Kết luận điều tra vụ người tu hành đánh bé trai 11 tuổi
Bé trai 11 tuổi học khóa tu hè và bị kẻ lợi dụng tu hành đánh nhiều lần với thương tích 9%.
Ngày 21-10, tin từ Công an huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) cho biết Đại tá Lê Bá Thanh, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an Hàm Thuận Bắc, đã ký kết luận điều tra đề nghị truy tố bị can Lương Việt Đức (26 tuổi) về tội cố ý gây thương tích.
Ông Lương Việt Đức là người xây dựng một ngôi chùa trái phép tại xã Hàm Chính, Hàm Thuận Bắc, tự xưng pháp danh Thiện Lam và tổ chức khóa tu hè trái phép.
Theo kết luận điều tra, ngày 10-6, bà Võ Thị Hương (ngụ Phan Thiết) gởi con trai là bé TVĐK (11 tuổi) vào học hè tại chùa. Trong quá trình ở tại đây, bé K. không chấp hành các quy định của Đức thì bị Đức dùng ống nhựa và chổi đánh đập.
Sáng 17-6, cho rằng bé K. lấy điện thoại của mình xem các hình ảnh nhạy cảm nên bị Đức dùng ống nhựa đánh vào lưng, mông, hai tay gây thương tích. Sau đó, Đức gọi cho bà Hương trả bé K. về nhà. Khoảng 13 gờ 30 phút cùng ngày, bà Hương đến đón con thì nhìn thấy cơ thể con có rất nhiều vết bầm tím nên đến công an xã trình báo.
Sau khi tiếp nhận tin báo từ Công an xã Hàm Chính, Cơ quan CSĐT Công an Hàm Thuận Bắc đã triệu tập Lương Việt Đức đến làm việc và Đức đã khai nhận toàn bộ sự việc.
Tại kết luận giám định của Trung tâm giám định pháp y Bình Thuận này nêu rõ các vết sẹo ở vùng lưng phải và sẹo ở hai cánh tay, mu bàn tay có tỉ lệ thương tật là 9%. Ngoài ra có nhiều vết thâm mờ ở vùng lưng, thắt lưng, mông trái không đủ cơ sở để xác định tỉ lệ tổn thương cơ thể.
Theo kết luận điều tra, Đức đã dùng hung khí nguy hiểm đánh bé K. là trẻ em gây thương tích. Hành vi của Đức đã hội đủ yếu tố cấu thành tội phạm cố ý gây thương tích theo Điều 134 BLHS.
Ngày 8-8, Cơ quan CSĐT Công an Hàm Thuận Bắc đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Lương Việt Đức.
Đối với việc bé K. khai bị Đức xâm hại tình dục, theo kết luận điều tra do không đủ tài liệu chứng cứ chứng minh nên không đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự của Lương Việt Đức về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.
Đây là vụ việc mà Pháp Luật TP.HCM có nhiều loạt bài phản ánh sau khi nhận đơn tố cáo của bà Võ Thị Hương. Theo đơn, tháng 6-2019, K. nghỉ hè và được giới thiệu có một ngôi chùa ở xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc do người đàn ông có pháp danh Thiện Lam nhận học sinh tiểu học vào học khóa tu mùa hè nên bà Hương gửi con vào học.
Khoảng một tuần sau, K. gọi điện thoại về cho mẹ, cho biết là mỗi lần ngủ K. đều bị thầy Thiện Lam ôm ấp, siết chặt rất khó chịu, không ngủ được và nhờ mẹ nói giúp.
Khi mẹ bé K. gọi thì người này trấn an, cho biết đó chỉ là hành động tạo ra cảm giác yêu thương chứ không có gì quan trọng.
Khoảng 8 giờ sáng 16-7, bà Hương nhận được cuộc gọi của ông Thiện Lam, yêu cầu lên Hàm Chính gấp để nhận con về vì K. hư hỏng, xem phim đồi trụy.
Bà Hương tức tốc đến nơi thì ngã quỵ khi thấy khắp nơi trên thân thể con trai hằn những vết roi bầm tím, nhiều vết lở loét sâu, rướm máu đã sắp thành sẹo. Khi thấy mẹ, K. đã nhào tới ôm khóc tức tưởi kêu cứu và cho biết nhiều ngày qua em đã bị thầy Thiện Lam buộc phải quỳ gối để tra tấn, đánh đập bằng ống nước, ngất xỉu nhiều lần.
Bà Hương lập tức đến Công an xã Hàm Chính trình báo và đưa con trai nhập bệnh viện cấp cứu.
Sau khi Pháp Luật TP.HCM phản ảnh, ông Lương Việt Đức đã gọi điện thoại cho PV “xin gỡ bài” với “bất cứ giá nào”. Sau đó, Pháp Luật TP.HCM đã phối hợp với luật sư Đặng Trường Thanh – thành viên Chương trình Trợ giúp pháp lý miễn phí của Pháp Luật TP.HCM, bảo vệ quyền và lợi ích miễn phí cho bé K.
Theo Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Thuận, ông Lương Việt Đức không có trong danh bộ tăng ni của tỉnh Bình Thuận. Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Thuận cũng không tổ chức các khóa tu hè kéo dài ba tháng.
Ngoài ra, các khóa tu được tổ chức phải có sự đồng ý của chính quyền chức năng. Bà Hương khi gửi bé K. đến chỗ ông Đức thông qua sự giới thiệu của một người cũng không nằm trong danh sách tăng ni của Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Thuận.
Được biết năm 2017 ông Đức về xã Hàm Chính, Hàm Thuận Bắc, xây dựng ngôi nhà trên phần đất của gia đình rất giống cơ sở thờ tự và chính quyền nhiều lần mời làm việc buộc tháo dỡ phần xây dựng trái phép, chấm dứt việc tụ tập đông người.
Liên quan đến ông Đức, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bến Tre cũng đã tiến hành xác minh và có văn bản gửi Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Theo đó, năm 2012, ông Lương Việt Đức làm hồ sơ xin xuất gia tại chùa Quốc Thới (Bến Tre) và ngày 17-7-2012 được Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh chấp thuận.
Tuy nhiên, tháng 8-2012, ông Đức đã rời khỏi chùa trở về nhà ở xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc, không còn sinh sống, thực hành giới luật của người xuất gia. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bến Tre đã quyết định xóa danh bộ Lương Việt Đức khỏi danh bộ tỉnh Bến Tre và thông báo cho Ban đại diện Phật giáo trong tỉnh được biết.
Do đó, việc ông Đức xuất trình chứng điệp thọ giới Sa Di ghi ngày 5 và 6-8-2012 do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hậu Giang tổ chức, có ghi nơi xuất gia là chùa Quốc Thới, huyện Chợ Lách (Bến Tre). Nhưng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bến Tre không giới thiệu và không chịu trách nhiệm về thành phần giới thiệu vì Lương Việt Đức đã bị xóa tên khỏi danh bộ vào ngày 2-8-2012 nên hồ sơ thọ giới này có dấu hiệu giả mạo.
(Theo Pháp Luật TP.HCM)