Kết con ‘dễ thương’, dưỡng con ‘lầm lừ’, thu hàng trăm triệu đồng/năm
“Kết” 2 con nuôi thương phẩm khác nhau, một anh chọn thỏ, người còn lại chọn lợn rừng, nhưng cả 2 thanh niên ở Hà Tĩnh có niềm vui chung là có nguồn thu hàng trăm triệu đồng/năm.
Thu 200 triệu đồng/năm từ con… lầm lừ
Theo lời giới thiệu của Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Phạm Hoàng Anh sau Hội nghị sở kết kinh tế huyện 6 tháng đầu năm 2020, chúng tôi có mặt tại nhà anh Nguyễn Văn Đức (32 tuổi), cán bộ Đoàn xã Nam Phúc Thăng, để tận mắt chứng kiến mô hình con nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, được gọi với cái tên khá lạ, mô hình nuôi con “lầm lừ”.
Gọi là mô hình nuôi con lầm lừ, nhưng thực ra đây mô hình nuôi lợn rừng thương phẩm, cho thu nhập cao của gia đình anh Đức.
Đúng như lời giới thiệu của cán bộ xã Nam Phúc Thăng, đàn lợn nuôi cả trăm con lớn bé tại khu chuồng rộng lớn của anh Đức con nào ánh mắt cũng lầm lừ, đầu như muốn lao thẳng vào bất cứ ai muốn tiến gần đến với chúng. Nhìn vậy thôi, nhưng do được thuần nhiều năm, nên chúng trông khá hiền lành, nhất là khi chủ trại cho chúng ăn sắn, ngô.
Anh Đức kể lại, vào năm 2009, khi đó mới ở độ tuổi đôi mươi, anh đã được gia đình hỗ trợ, vay mượn người thân đã nhập về giống lợn rừng với 4 con heo nái và 1 con heo đực, bắt đầu triển khai mô hình chăn nuôi.
Mọi việc tưởng chừng như khá thuận lợi khi đàn heo của anh phát triển rất tốt, sinh sôi nhanh. Tuy nhiên, mọi việc không được như ý khi thời điểm đó đầu ra sản phẩm còn rất hạn chế, chi phí duy trì đàn lợn lại cao. Nuôi cầm chừng được thời gian, đến năm 2013, anh Đức đành phải “tiễn” phần lớn đàn lợn rừng, chỉ còn giữ lại mười mấy con.
Khó khăn, nhưng anh Đức không từ bỏ nghiệp chăn nuôi, cùng gia đình quyết tâm vay mượn hàng trăm triệu đồng đầu tư chuồng trại nuôi lợn thương phẩm. Tuy nhiên, duy trì được tới năm 2016 thì dịch bệnh, giá cả, một lần nữa khiến anh gần như trắng tay.
Rất khó khăn, nhưng với tâm huyết của tuổi trẻ, đồng thời trên cương vị là Bí thư Đoàn xã kiêm Bí thư Chi bộ vùng giáo, anh Nguyễn Văn Đức không cho phép mình nản chí, phải biết đứng lên sau thất bại để làm gương cho mọi người.
Anh Đức kể: “Đây là một khoảng thời gian khó khăn, nhưng cũng là lúc để tôi ngẫm lại. Lợn rừng là một giống lợn có giá thành cao, sức đề kháng cao, đứng vững trước các loại dịch bệnh, kinh tế người dân ngày càng khá giả, đầu ra dễ hơn, tại sao mình lại không bán lợn rừng để duy trì lợn thương phẩm. Thế là tôi lại quay lại con lợn rừng thương phẩm”.
Ngay sau đó, anh đã tham gia nhiều lớp tập huấn, tìm hiểu các kiến thức, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình kinh tế khác, nghiên cứu đầu ra sản phẩm, quay trở lại phát triển đàn lợn rừng.
Cùng thời điểm đó, xã Cẩm Phúc đang “nước rút” về đích nông thôn mới nên Tổ chức Đoàn được giao phụ trách xóa bỏ vườn tạp, chỉnh trang vườn hộ. Trên địa bàn có rất nhiều vườn tạp bỏ hoang khiến anh Đức trăn trở và cũng từ đấy nảy sinh ý định tận dụng các vườn tạp để mở rộng quy mô chăn nuôi và trồng các loại thức ăn cho đàn lợn.
