Khá Bảnh – Giang hồ mạng và bài học của cha mẹ học sinh
Sáng ngày 13/11, TAND thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh đã mở phiên xét xử Ngô Bá Khá cùng các đồng phạm. Dù thân là kẻ tù tội với nhiều tiền án, tiền sự nhưng Khá Bảnh vẫn được săn đón như ngôi sao hạng A khi có khá đông học sinh Bắc Ninh đến để gặp mặt. Sự việc khiến dư luận hết sức quan tâm, nó như hồi chuông cảnh báo cho các bậc phụ huynh học sinh hiện nay.
Một trào lưu xấu, xuất phát từ nhận thức lệch lạc
Khá “bảnh” xuất hiện với vẻ mặt tươi cười, bị cảnh sát áp giải vào phòng xét xử. Trong số những người thân, bạn bè đứng bên ngoài chờ đợi, gọi tên. Đặc biệt, trong đó có không ít học sinh.
Đó là cái kết cho Khá “bảnh”, một YouTuber từng gây “bão” bằng các clip có nội dung tục tĩu, bạo lực… trên kênh YouTube của mình. Đó là cái kết của một “giang hồ mạng” ngoài việc cố đẩy các clip nội dung không lành mạnh để câu đám đông với lượng view cao còn tổ chức đánh bạc, lô đề và có tiền sự cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng.
Khá Bảnh – “giang hồ 4.0” trên môi trường mạng. Không học hết trung học cơ sở, tới năm 17 tuổi, Khá gây rối trật tự công cộng vì và phải vào trại giáo dưỡng. Sau đó, Khá về quê nhưng lại bị xử lý cùng hành vi. Tới năm 2017, sau 5 tháng tù, Khá được tự do và trở về địa phương nhưng giao du với nhiều thành phần bất hảo.
Cũng trong năm 2017, Khá bắt đầu làm những video đăng tải trên mạng xã hội YouTube. Trong đó có rất nhiều video với lời lẽ tục tĩu, hành vi giang hồ… Thế nhưng, điều bất ngờ là kênh YouTube với hơn 400 clip này lại thu hút một lượng người theo dõi không nhỏ: 2 triệu lượt tính tới trước thời điểm bị gỡ hạ (ngày 3/4).
Khá Bảnh được đông đảo các bạn trẻ học sinh Bắc Ninh xúm xít tung hô, các anh em giang hồ tới đưa tiễn. Đấy không giống hình ảnh một bị cáo sắp bước lên vành móng ngựa, nó giống người ta chào đón một ngôi sao đang bước lên thảm đỏ. Đáng chú ý nhất, khi bản án được tuyên, người ta lại bênh Bảnh và tiếp tục chửi chính quyền.
Bên hành lang Quốc hội sáng ngày 14/11, lý giải hiện tượng Khá “bảnh”, một thành phần bất hảo khi bị đưa ra xét xử vẫn được rất đông giới trẻ thần tượng, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An cho rằng đã có những thang giá trị bị thay đổi.
“Nếu nói về thần tượng của giới trẻ thì có nhiều thứ. Khá “bảnh” cũng là một thần tượng. Nhưng thần tượng đó không chuẩn. Trong suy nghĩ của lớp trẻ bây giờ, có những thang giá trị đã thay đổi”, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu nhận xét.
Giám đốc Công an Nghệ An cho rằng: “Đến khi họ lớn lên một chút, nhận thức khác đi, họ sẽ nhận thấy Khá ‘bảnh’ không phải là người mình hâm mộ nữa”. Ông Cầu cũng cho rằng có thể thông cảm cho giới trẻ, bởi trong nhận thức tại thời điểm này họ cho là đúng nhưng khi có kiến thức hơn thì họ sẽ nhận thức điều đó không còn đúng nữa.
Nguyên nhân của thực trạng trên được ông chỉ ra là một phần do giới trẻ tiếp xúc với mạng xã hội và công nghệ quá sớm. Trong khi tất cả thông tin tốt – xấu lẫn lộn đang được đưa lên mạng xã hội thì nhiều người trẻ chưa có đủ tri thức để chắt lọc, phân biệt.
Với Khá “bảnh”, có thể giới trẻ cảm thấy người này có nhiều fan hâm mộ nên theo trào lưu họ cũng sẽ hâm mộ theo mà chưa phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai. Vì thế cần một khoảng thời gian để giáo dục. Khi đủ thể lực, trí tuệ, giới trẻ sẽ nhận ra những tiêu chuẩn sai.
“Để giải quyết được tình trạng này cần có cuộc cách mạng chấn hưng về đạo đức, giáo dục về các thang giá trị chân chính của xã hội. Các cơ quan truyền thông cần lên tiếng, định hướng cho lớp trẻ”, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu đề xuất.
Đừng để bạo lực, sự ngông cuồng lan truyền vào đầu giới trẻ
Giới trẻ bây giờ, thần tượng của chính là những Huấn Hoa Hồng, Thắng Cá Chép, Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền … những gã giang hồ vướng vòng lao lý, và đều vi phạm pháp luật. Chúng dễ dàng học theo thần tượng, đánh đập hành hung người các cô cậu bé khác vì cái gọi là “ở trên đời không có đúng sai, chân lý thuộc về kẻ mạnh”, hay không chùn tay khi chém người khác vì bạn, được tung hô là “nghĩa khí giang hồ”.
Ảo tưởng về sự nổi tiếng bằng những việc làm lệch lạc về nhân cách và không xuất phát từ nền tảng tài năng của bản thân chẳng bao giờ là con đường nền vững đưa đến thành công, hoặc giả có “nổi tiếng” thì cũng chỉ trong dư luận ngắn ngủi, trong đó đa phần người ta quan tâm vì sự tò mò. Những hiện tượng được quan tâm nhất thời một thời như “ca sĩ” L.R hay hotgirl B.T sau cùng còn không có nổi “một phút huy hoàng” chứ đừng nói là theo đuổi được sự nghiệp lâu dài và nghiêm túc.
Khá Bảnh – một hiện tượng tiêu cực trên mạng xã hội
Lướt facebook, chúng ta dễ dàng bắt gặp những vụ trẻ con hỗn hào, hung dữ. Nào là nhóm học sinh ở Hưng Yên lột đồ làm nhục bạn cùng lớp. Nào là thông tin 5 nữ sinh quây đánh bạn, bắt quỳ, hành hung bạn thậm tệ ở Diễn Châu, Nghệ An. Nào là nam học sinh đâm giáo viên chủ nhiệm lòi ruột vì bị thầy chửi mắng. Hay có những nhóm trẻ trâu mang dao chặn cướp xe trên quốc lộ, mang mã tấu chém người khác vì bị quy nhìn đểu… đó là những tín hiệu đỏ cảnh cáo về sự xuống cấp về mặt đạo đức của thế hệ trẻ Việt Nam.
Nhiều người trong chúng ta thường có suy nghĩ rằng những đứa trẻ hỗn hào, ngổ ngáo đều thuộc gia đình bất ổn, kinh tế khó khăn hay thành phần xã hội. Nhưng không hẳn thế. Ngày càng nhiều đứa trẻ hư, ích kỷ và ác độc là con của những gia đình tri thức, có kinh tế ổn định.
Nguyên nhân vì sao các bạn biết không? Trẻ nhỏ bị người lớn làm hư và được internet tiếp tay đấy. Trong thời đại mạng internet kết nối thông tin tràn lan, cái ác, tính bạo lực, sự ngông cuồng lan truyền nhanh hơn những bài học có giá trị.
Trẻ nhỏ, đặc biệt ở tuổi vị thành niên, tư duy rất dễ nhạy cảm trước cả cái đẹp, cái tốt và cái xấu, cái ác. Vậy nên sự quan tâm bảo ban, răn dạy của người lớn để điều chỉnh hành vi, nhân cách của trẻ là rất cần thiết. Ấy vậy mà…
Trẻ con ở trường vừa học luật an toàn giao thông, hôm sau được bố mẹ chở đi học, để kịp giờ làm phụ huynh vượt luôn đèn đỏ, đi lấn lòng lề đường. Đôi lúc bị CSGT bắt phạt, năn nỉ xin xỏ không được vội dúi tiền để qua và sau đó chửi “chó vàng”. Trẻ con như tờ giấy trắng, người lớn đùng làm dơ bẩn nó, bởi trong cái tuổi này các con học hư nhanh lắm đấy.
Chúng ta bận việc hay mệt mỏi, để “đỡ bị trẻ làm phiền” bạn quăng ngay cho trẻ cái điện thoại, cái ipad … để mặc trẻ thích làm gì thì làm mà không biết, thông tin độc – văn hóa đen tràn lan internet. Bố mẹ thời trẻ giao con cho giúp việc, vậy thì về già chớ trách con cái nó thuê ô-sin hầu ông bà. Nhân quả cả thôi.
Sự tung hô trên mạng “ảo” vô tình đem lại cho họ nguồn thu từ quảng cáo Youtube. Để tiếp tục “kiếm tiền”, họ sẽ phải làm các clip “phục vụ” thị hiếu một bộ phận cư dân mạng. Tuy nhiên điều nguy hại nhất là ở chỗ dần dần những nhân vật này sẽ bị ảo tưởng vào “sức mạnh” của mình, dấn sâu vào lối sống hưởng thụ, để từ đó dẫn tới các hành vi vi phạm pháp luật”.
Phạm Minh Hà