiệm (3 – 12%) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới không liên quan gì đến đánh giá tình hình dịch đang tốt lên hay xấu đi mà chỉ để đảm bảo là số F0 được phát hiện là sát thực tế.
Phải so sánh số F0 mới phát hiện này với số F0 đã phát hiện trước đó và dân số của địa bàn xét nghiệm mới cho phép ta đánh giá đúng về tình hình dịch Covid-19 của địa bàn và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả nhất./.
GS Nguyễn Thiện Nhân, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh