+
Aa
-
like
comment

Kết nối hạ tầng vùng Đông Nam Bộ: Tiền đâu, đất đâu và ý chí đâu?

23/11/2020 14:53

Cần có ‘nhạc trưởng’, thành lập ‘hội đồng vùng Đông Nam Bộ’ để đặt ra ưu tiên về đầu tư, thậm chí chia sẻ lợi ích giữa các tỉnh, để sự phát triển của địa phương này cũng là niềm vui, cộng hưởng cho sự phát triển của các tỉnh còn lại.

Kết nối hạ tầng vùng Đông Nam Bộ: Tiền đâu, đất đâu và ý chí đâu? - Ảnh 1.
Cao tốc Bến Lức – Long Thành đoạn qua huyện Nhà Bè, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đó là những giải pháp, ý kiến đóng góp tâm huyết tại hội thảo “Thúc đẩy kết nối hạ tầng vùng Đông Nam Bộ” do báo Tuổi Trẻ, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp tổ chức ngày 22-11.

Cần ưu tiên đầu tư

Ông Nguyễn Đức Kiên – tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng – dẫn thông tin liên tục trong vòng một năm qua, đích thân Thủ tướng và các phó thủ tướng đã nhiều lần thị sát và có những chỉ đạo quyết liệt để thúc đẩy các công trình giao thông trọng điểm tại Đông Nam Bộ như sân bay Long Thành, các tuyến đường cao tốc… Điều này cho thấy Chính phủ đã rất quan tâm và nhìn ra vấn đề phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hạ tầng cho vùng.

Tuy nhiên, có một thực tế là thời gian qua việc kết nối vùng Đông Nam Bộ vẫn còn rất hạn chế và chưa tương xứng với đòi hỏi của thực tế. Các đại biểu dẫn ví dụ đường vành đai 3, 4 TP.HCM được quy hoạch nhiều năm, đáng lẽ tới năm 2020 phải cơ bản hoàn thiện nhưng đến nay gần như “nằm trên giấy”, chỉ một số đoạn rất nhỏ được thi công.

TS Trần Du Lịch – nguyên phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM – cho rằng trong bối cảnh nguồn vốn hữu hạn, cần ưu tiên đầu tư vào những chỗ nào cần thiết nhất, mang lại hiệu quả cao nhất. Ông Lịch cho rằng trong cả nước, Đông Nam Bộ là khu vực có đóng góp nhiều nhất, vì vậy cần được ưu tiên đầu tư trong khu vực này để tháo gỡ điểm nghẽn cho phát triển kinh tế, từ đó tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu cho cả nước.

Đối với các công trình kết nối hạ tầng trong vùng, TS Lịch cho rằng cần thống nhất quan điểm đầu tư cho giao thông là đầu tư theo cả vùng.

“Đầu tư cho sân bay Long Thành, làm đường kết nối cho cảng Cái Mép – Thị Vải… không có nghĩa chỉ mang lại lợi ích cho Đồng Nai hay Bà Rịa – Vũng Tàu mà đó còn là những công trình kết nối của cả khu vực. Trên cơ sở nhận thức đầu tư giao thông theo quy mô vùng, sẽ có sự ưu tiên và huy động cơ chế, nguồn lực của các địa phương để thúc đẩy dự án” – ông Lịch nói.

Kết nối hạ tầng vùng Đông Nam Bộ: Tiền đâu, đất đâu và ý chí đâu? - Ảnh 2.
Kẹt xe kéo dài trên đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây hướng TP.HCM đi Đồng Nai – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hội đồng vùng và cơ chế “vượt trước”

Ông Trương Văn Phước – thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng – nêu đề xuất phải thành lập một hội đồng vùng và một quỹ đầu tư hạ tầng cho vùng Đông Nam Bộ. Ý kiến này nhận được sự ủng hộ của nhiều đại biểu dự hội thảo.

Để giải quyết việc đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ, phải trả lời ba câu hỏi lớn: “Tiền đâu, đất đâu và ý chí đâu?”. Và trong điều kiện ngân sách khó khăn, câu hỏi tiền đâu rất quan trọng.

Theo ý kiến của ông Phước, cơ chế quỹ đầu tư rất hiệu quả nhưng phải vận hành đúng theo cơ chế quỹ đầu tư. Đó là Nhà nước hay doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều xem như một nhà đầu tư trong quỹ đó. Và phải có ban điều hành, trong đó hội đồng quản trị của quỹ là lãnh đạo các địa phương trong vùng. Hội đồng này sẽ lựa chọn đầu tư dự án nào, con đường nào có tính chất kết nối liên vùng khi được các cấp thẩm quyền thông qua quy hoạch.

Các đại biểu cho rằng hiện nay các địa phương đều nhận ra nhu cầu phải phối hợp nhưng hầu như mới dừng lại ở các biên bản ghi nhớ. Cần có những cơ chế, quyết sách táo bạo, thể hiện vai trò “nhạc trưởng” của hội đồng vùng Đông Nam Bộ.

TS Trần Du Lịch đề xuất hội đồng vùng Đông Nam Bộ có thành viên là lãnh đạo các địa phương, luân phiên làm chủ tịch. Hội đồng có trách nhiệm ngồi lại để xác định các công trình nào là động lực của cả vùng để ưu tiên và có cơ chế đầu tư. Có thể quy định trước khi các bộ trình Chính phủ xem xét đầu tư một dự án nào trong vùng, cần lấy ý kiến đồng thuận của hội đồng vùng để điều phối nguồn lực đầu tư trọng điểm, mang lại hiệu quả tốt nhất.

Kết nối hạ tầng vùng Đông Nam Bộ: Tiền đâu, đất đâu và ý chí đâu? - Ảnh 3.

Về quỹ đầu tư hạ tầng cho vùng Đông Nam Bộ, các đại biểu cho rằng nguồn quỹ có thể hình thành không chỉ từ ngân sách mà còn có thể huy động từ nguồn xã hội hóa thông qua các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân – viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM – cho rằng khi có hội đồng vùng phối hợp hiệu quả, sẽ thúc đẩy nguồn lực đầu tư. Ông Ngân lấy ví dụ năm 2021 dự kiến cả vùng Đông Nam Bộ được giao chỉ tiêu thu ngân sách khoảng 535.000 tỉ đồng, chi chỉ có 146.000 tỉ đồng. Nhưng nếu các tỉnh trong vùng đồng thuận, thu vượt chỉ tiêu, số tiền thu vượt này đề xuất đưa 100% vào quỹ đầu tư của vùng. Qua đó để đầu tư cho các công trình kết nối vùng mà không chuyển về cho địa phương nào hay trung ương.

“Khi các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ thấy việc phối hợp, chia sẻ lẫn nhau mang lại lợi ích chung sẽ góp phần tháo gỡ những suy nghĩ cục bộ, thúc đẩy sự kết nối. Khi đó, giả sử nếu Bà Rịa – Vũng Tàu tăng trưởng tốt, thu ngân sách cao, các tỉnh khác như Bình Dương, Đồng Nai… cũng thấy vui, hạnh phúc vì các tỉnh cùng cộng hưởng sự phát triển” – ông Ngân nói.

TS Trần Đình Thiên – thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng – cho rằng với vị thế Đông Nam Bộ là một vùng kinh tế có đóng góp nhiều nhất cả nước, cách tiếp cận vấn đề kết nối vùng không thể chỉ từ góc độ xin – cho, không “cơi nới” mà phải có những cơ chế để “vượt trước”. Cần có cơ chế để đảm bảo an toàn, không gây rủi ro cho những người dám “xé rào” vì sự phát triển chung.

* Ông Phạm Viết Thanh (bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu): Hạ tầng làm chậm tốc độ tăng trưởng của vùng

Các tỉnh Đông Nam Bộ nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã và đang giữ vai trò quyết định đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Đây là một trong những vùng phát triển kinh tế năng động, có lợi thế là 1 trong 20 địa điểm phát triển cảng nước sâu tốt nhất trên thế giới. Khi sân bay quốc tế Long Thành được đưa vào hoạt động sẽ tạo ra sự kết nối đa phương thức, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, cơ hội mới, động lực mới cho tăng trưởng.

Tuy nhiên, Đông Nam Bộ đang đối mặt với hạ tầng quá tải, thiếu đầu tư đúng mức, thiếu kết nối đồng bộ và bền vững. Đây là nguyên nhân tác động trực tiếp làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong vùng. Các giải pháp kết nối từ hội thảo sẽ không chỉ hiến kế cho Chính phủ và các cơ quan trung ương mà còn rất thiết thực để các địa phương chủ động phối hợp, thúc đẩy kết nối các dự án.

—–

* PGS.TS Trần Hoàng Ngân (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM): Tháo gỡ cho Đông Nam Bộ là tháo gỡ cho cả nước

Hiện nay, tỉ lệ điều tiết ngân sách của các tỉnh Đông Nam Bộ về trung ương rất lớn, bình quân chỉ được giữ lại khoảng 24-25% nguồn thu. Với vai trò quan trọng của khu vực, cần xem xét điều chỉnh tỉ lệ điều tiết, gia tăng phần ngân sách của các tỉnh được giữ lại.

Việc tháo gỡ kết nối hạ tầng cho vùng Đông Nam Bộ cũng chính là tạo điều kiện để không chỉ phát triển kinh tế cho vùng này mà còn là giải pháp để gia tăng nguồn thu, có nguồn lực đầu tư cho các vùng, các tỉnh thành khác của cả nước.

ĐÔNG HÀ, BÁ SƠN/TT

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều