+
Aa
-
like
comment

Khả năng chạy đua vũ khí siêu thanh giữa Mỹ, Nga, Trung

Hồng Anh - 20/01/2020 06:02

Những tiến bộ về vũ khí siêu vượt thanh của Nga và Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về cuộc chạy đua vũ trang mới với Mỹ, đẩy thế giới lún sâu vào bất ổn.

Những đột phá gần đây trong việc phát triển vũ khí siêu vượt thanh đã làm dấy lên lo ngại về cuộc chạy đua vũ trang mới giữa Nga, Trung Quốc và Mỹ. Một số nhà quan sát quốc phòng đã kêu gọi xây dựng thỏa thuận kiểm soát vũ khí quốc tế mới, South China Morning Post cho biết.

Sự xuất hiện của vũ khí siêu vượt thanh đã làm dấy mối lo ngại về vũ khí của quân đội bất khả chiến bại, không thể bị chặn bởi các hệ thống phòng thủ hiện có. Nó góp phần làm tăng cường khả năng của các cường quốc hạt nhân.

Một vũ khí được xếp loại vũ khí siêu vượt thanh khi nó bay với tốc độ từ Mach 5 (khoảng 6.174 km/h) trở lên.

Mỹ tụt lại phía sau Năm ngoái, Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tuyên bố việc triển khai vũ khí siêu vượt thanh DF-17 trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước này.

Nhưng vào cuối tháng 12/2019, Nga tuyên bố đưa vào trực chiến tên lửa siêu vượt thanh Avangard còn tối tân hơn. Việc triển khai Avangard chỉ ra rằng Nga đã đi trước Mỹ và Trung Quốc, bởi tên lửa DF-17 của Trung Quốc có công nghệ ít tiên tiến hơn và chỉ có thể bay với tốc độ tối đa Mach 6 (khoảng 7.400 km/h).

Lo ngai chay dua vu khi sieu vuot thanh giua My, Nga, Trung hinh anh 1 EFxRlJ1VUAARwvw.jpg
Tên lửa siêu vượt thanh DF-17 của Trung Quốc được trưng bày trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh vào ngày 1/10/2019.

Trong khi đó, truyền thông Nga tuyên bố Avangard có thể bay với tốc độ tới Mach 20 (khoảng 24.696 km/h), tốc độ mà việc đánh chặn gần như là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Mỹ là quốc gia đầu tiên công bố việc phát triển tên lửa siêu vượt thanh, nhưng dự án này đã bị gián đoạn, sau khi cựu Tổng thống Barack Obama đình chỉ chương trình và mới được nối lại dưới thời Tổng thống Donald Trump. Tuy vậy, chương trình vẫn đang trong giai đoạn phát triển và chưa được công bố.

Theo một báo cáo gần đây được công bố bởi bản tin các nhà khoa học nguyên tử, Nga và Trung Quốc đang đạt được lợi thế trong việc phát triển công nghệ siêu vượt thanh, dựa trên các chuyến bay thử nghiệm thành công mà họ đã thực hiện, trong khi Ấn Độ và Pháp đứng sát phía sau.

Không thay đổi cân bằng hạt nhân Mặc dù cuộc chạy đua vũ trang đang tăng tốc, Margaret Kosal, phó giáo sư tại Trường quan hệ quốc tế Sam Nunn thuộc Viện Công nghệ Georgia ở Mỹ, cho biết công nghệ siêu vượt thanh không làm thay đổi cuộc chơi, vì nó sẽ không thay thế vũ khí hạt nhân như công cụ răn đe chiến lược hiệu quả nhất.

Tên lửa siêu vượt thanh sẽ không tạo ra sự răn đe giữa các cường quốc, dù nó có thể ảnh hưởng đến các khía cạnh của sự toan tính và lựa chọn trong chỉ huy, kiểm soát.

Zhou Chenming, nhà phân tích quân sự ở Bắc Kinh cho biết vũ khí siêu vượt thanh có thể làm tăng tổn thất trong chiến tranh, nhưng không ai trong số 3 cường quốc hàng đầu thế giới sẽ sử dụng chúng làm công cụ tấn công phủ đầu và sẽ tiếp tục tăng cường công nghệ hạt nhân chiến lược.

Lo ngai chay dua vu khi sieu vuot thanh giua My, Nga, Trung hinh anh 2 z_avangard.jpg
Phương tiện bay siêu vượt thanh Avangard của Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

“Sự xuất hiện của vũ khí siêu vượt thanh đã đóng băng vũ khí hạt nhân chiến lược của 3 cường quốc Mỹ, Nga, Trung, bởi vì điều đó có nghĩa là chi phí để trở thành một quốc gia hạt nhân thực sự đang tăng lên”, ông Zhou nói.

Chi phí sản xuất và bảo trì vũ khí siêu vượt thanh có thể rẻ hơn nhiều, nhưng chi phí phát triển của nó rất lớn. Mỗi chuyến bay thử nghiệm của nó có thể tiêu tốn hàng tỷ nhân dân tệ, ông Zhou cho biết thêm.

Antony Wong Dong, nhà quan sát quân sự ở Macau, cho biết không thể ngăn cản các cường quốc phát triển công nghệ siêu vượt thanh, nhưng họ có thể làm việc để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tiềm tàng, bằng cách không vũ trang hạt nhân cho nó.

“Tên lửa siêu vượt thanh có thể trở thành vị cứu tinh quốc gia, hoặc tội nhân nhà nước phụ thuộc vào những gì mà các nhà lãnh đạo quyết định. Ba nước nên có một cơ chế đồng thuận và xác minh để cấm bất kỳ phương tiện bay siêu vượt thanh nào mang đầu đạn hạt nhân”, ông Dong nói.

Lo ngai chay dua vu khi sieu vuot thanh giua My, Nga, Trung hinh anh 3 1247129.jpg
Tên lửa siêu vượt thanh Kinzhal phóng từ tiêm kích MiG-31 của Nga. Ảnh: TASS.

Tuy nhiên, vũ khí siêu vượt thanh cũng có thể sử dụng làm vũ khí chiến thuật để tăng sức mạnh đàm phán. Alexei Rakhmanov, chủ tịch tập đoàn đóng tàu nhà nước Nga, cho biết trong tháng 12/2019, rằng Moscow sẽ trang bị tên lửa siêu vượt thanh cho các tàu chiến mới và các tàu chiến hiện có.

“Nếu kế hoạch của Nga được thực hiện, nó sẽ cho thấy một sự thay đổi trò chơi hoàn toàn mới ở đây”, Collin Koh Swee Lean, nhà nghiên cứu của chương trình an ninh hàng hải tại Viện nghiên cứu quốc phòng và chiến lược ở Singapore nói.

Nhà phân tích Koh và Zhou đều tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sử dụng lợi thế của đất nước trong việc phát triển Avangard để tăng sức mạnh mặc cả trước cuộc đàm phán Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược Start mới.

Start mới dự kiến sẽ thay thế cho Hiệp ước INF mà Mỹ đã rút lui vào năm ngoái. Moscow tin rằng họ đi trước trong lĩnh vực công nghệ vũ khí chiến lược này, sau đó sẽ tác động đến khả năng răn đe chiến lược.

Mỹ và Nga đều muốn đưa Trung Quốc vào đàm phán và mở rộng thành hiệp ước 3 bên. Tuy nhiên, Bắc Kinh khẳng định họ không đủ điều kiện để tham gia cuộc thảo luận. Trung Quốc nói rằng số lượng vũ khí hạt nhân trong kho của họ thua xa của Nga và Mỹ.

Tuy nhiên, với sức mạnh công nghệ tên lửa siêu vượt thanh chỉ đứng sau Nga, bà Kosal cho biết có thể nỗ lực thuyết phục Trung Quốc tham gia với Mỹ và Nga để thảo luận về hiệp ước kiểm soát vũ khí mới.

“Vũ khí siêu vượt thanh chưa đủ khả năng để thay đổi đáng kể mối quan hệ giữa Mỹ, Nga, Trung, nhưng sự cường điệu và giả thuyết xung quanh nó sẽ tạo ra đủ sự quan tâm để thúc đẩy các cuộc thảo luận hiệu quả và tăng cường nỗ lực ngoại giao song phương và 3 bên”, bà Kosal nói.

Bài mới
Đọc nhiều