+
Aa
-
like
comment

Kết quả bầu cử Mỹ: Ai thụ kiện, kiện cái gì?

06/11/2020 19:00

Hiện nay việc kiểm phiếu vẫn đang diễn ra, dù lợi thế đang nghiêng về ông Biden. Nhưng đồng thời cả hai cũng đang chuẩn bị đối mặt với cuộc chiến pháp lý, có thể kéo dài đến vài tuần, sau khi kết quả bỏ phiếu cuối cùng được các bang công bố.

Câu chuyện kiện cáo ở Mỹ cũng khá lôi thôi và phức tạp, chủ yếu diễn ra ở những bang như Nevada, Wisconsin, Michigan, Pennsylvania, North Carolina, Georgia, nơi mà số phiếu của hai ứng cử viên đang thắng/thua sát nút và kết quả cả các cuộc bỏ phiếu này sẽ ảnh hưởng đến kết quả chung cuộc. Theo lẽ thường người đi kiện là bên “thua cuộc” sau kiểm phiếu hoặc tin rằng mình đang “bị xử ép” và tìm cách cách lấy lại “công lý”.

Việc kiện cáo trước hết sẽ diễn ra ở Tòa án Tối cao cấp bang. Nếu các phán quyết của Tòa án cấp bang không thỏa mãn thì các bên lại “lôi” nhau lên tiếp Tòa án Tối cao liên bang. Các phán quyết của tòa án tối cao liên bang sẽ là chung cuộc.

Kiện cái gì?

Câu chuyện quan trọng nhất là xác định “phiếu” bầu và cách thức kiểm phiếu:

Biden và nhóm cố vấn pháp lý cho rằng quyền cơ bản nhất về bầu cử của người dân là mỗi người một lá phiếu (one man one vote), và các phiếu bầu của họ phải được tôn trọng. Tất cả các phiếu này cần phải được kiểm, dù bỏ theo hình thức qua bưu điện (có đóng dấu xác nhận ngày gửi) hoặc không cần dấu, không cần chữ ký, hoặc so chữ ký người bỏ phiếu mà chỉ cần thả vào các thùng đựng phiếu và chuyển thẳng đến nơi kiểm phiếu… miễn là việc bỏ và kiểm phiếu này phù hợp với quy định của từng tiểu bang

Ngược lại, Trump và nhóm cố vấn pháp lý đồng ý với nhóm Biden về nguyên tắc mỗi người một phiếu, nhưng nhấn mạnh đến yếu tố “kiểm phiếu hợp pháp” thay vì “kiểm phiếu” để tránh gian lận.

“Phiếu bầu” chỉ được coi là hợp pháp khi đảm bảo các yếu tố sau:

– Không chấp nhận phiếu không có dấu bưu điện vì có thể một người/một nhóm điền phiếu cho cả chục cả trăm người khác.

– Có dấu bưu điện, đóng dấu nhận thư từ thời điểm ngày bầu cử 3/11 trở về trước.

– Không chấp nhận các lá phiếu gửi đến sau khi cuộc bầu cử kết thúc

– So chữ ký người gửi với chữ ký thật, đảm bảo “người thật việc thật” và người bỏ phiếu đã đọc về các ứng cử viên, chủ động chọn/hoặc xóa 1 ứng cử viên nhất định.

– Kiểm và đếm lại chỉ đối với các phiếu khi hội tụ các yếu tố “hợp pháp” này.

Theo họ nếu không đáp ứng được các tiêu chí này thì những cái mà phe Biden gọi là “phiếu” thực ra chỉ là những “tờ giấy lộn”, “rác” hoặc “phiếu ma”.

Kiện “quy trình”:

Nhóm Trump không có bất cứ cơ sở nào để kiện cá nhân ông Biden. Ông Biden chỉ là một công dân, một nhà chính trị như nhiều người Mỹ khác. Ông Biden sẽ viện rằng, do luật bầu cử mới và quy định của các bang như vậy, nên cử tri họ chỉ làm và tuân theo các quy định đó. Họ không thể sai khi làm đúng quy định.

Do đó, nhóm pháp lý của Trump khi “đệ đơn ra tòa” trước hết sẽ kiện “quy trình” ở mấy điểm:

– Trước hết họ sẽ rà soát toàn bộ các quy định liên quan đến bầu cử ở từng bang, xem những quy định mới gây bất lợi cho ông Trump được đưa ra có hợp pháp, hợp hiến và hợp lệ hay không?

– Các thiết chế nào ở trong bang (cơ quan lập pháp, mà ở đây là Hạ viện hay Thượng viện cấp bang, hay Tòa án tối cao của bang), hoặc cá nhân những người như Thống đốc bang, người phụ trách công việc nội vụ của bang sẽ có những quyền hạn và nghĩa vụ gì trong cuộc bầu cử.

– Pháp luật hoặc quy định mới được sửa so với các luật và quy định cũ có những điều chỉnh gì bất lợi cho ứng cử viên Cộng Hòa và tại sao lại có những điều chỉnh như vậy.

Vấn đề ở đây là ngay từ cấp bang, quyền lực đã chia sẻ cho các đảng phái và mỗi bên đều tìm cách diễn giải luật hoặc quy định theo hướng có lợi cho ứng cử viên đảng “của mình”.

Cái này quy định ở Mỹ khá phức tạp và mỗi bang lại như một quốc gia riêng không quy định giống nhau.
Chỉ lấy một ví dụ đơn giản là bang Pennsylvania, nơi vẫn chưa kiểm phiếu xong, và dự kiến sẽ là một trong các trung tâm kiện cáo:

– Luật về bầu cử cũ của bang Pennsylvania quy định, các phiếu bỏ qua thư chỉ được tính là hợp pháp khi được chuyển đến nơi kiểm phiếu trước 8 giờ tối trong này bầu cử mùng 3/11.

– Tuy nhiên chỉ ít ngày trước bầu cử, Tòa án tối cao của bang (trong đó các thẩm phán do Dân chủ bổ nhiệm chiếm đa số) lại quy định “luật chơi” mới, quyết định rằng các phiếu bầu cử qua thư đến sau 3 ngày khi cuộc bầu cử kết thúc tức ngày 6/11 thì vẫn được tính là hợp pháp.

Lập luận của họ là do Covid-19, nên nhiều người bỏ phiếu bằng thư và bưu điện không giải quyết xuể, do đó việc tính các phiếu gửi qua thư đến trễ là hợp pháp.

– Các nghị sĩ của Hạ viện bang (do Cộng hòa chiếm đa số) phản đối quy định mới vì họ biết rằng nếu “chơi” theo luật mới này thì có lợi cho Dân chủ, vì trong số số các phiếu gửi qua thư thì tỷ lệ bỏ cho Dân chủ là áp đảo (3:1).

– Các nghị sĩ Cộng hòa của bang kiện lên Tòa án tối cao liên bang, và tòa ra phán quyết với tỷ lệ 4:4 (sau cái chết của thẩm phán Ruth Bader Ginsburg) theo đó đồng ý với quy định của Tòa án Tối cao của bang Pennsylvania và là một thất bại cho phe Cộng hòa.

– Tuy nhiên, do Tòa án tối cao liên bang vừa được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm thêm thẩm phán mới Amy Coney Barrett, nên giờ đây phê Cộng hòa có thể kiện lại và hy vọng sẽ có lợi thế cho mình ở Tòa án Tối cao Liên bang.

Với một ví dụ này thôi để cho thấy các quy định luật pháp của Mỹ hết sức “nhiêu khê” và phức tạp.

Ngoài “phiếu bầu” và “quy trình” nêu trên, bên “bị” có thể đưa các vấn đề khác liên quan đến gian lận: Như phiếu khống, phiếu hợp lệ bị gạt ra vô lý, việc “đóng lại” dấu bưu điện cho các phiếu đến sau thành đến trước ngày bầu cử 3/11…

Tất nhiên, muốn kiện như vậy thì phải thu thập đủ bằng chứng, chứng minh có lỗi hoặc sự gian lận của hệ thống trong quá trình bầu và kiểm phiếu. Ngoài ra một số bang còn quy định chỉ kiểm phiếu lại nếu như khoảng cách giữa người thắng và thua cuộc không chênh quá 0,5% tổng số phiếu. Đây cũng là việc cực kỳ khó khăn đối với Trump và Nhóm tranh cử của mình khi tìm cách kiện lại.

Như vậy, khả năng cao là tranh chấp pháp lý sẽ kéo dài và Tòa án Tối cao sẽ vào cuộc. Việc đấu trí qua con đường luật pháp đòi hỏi phải có rất nhiều tiền để thuê các luật sư giỏi, am hiểu luật. Trước bầu cử, nhóm Biden đã chuẩn bị sẵn 600 luật sư. Và ngay sau ngày bầu cử kết thúc Biden đã lập một trang mạng “xin” tiền để trả cho các luật sư có tên là “Biden Fight Fund” (Quỹ giúp Biden đấu pháp lý).

Như vậy, có thể thấy Biden và nhóm tranh cử của mình là những người “nhìn xa trông rộng”, thấy từ trước bầu cử 3/11 rằng với cách thức bỏ phiếu này, không sớm thì muộn việc “nói chuyện phải quấy” ở tòa là khó tránh khỏi.

Hoàng Anh Tuấn

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều