Kết cục bi thảm của tên Việt gian chuyên đàn áp phong trào Cần Vương
Nguyễn Thân được xem là Việt gian tiêu biểu ở thế kỷ 19, ông làm tay sai cho Pháp, đàn áp rất dã man phong trào Cần Vương chống Pháp thời điểm đó. Dù được nhận rất nhiều phần thưởng từ Triều đình và người Pháp, nhưng số phận cuối cùng của ông thật bi thảm.
Nguyễn Thân tự là Thạch Trì, người làng Thạch Trụ, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Cha ông là Nguyễn Tấn, người đã dùng mưu mà thu phục được người Man ở Đá Vách (Quảng Ngãi).
Năm 1871 khi Nguyễn Tấn mất, Nguyễn Thân đã 17 tuổi, ông theo con đường binh nghiệp của cha mình. Khi người Man lại nổi lên, Triều đình cử ông đi đánh.
Do Nguyễn Tấn được người Man khâm phục nên khi biết Nguyễn Thân là con Nguyễn Tấn thì người Man lui quân. Nhờ đó Nguyễn Thân lập được công và trở nên nổi tiếng.
Năm 1880, Nguyễn Thân được phong hàm Thị độc, sung chức Tán dương. Năm 1884 ông được thăng Hồng lô Tự thiếu khanh, sung Quyền Tiễu phủ sứ.
Đứng trước sự lựa chọn
Khi quân Pháp vào Huế, Triều đình chia làm 2 phe là chủ chiến và chủ hòa. Năm 1885, người đứng đầu phe chủ chiến là Tôn Thất Thuyết cho quân bất ngờ đánh úp vào trại lính và Tòa khâm sứ của Pháp.
Quân Pháp dù hết sức bất ngờ, nhưng nhờ có vũ khí vượt trội, đại bác hiện đại nên đã cầm cự và đánh bại quân Triều đình, rồi đuổi theo. Tôn Thất Thuyết phải đưa vua Hàm Nghi chạy ra Sơn Phòng (Quảng Trị), kêu gọi mọi người cùng đồng lòng chống Pháp.
Vua Hàm Nghi đi rồi, người Pháp liền lập con nuôi của vua Tự Đức là Nguyễn Phúc Ưng Thị lên ngôi, hiệu là Đồng Khánh, nhưng quyền lực thực chất nằm trong tay người Pháp.
Phong trào Cần Vương chống Pháp nổ ra khắp nơi, Nguyễn Thân lúc này đang tham gia nghĩa hội Quảng Ngãi, sau khi suy tính thiệt hại cho bản thân, ông quyết định không theo vua Hàm Nghi, mà lại theo Pháp, đem quân đi đánh dẹp phong trào Cần Vương. Triều vua Đồng Khánh phong cho ông làm Thị lang bộ Binh.
Đàn áp các cuộc khởi nghĩa Cần Vương
Triều đình Đồng Khánh cử Nguyễn Thân đi đánh dẹp phong trào Cần Vương ở tỉnh Quảng Ngãi. Nguyễn Thân dẫn quân đi đánh, giành được chiến thắng, chiếm lại thành Quảng Ngãi. Ông ta đối xử với nghĩa quân rất tàn nhẫn, 14 thủ lĩnh bị ông ta lệnh chém đầu tại chỗ để răn đe dân chúng.
Sau đó Nguyễn Thân lại đưa quân đến Bình Định dập tắt cuộc khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng.
Nguyễn Loan khởi nghĩa ở Quảng Ngãi, cũng bị Nguyễn Thân đưa binh đến dẹp tan.
Với những chiến công của mình, Nguyễn Thân được Triều đình phong làm Tả tham tri bộ Binh, tấn phong tước Diên Lộc nam, trở thành tướng lĩnh quan trọng bậc nhất của triều vua Đồng Khánh và được người Pháp tin tưởng.
Năm 1886 và 1887 là năm Nguyễn Thân phải thân chinh đi các nơi đàn áp các cuộc khởi nghĩa. Nhờ vũ khí hiện đại của người Pháp, Nguyễn Thân đã dâp tắt nhiều cuộc khởi nghĩa, đàn áp rất dã man các nghĩa quân, khiến tiếng oán thán khắp nơi. Ông được người Pháp thưởng Bắc đẩu bội tinh ngũ hạng năm.
Năm 1888, Triều đình phong cho Nguyễn Thân làm Thượng thư bộ Binh (tương đương bộ trưởng quốc phòng ngày nay) kiêm Tổng đốc Bình Định. Nguyễn Thân tiếp tục đàn áp các cuộc khởi nghĩa và được Pháp phong thưởng Bắc đẩu bội tinh tứ hạng
Lúc này cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo ở Hà Tĩnh đã kéo dài, quân Pháp nhiều lần đàn áp, khiến phong trào suy yếu. Năm 1895, Nguyễn Thân thống lĩnh 3.000 quân tiến đánh quân Hương Khê, lệnh cho bao vây tuyệt đường lương thực của nghĩa quân, khiến nghĩa quân suy yếu rối mới cho quân tiến vào.
Phan Đình Phùng bị thương nặng rồi hy sinh. Nguyễn Thân cho quật mồ Phan Đình Phùng, đổ dầu đốt thành tro, trộn với thuốc súng rồi bắn xuống sông La.
Sau chiến công đó, Nguyễn Thân được phong làm phụ chính đại thần, tước Diên Lộc bá, sau thăng làm Diên Lộc Quận công, được người Pháp phong tặng huân chương Bắc đẩu bội binh hạng ba.
Dù được Triều đình và người Pháp phong thưởng trọng hậu, nhưng người dân ca thán ông ta khắp nơi.
Năm 1902, Toàn quyền Đôn Dương Paul Doumer mãn hạn chuẩn bị về nước. Nguyễn Thân viết một bức thư rất dài gửi cho Paul Doumer, ngỏ ý kể công, bức thư có nội dung chính như sau:
Hai tên tướng giặc văn thân (tức khởi nghĩa theo phong trào Cần Vương) là Cử Định và Tú Tâm lúc ấy chiếm cứ tỉnh thành Quảng Ngãi, đồ đảng đông quân. Tôi đem hai ngàn quân lính ở miền trên kéo xuống đánh giặc văn thân ấy. Tôi thâu phục tỉnh thành, bắt được 14 tên tướng giặc, sai chém đầu tại đó để cho dư đảng văn thân thấy mà phải sợ. Tỉnh Quảng Ngãi dẹp yên rồi, tôi vâng mạng của đức Đồng Khánh, đem bổn bộ binh mã kéo vô Bình Định đánh dẹp đám dân khởi loạn ở trong tỉnh này. Tôi tiễu trừ được loạn đảng, khôi phục được trật tự và sắp đặt lại công việc cai trị các phủ huyện. Còn tên tướng giặc sau chót là Mai Xuân Thưởng chạy về miền An Khê, thì tôi đang sai quân lính đuổi theo đánh riết.
Cũng trong lúc đó, ông Đốc phủ Lộc đem toán quân lính ông ở Nam kỳ ra tiễu trừ bọn văn thân do Mai Xuân Thưởng làm đầu. Lúc ấy tôi phụng mạng đức Hoàng đế sai tôi đem quân trở ra Quảng Nam đánh đám giặc văn thân, cầm đầu là tên tướng giặc nổi tiếng, Hường Hiệu, chống cự với nhà nước Bảo hộ bấy lâu, đến đỗi các quan binh Pháp phải lập ra tới 36 đồn lính ở trong miền đó đặng tuần tiễu mà vẫn dây dưa không yên. Tôi dẫn binh ra, sai người tâm phúc đi do thám, khám phá được chỗ ẩn núp của tên tướng giặc ấy tại miệt An Tâm; rồi 25 tên phó tướng của giặc bị bắt trong tay tôi, còn bao nhiêu dư đảng xin ra đầu hàng tôi hết, Hường Hiệu trốn thoát, chạy vô núi Ngũ Hành, sau tôi cũng bắt sống được, bỏ vô trong cũi mà giải về Huế.
Thưởng đền tấm lòng tận trung của tôi đối với công việc nước Pháp, chính phủ Cộng hoà lúc bấy giờ ban tặng Bắc đẩu Bội tinh ngũ hạng cho tôi.
Cách đó ít lâu, tỉnh Bình Định lại có loạn dấy lên nữa; nhà nước sai đi tiễu phủ lần thứ nhì, tôi dẹp được giặc giã tỉnh này yên hẳn từ đó. Nhân việc đánh giặc thành công, quan Toàn quyền Picquet và quan Khâm sứ Hector tư xin chính phủ Cộng hoà ban thưởng cho tôi Bắc đẩu Bội tinh tứ hạng cho tôi.
Rồi đó tôi được phong chức Khâm sai đại thần đem quân ra đánh dẹp giặc văn thân Nghệ Tĩnh. Vì có quan Toàn quyền Rousseau và quan Khâm sứ Brière nói với triều đình, nên chi tôi được lãnh cái trọng trách ấy.
Sở dĩ tôi phụng mạng đem quân ra Nghệ Tĩnh là cốt để tróc nã tướng giặc văn thân Phan Đình Phùng, khởi loạn ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã 10 năm, mặc dầu nhà nước đã ra sức đánh dẹp mãi mà không được.
Tôi đuổi đánh tên tướng giặc ấy hết núi này đến núi kia rồi tôi vây bọc va được là nhờ có những đồn lính phòng trấn lập ra lải rải khắp các ngã đường giao thông.
Thế cùng lực kiệt, lại bị thương tích trong trận đại chiến, Phan Đình Phùng phải uống thuốc độc tự tử. Bao nhiêu bộ tướng của y đều bị bắt hết.
Nhân tôi có công lao như thế chính phủ Cộng hoà thưởng cho tôi Bắc đẩu Bội tinh tam hạng và đức Hoàng đế vời tôi về Kinh làm Phụ chính đại thần.
Kết cục điên loạn
Sau này số phận của Nguyễn Thân quả là thê thảm, ông ta trong cơn điên loạn mà chết. Không có nhiều nguồn sử liệu nói về bệnh tình điên loạn của Nguyễn Thân thế nào. Nhà sử học Phạm Văn Sơn trong cuốn “Việt Nam cách mạng cận sử” của mình đã viết rằng:
“Nguyễn Thân là người hung ác, hiểm độc lắm và hay giết người. Trong lúc dùng binh, ông giết người ta không biết bao nhiêu mà kể. Sau về hưu trí ở làng Thu Xà bị bệnh điên cuồng mà chết. Người ta nói ông bị những oan quỷ báo oán. Và tòa nhà lộng lẫy của ông lập ngay trên một trái núi con ở Thu Xà, người ta cũng đồn cái nhà ấy nhiều ma, cho nên khi ông chết đi rồi thì nhà bị bỏ hoang”.
Trần Hưng (Theo Tri Thức)