Tới nay, anh Đức đã tận dụng được 6 vườn tạp của các hộ dân để trồng sắn, ngô, các loại cỏ cho lợn và các loại rau màu khác…, mở rộng quy mô chuồng trại với 6 điểm nuôi. Cao điểm, mô hình chăn nuôi của anh đạt gần 120 con lợn rừng.
Tự túc được nguồn thức ăn cho đàn lợn, đảm bảo sạch, tự nhiên, nói không với các loại cám tăng trọng, thực phẩm bẩn… nên đàn lợn của anh luôn chắc thịt, thơm, dai và có chất lượng cao.
Chất lượng làm nên thương hiệu, tới nay, đàn lợn của anh “nuôi không kịp bán”, cho thu nhập 200 triệu đồng/năm, giải quyết cho nhiều lao động tại địa phương.
Nói về hướng phát triển trong tương lai, anh Đức dự định tăng quy mô đàn, chuồng trại, kết hợp với các mô hình kinh tế khác để phát triển thương hiệu, đưa sản phẩm của mình ra thị trường ngoại tỉnh.
Ngoài ra, anh Đức cũng muốn nhân rộng mô hình nuôi lợn rừng, tận dụng vườn tạp, giúp các ĐVTN, phụ nữ trong xã phát triển kinh tế, đứng vững ngay trên mảnh đất quê hương.
Tại chương trình gặp gỡ “500 đảng viên trẻ tiêu biểu học tập và làm theo lời Bác” toàn quốc năm 2019 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức tại Hà Nội, anh Nguyễn Văn Đức nằm trong số 8 đảng viên trẻ tiêu biểu trên toàn tỉnh tham gia. Đức là tấm gương điển hình trong học tập và làm theo Bác của địa phương, đơn vị.
“Yêu” con “dễ thương”, nhận thành quả lớn
Trong khi đó, anh Phan Thanh Hùng Bí thư chi đoàn tổ dân phố Thuận An, phường Đức Thuận (thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) lại “kết” với con thỏ thương phẩm.
Sau một thời gian nuôi thử nghiệm, từ hai năm nay mô hình nuôi thỏ thương phẩm của anh Hùng trở thành mô hình chăn nuôi điểm của đoàn thanh niên thị xã Hồng Lĩnh. Đàn thỏ thỏ phát triển không ngừng. Thỏ con sau sinh, nuôi khoảng hơn 4 tháng thành thỏ thịt với trọng lượng bình quân 2,3kg/con là có thể xuất bán.
Đặc biệt, mô hình của anh đã cung cấp giống thỏ giống cho nhiều hộ gia đình trong tổ dân phố. Hiện nay, anh Hùng đang có kế hoạch đầu tư mở rộng chuồng trại khép kín để nâng quy mô chăn nuôi lên gấp 4-5 lần.
Với thành công này, sáng 3/7/2020, Thị đoàn Hồng Lĩnh đã ra mắt mô hình chăn nuôi 200 con thỏ giống sinh sản của thanh niên Phan Thanh Hùng Bí thư chi đoàn TDP Thuận An, phường Đức Thuận. Từ mô hình trên, Thị đoàn sẽ cùng với đoàn viên Phan Thanh Hùng sẵn sàng giúp đỡ các đoàn viên có mong muốn làm giàu với mô hình nuôi thỏ, bao gồm: hỗ trợ tư vấn xây dựng chuồng nuôi, kỹ thuật chăm nuôi, bao tiêu sản phẩm.
Bí thư chi đoàn TDP Thuận An, phường Đức Thuận.Trước đó, vào năm 2018, anh Phan Thanh Hùng đã cho ra mắt mô hình kinh tế thứ nhất là cửa hàng kinh doanh điện nước, gia công cơ khí do anh làm chủ.
Hiện, 2 mô hình kinh tế của Bí thư chi đoàn TDP Đức Thuận Phan Thanh Hùng với doanh thu hàng năm gần 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 5 lao động.
Phan Thanh Hùng – Đình Nhất/DT